Bình Định: 'Đề án 904' được triển khai có nhiều điểm bất thường dưới 'vỏ bọc' đúng quy trình như thế nào?

Trong năm 2013, Tỉnh ủy Bình Định có Quyết định số 904-QĐ/TU, ban hành 'Đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013 - 2020' của tỉnh (gọi tắt Đề án). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án có khá nhiều bất cập, lúng túng và không theo đúng nội dung Đề án đã được phê duyệt.

“Cài cắm”… để cho qua điều kiện tuyển chọn

Theo quy định tại nội dung Đề án 904, để được xem xét bổ nhiệm, cán bộ trẻ phải đáp ứng các điều kiện cụ thể: Phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tập trung (có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực lãnh đạo, quản lý) đạt loại khá trở lên; trình độ lý luận chính trị trung cấp, cao cấp hoặc đang học trung cấp, cao cấp, cử nhân chính trị.

Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ, tin học đạt trình độ B trở lên; tuổi từ 40 tuổi trở xuống đối với cả cán bộ nam và cán bộ nữ; có thời gian công tác ít nhất là 5 năm (không kể thời gian tập sự) trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp của Đảng, chính quyền, đoàn thể (tính từ thời điểm đề cử, bổ nhiệm).

Với nguồn cán bộ tuyển chọn tại chỗ thì cán bộ trẻ được bổ nhiệm phải là những người thực sự có năng lực đã được quy hoạch chức danh cấp phó của chính các sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương.

Ông Nguyễn Đình Kha được bổ nhiệm Phó Giám đốc sở Tài chính (năm 2014), nhưng bằng tốt nghiệp trường đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ xếp hạng loại TB khá (không nằm trong quy định).

Ông Nguyễn Đình Kha được bổ nhiệm Phó Giám đốc sở Tài chính (năm 2014), nhưng bằng tốt nghiệp trường đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ xếp hạng loại TB khá (không nằm trong quy định).

Không những vậy, theo yêu cầu của Đề án, quy trình tuyển chọn cán bộ lãnh đạo phải đảm bảo khách quan, chặt chẽ, thật sự công tâm; chống các biểu hiện cá nhân, cục bộ địa phương và các biểu hiện tiêu cực khác.

Cụ thể hóa Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã quyết định chọn 11 đơn vị để triển khai thực hiện thí điểm cụ thể: Sở Tài chính, sở Giáo dục và Đào tạo, sở Y tế, sở Ngoại vụ, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Công Thương, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Khoa học và Công nghệ, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sở Kế hoạch và Đầu tư và hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Theo lộ trình tổ chức, thì đến năm 2015 thí điểm thực hiện tăng thêm một cấp phó trẻ đối với 1/3 số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương. Trong quý II năm 2015, sẽ tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Đề án này.

Đến giữa năm 2015, Bình Định đã bổ nhiệm được 7 cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương gồm: Sở Ngoại vụ, sở Tài chính, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Công Thương, sở Giáo dục và Đào tạo, sở Y tế và hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Đề án có khá nhiều bất cập, một số cán bộ được bổ nhiệm chưa đáp ứng các điều kiện theo Đề án quy định. Đơn cử ông Nguyễn Đình Kha được bổ nhiệm Phó Giám đốc sở Tài chính (năm 2014), nhưng bằng tốt nghiệp trường đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ xếp hạng loại Trung bình khá (không nằm trong quy định), hiện đang là Phó Bí thư Thành ủy Quy Nhơn.

Luân chuyển cán bộ trẻ… “vượt rào”

Theo Đề án, cán bộ trẻ vào chức danh cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và tương đương để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2013 - 2020 với yêu cầu cụ thể là để đào tạo, rèn luyện và thử thách.

Việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ không làm tăng thêm chỉ tiêu biên chế được giao cho từng cơ quan đơn vị khi thí điểm tăng thêm 1 chức danh cấp phó cho một số sở, ban, ngành, đoàn thể và tương đương của tỉnh.

Tại khoản 8 của nội dung đề án về phần quản lý, đánh giá cán bộ trẻ được tuyển chọn đã ghi rõ: “Trong thời hạn bổ nhiệm hoặc hết thời hạn bổ nhiệm mà cán bộ được bổ nhiệm tăng thêm không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cấp ủy cùng cấp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc cấp có thẩm quyền miễn nhiệm hoặc không bổ nhiệm lại; đồng thời, bố trí công tác khác cho phù hợp với khả năng”.

Theo Đề án 904, cán bộ trẻ được tuyển vào vị trí lãnh đạo, quản lý phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy, tập trung (có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực lãnh đạo, quản lý) loại khá trở lên.

Điều này có thể hiểu là những cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm theo diện này cần phải trải qua quá trình rèn luyện, thử thách, cần phải đánh giá mức độ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong suốt thời gian bổ nhiệm thí điểm.

Thế nhưng, sau một thời gian được bổ nhiệm thí điểm, 7 cán bộ này ngoài 1 người buộc phải hủy bỏ, thu hồi quyết định (ông Nguyễn Đức Hoàng - sở Ngoại vụ), thì có đến 4 người đã được luân chuyển đến các cơ quan khác.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Kha từ Phó Giám đốc sở Tài chính làm Phó Bí thư Thành ủy Quy Nhơn; ông Trần Đình Chương từ Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường sang làm Phó Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ; ông Phạm Tấn Thành từ Phó Giám đốc sở Công Thương làm Viện phó viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội, ông Đặng Văn Phụng từ Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo làm Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh.

Những cán bộ lãnh đạo trẻ được tuyển chọn, bổ nhiệm cấp phó sở, ban, ngành, đoàn thể theo Đề án 904 của tỉnh Bình Định trong các năm 2014, 2015 đã không được thực hiện đúng theo nội dung Đề án đã được phê duyệt.

Phát biểu tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Thật ra, đây là vấn đề của lịch sử, thuộc về các nhiệm kỳ trước. Bởi xử lý các cán bộ bổ nhiệm, luân chuyển không đúng quy trình của Đề án trong bối cảnh hiện nay, là rất khó đối với lãnh đạo tỉnh”.

Cũng theo ông Hồ Quốc Dũng, UBND tỉnh đã tự kiểm điểm trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương về Đề án 904; đồng thời rút ra bài học sâu sắc về công tác tuyển chọn, quy hoạch cán bộ trẻ để chuẩn bị nhân sự cho công tác Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới.

Ngày 25/2, Ban Chấp hành Trung ương có Quy định số 179-QĐ/TW về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ đã yêu cầu phải kiểm tra việc bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ khi bổ nhiệm.

Tuy nhiên đến nay, Bình Định vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương đối với các trường hợp bổ nhiệm sai quy định tại Đề án thí điểm tuyển chọn cán bộ trẻ.

Duy Quan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-dinh-de-an-904-duoc-trien-khai-co-nhieu-diem-bat-thuong-duoi-vo-boc-dung-quy-trinh-nhu-the-nao-a442787.html