Bình Định: Bồi dưỡng, tập huấn cho 243 giáo viên tiểu học cốt cán

Ngày 15/10, tại Thành phố Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế khai mạc đợt tập huấn - bồi dưỡng cho 243 giáo viên tiểu học cốt cán trên địa bàn tỉnh Bình Định về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc bồi dưỡng, tập huấn GV tiểu học cốt cán.

Các đại biểu tham dự lễ khai mạc bồi dưỡng, tập huấn GV tiểu học cốt cán.

Đây là tỉnh thứ 5/10 tỉnh Trường Đại học Sư phạm tổ chức bồi dưỡng - tập huấn.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Lê Anh Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường Đại học Sư phạm là 1 trong 8 trường đại học sư phạm/học viện được Bộ GD&ĐT chọn tham gia Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông) thực hiện tập huấn giáo viên cốt cán và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đưa vào thực hiện sẽ là cuộc cách mạng thực sự bởi chương trình góp phần thay đổi từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất năng lực người học. Do đó, thông qua đợt tập huấn này, các giảng viên chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm sẽ giúp cho đội ngũ giáo viên tiểu học cốt cán trang bị kiến thức cũng như cách đánh giá dạy học theo Chương trình mới”.

PGS.TS. Lê Anh Phương phát biểu khai mạc và báo cáo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Phát biểu tại buổi lễ tập huấn, ông Phan Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định khẳng định: “Đợt tập huấn này vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của đội ngũ giáo viên tiểu học về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, đề nghị các giáo viên tập trung, tương tác với giảng viên để đạt hiệu quả tốt nhất”.

Ông Phan Thanh Liêm phát biểu tại lễ khai mạc tập huấn

Tham gia đợt tập huấn, giáo viên tiểu học cốt cán sẽ được các giảng viên chủ chốt của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế hướng dẫn phương pháp thực hiện các môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học, Tự nhiên và xã hội; Lịch sử và Địa lý; Tin học và Công nghệ; Âm nhạc; Mỹ thuật; Hoạt động trải nghiệm; Giáo dục thể chất.

Từ đó, giáo viên tiểu học cốt cán hiểu rõ hơn về những điểm mới cũng như quan điểm xây dựng chương trình môn học và mục tiêu của chương trình; đồng thời nắm bắt được phương pháp giáo dục phù hợp để triển khai chương trình mới một cách có hiệu quả.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/binh-dinh-boi-duong-tap-huan-cho-243-giao-vien-tieu-hoc-cot-can-4040345-v.html