Bình Điền đầu tư công nghệ mới để vượt qua khó khăn

Đánh giá năm 2018 sẽ còn khó khăn hơn năm 2017, HĐQT Công ty CP Phân bón Bình Điền (Mã BFC) quyết định đầu tư 200 tỷ đồng cho dây chuyền công nghệ mới, chưa từng có ở Việt Nam - công nghệ tháp cao, để cho ra sản phẩm phân bón mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Thị trường cạnh tranh khốc liệt

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 tổ chức sáng 27.4, Phó Tổng Giám đốc BFC Nguyễn Minh Sơn cho biết, năm 2017 tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như: thời tiết diễn biến phức tạp, bão, lũ liên tục xảy ra làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, năng suất cây trồng bị sụt giảm; giá cả của một số mặt hàng nông sản giảm so với những năm trước nên bà con nông dân đã cắt giảm đầu tư, vì vậy đã ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ phân bón trong năm.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 Công ty CP Phân bón Bình Điền sáng 27.4 tại TP.HCM. Ảnh: Ngọc Minh

Giá phân bón nguyên liệu đầu vào năm 2017 cũng biến động nhiều nên dẫn đến giá bán phân NPK của BFC cũng giảm theo nên doanh thu trong năm giảm so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, với trên 800 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước (trong đó có trên 200 doanh nghiệp được cấp phép năm 2017) và các chính sách mới sửa đổi có lợi cho việc nhập khẩu phân bón nên lượng phân bón nhập khẩu tăng cao, đặc biệt là NPK, đã tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường phân bón.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón tuy đã có những tác động tích cực nhưng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp phân bón nhỏ lẻ trên thực tế vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, các sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả vẫn xuất hiện tràn lan nhưng chưa được xử lý nghiêm, tiếp tục làm rối loạn thị trường phân bón, ảnh hưởng tới những nhà sản xuất kinh doanh phân bón chân chính.

Trước tình hình đó, giữ vững được sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận năm 2017 là một nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên Bình Điền. Cụ thể kết quả thực hiện năm 2017 của BFC: Sản lượng sản xuất: 685.966 tấn, đạt 105% so với năm 2016; sản lượng tiêu thụ: 683.261 tấn, đạt 108% so với năm 2016. Tổng doanh thu hợp nhất thực hiện được 6.427,8 tỷ đồng, so với năm 2016 đạt 106 %, so với kế hoạch năm 2017 đạt 93,8 %. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 427,5 tỷ đồng, so với năm 2016 đạt 101,7%.

Ông Nguyễn Minh Sơn (bên phải), Phó Tổng Giám đốc BFC trao đổi với cổ đông bên lề đại hội. Ảnh: Ngọc Minh.

Đánh giá của Ban Giám đốc năm 2018, bên cạnh những thuận lợi về lợi thế thương hiệu và kết quả tích cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017, tình hình hoạt động của công ty còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Đó là: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo năm 2018 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón. Mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có chiều hướng gia tăng, tình trạng phân bón kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái chưa xử lý dứt điểm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón chân chính, trong đó có Bình Điền.

Do đó, Ban Giám đốc BFC đề ra mục tiêu nhiệm vụ và kế hoạch năm 2018 như sau: sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt 690.000 tấn, bằng với năm 2017; tổng doanh thu đạt 6.345 tỷ đồng (bằng 98,7% năm 2017); lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 425 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức là 25%.

Giảm lợi tức để đầu tư cho công nghệ mới

Trả lời cổ đông lý do năm nay tỷ lệ chia cổ tức dự kiến giảm hơn năm 2017 đến 10%, ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Bình Điền cho biết, do công ty năm nay sẽ dành khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư cho dây chuyền công nghệ sản xuất phân bón mới, chưa từng có ở Việt Nam, công nghệ tháp cao, để phát triển sản phẩm mới có hàm lượng dinh dưỡng cao.

“Sự cạnh tranh trên thị trường phân bón ngày càng khốc liệt, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, nên để tồn tại và tiếp tục đứng vững trên thị trường trong 5 năm tới, công ty bắt buộc phải phát triển sản phẩm mới”, ông Thiệu giải thích.

Ông Thiệu cho biết công nghệ tháp cao này dùng tạo hạt phân NPK có các ưu điểm như: Chi phí năng lượng thấp hơn so với công nghệ tạo hạt thùng quay, không sử dụng quạt hút nên không phát ra khí thải, giảm tổn thất nguyên liệu, tỷ lệ tạo hạt cao đồng nghĩa với dòng liệu hồi lưu trong dây chuyền thấp nên dễ chuyển đổi sản phẩm, phế phẩm phát sinh trong hệ thống rất thấp so với công nghệ thùng quay.

Nông dân Trần Văn Sơn ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, Long An (áo trắng, bên phải) đang cùng các chuyên gia thăm đồng, kiểm tra hiệu quả sử dụng phân bón Đầu Trâu trên ruộng lúa nhà mình.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển dòng sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, BFC cũng nghiên cứu và sản xuất các loại sản phẩm mới phù hợp với biến đổi khí hậu và sản phẩm hữu cơ, vi lượng. Hướng nền sản xuất phân bón bền vững, công ty cam kết giảm thiểu lượng chất thải 0,5 %/năm, ứng dụng tái chế, tái sử dụng nguyên liệu vật liệu, năng lượng.

Hoạt động kinh doanh tiếp tục duy trì và phát triển vững chắc các thị trường chiến lược, thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đặc biệt chú trọng tạo các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu sớm chiếm lĩnh thị trường mới ở nước ngoài như Myanmar, Thái Lan...

Ứng dụng sản phẩm công nghệ xanh, thân thiện với môi trường

Năm 2017, BFC cũng đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm công nghệ xanh, vừa nâng cao được năng suất, chất lượng cây trồng, vừa chống cấp thoát để giảm chi phí và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Các kết quả khảo nghiệm tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Lâm đồng, TP.HCM...được thực hiện bởi Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Viện lúa ĐBSCL đối với lúa, rau, đậu,... đã cho thấy phân đạm được xử lý Agrotain (Đầu Trâu hạt vàng 46A+) và NPK Đầu Trâu + Agrotain đã giúp tiết kiệm phân đạm tới 30%. Nông dân Nguyễn Văn Rô ở Cái Bè, Tiền Giang cho biết vụ lúa vừa rồi, thay vì sử dụng 4 bao urê theo cách bón thông thường cho 1ha lúa thì ông chỉ bón 3 bao phân đạm hạt vàng 46A+ là đủ, lúa ra xanh mướt, chắc hạt, sản lượng tăng hơn 10%. “Bao bì của các sản phẩm này cũng đã được cải tiến, chất liệu khá tốt nên tôi tận dụng lại để chứa nông sản, không vứt thành rác như mọi năm”, ông Rô nói.

Ngọc Minh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/binh-dien-dau-tu-cong-nghe-moi-de-vuot-qua-kho-khan-870382.html