Bình Điền đến và ở lại với Tây Nguyên

Hoạt động kết nghĩa giữa công ty Bình Điền với các buôn làng: Eana (Đắk Lắk), Rlong-Phe (Đắk Nông) luôn được duy trì, đạt hiệu quả thiết thực, đúng như tâm nguyện của cán bộ, nhân viên công ty: Đến và ở lại với bà con nông dân các dân tộc anh em giữa đại ngàn Tây Nguyên xa xôi này.

Không hình thức “đánh trống bỏ dùi”

Đến với Tây Nguyên, đắm mình vào đời sống của người nông dân giữa đại ngàn, lãnh đạo, nhân viên công ty Bình Điền thấy cần phải làm một cái gì đó lớn hơn hoạt động thương mại đơn thuần: giúp bà con không chỉ nhanh chóng thoát nghèo, mà còn “giàu lên” cả về đời sống vật chất và văn hóa - tinh thần nữa. Chính vì vậy, Bình Điền đặt vấn đề kết nghĩa không chỉ thỉnh thoảng mang tới cho bà con chút quà cứu đói, tặng các em học sinh vài mươi cuốn tập… mà phải làm sao để bà con có được cái đà, chỗ dựa, từ đó mà tự vươn lên.

14 năm qua, Bình Điền đã giúp bà con buôn Eana nâng cấp đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, thư viện, phòng máy vi tinh, sân bãi và phương tiện luyện tập thể dục thể thao; xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ tưới tiêu và thắp sáng sinh hoạt cho bà con… làm cho bộ mặt thôn buôn thật sự thay đổi. Đồng thời với đó là các chương trình tập huấn, tư vấn chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn bà con xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa, bảo vệ môi trường; phối hợp với bệnh viện Thiện Hạnh (Đắk Lắk) khám bệnh, phát thuốc miễn phí; thực hiện chương trình khuyến học cho con em nông dân trong buôn. Hơn 7 tỷ đồng mà Bình Điền giúp là không lớn, nhưng nếu so với kinh phí hoạt động của một buôn làng xa xôi, như Eana thì không hề nhỏ. Nó lại luôn được tính toán kỹ, sử dụng chặt chẽ nên hiệu quả đạt được rất lớn.

Năm 2018, Cty hỗ trợ 500 triệu đồng giúp đỡ gia đình chính sách, liệt sĩ; tặng quà tết 288 hộ nghèo; hỗ trợ kinh phí mua dê giống, cây bơ giống cho 126 hộ; hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao; tặng tiền 61 em học sinh giỏi; lo tết trung thu cho các cháu; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 600 lượt người.

Có được niềm tin và kinh nghiệm thành công từ Eana, tháng 11 năm 2015, Bình Điền lại tổ chức kết nghĩa, giúp đỡ bon (buôn) Rlong Phe, thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Với quan điểm giúp đồng bào cái cần câu, chứ không chỉ mang cho con cá, Bình Điền đã từng bước đưa ánh sáng khoa học - kỹ thuật đến với công việc sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con thông qua các đoàn cán bộ từ Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hội đồng cố vấn khoa học của công ty. Các nhà khoa học định kỳ có mặt, trực tiếp giúp bà con xác định, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, cách thức chăm sóc từng cây, con cụ thể để đạt năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, gia tăng được lợi nhuận… phấn đấu đến năm 2020, số hộ nghèo trong bon chỉ còn dưới 10% (năm 2015 là 43%), hộ khá giả, giàu có tăng 100% so với năm 2015.

Hơn 1 năm sau ngày ký giao ước kết nghĩa, Bình Điền chi 1,5 tỷ đồng hỗ trợ bán phân bón Đầu Trâu trả chậm không tính lãi và phí vận chuyển cho nông dân; tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng sách cho thư viện bon; tặng học bổng cho học sinh giỏi, khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà hộ nghèo, xây dựng cổng chào, cùng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, rèn luyện sức khỏe, giúp thanh niên rời xa các tệ nạn, như rượu chè, hút chích… năm 2018, công ty đã chi gần 400 triệu đồng hỗ trợ các hoạt động của bon.

Mở ra trang mới trong cung cách làm ăn

Ông Y Đã Eban, nhà có 1,5 ha cà phê, được hỗ trợ phân bón trả chậm thì mừng lắm, ông nói: “Trước đây phải mua phân tại đại lý, do không đủ tiền nên không mua được đủ lượng cần bón, cũng không mua được phân bón của hãng mình thích. Nếu thiếu nợ thì lãi suất rất cao, xót lắm. Vậy là bón ít, cây cà không tốt được, trái đậu không nhiều, cây lại yếu, dễ mắc bệnh. Nay có phân Đầu Trâu, tui “xài” theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cây cà khỏe, ít sâu bệnh, cho năng suất cao mà tiền mua phân cũng không nhiều nên mỗi năm tui thu lời được cả trăm triệu đồng…”.

Rất tâm đắc với chương trình, mục tiêu kết nghĩa, ông YGiăng Gry Nie, Phó chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, nói: “Cái quan trọng nhất mà Bình Điền mang đến cho bà con nơi đây là ánh sáng khoa học kỹ thuật, nó đang mở ra trang mới trong cung cách làm ăn của bà con. Không chỉ nhận quà tặng, nhận trợ cấp thiếu đói mà đồng bào được trang bị cái cần câu. Có cần câu tốt, lại được chỉ dẫn cách thức, nhất định đồng bào mình sẽ câu được những con cá to…”.

Ông Phạm Văn Dư, nguyên Phó cục trưởng, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, so sánh: “Không phải không có những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, nhưng để làm được những việc mà Bình Điền đã làm tại đây thì cần phải có cái tâm trong sáng, có trách nhiệm và nhiệt tình rất cao mới tránh được hình thức, mới không mệt mỏi “đánh trống bỏ dùi”.

“Đến với Tây Nguyên, đến với bà con đồng bào các dân tộc ít người, phải từ sự chân thành, chân thật và có tấm lòng; cán bộ, nhân viên công ty Bình Điền đã làm được điều đó. Coi buôn làng như quê hương mình, bà con dân tộc như người thân yêu, ruột thịt của mình. Bình Điền đã đến và sẽ còn ở lại mãi với Tây Nguyên.” - ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc công ty CP Phân bón Bình Điền, khẳng định.

Trần Đình Thế

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/binh-dien-den-va-o-lai-voi-tay-nguyen-927258.html