Bình đẳng, tôn trọng và lắng nghe thanh niên

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9, khóa XIV. Luật Thanh niên 2020 và 9 Luật khác đã được công bố tại buổi họp báo này.

Luật thanh niên 2020 quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên làm cơ sở pháp lý cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng... Ảnh: Xuân Tùng

Luật thanh niên 2020 quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên làm cơ sở pháp lý cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng... Ảnh: Xuân Tùng

“Ðâu cần thanh niên có”

Giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Thanh niên 2020, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, luật lần này đã sửa đổi toàn diện với 7 chương, 41 điều. Điểm mới cơ bản của Luật Thanh niên là không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.

Theo ông Trần Anh Tuấn, quy định này làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nhà nước đã làm cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”…

Cùng với đó, Luật Thanh niên 2020 ra đời cũng quy định các nguyên tắc nhằm đảm bảo sự bình đẳng của thanh niên, không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp. Đồng thời đảm bảo sự tham gia của thanh niên, tôn trọng thanh niên, lắng nghe thanh niên trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách pháp luật với mục tiêu phát triển thanh niên.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết, luật còn dành một điều quy định tháng 3 hàng năm là “Tháng thanh niên” nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong việc tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, luật cũng dành một điều quy định việc đối thoại với thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên…

Dừng dự án BT từ 15/8

Liên quan đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, việc ban hành một đạo luật riêng nhằm đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác.

Đáng lưu ý, Luật PPP vừa ra đời đã khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu nhằm tập trung nguồn lực, gồm: giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp nhà nước độc quyền); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, chất thải; y tế, giáo dục đào tạo; và hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Luật PPP đã thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT (đổi đất lấy công trình hạ tầng) trong giai đoạn tới. Luật cũng quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai. “Kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện”, ông Thắng nhấn mạnh.

Lý giải thêm về loại hình BT, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, việc ra hình thức này để nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng, sau đó nhà nước trả quỹ đất để họ phát triển nhằm cân bằng hai chi phí. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, hình thức này không có việc hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư nên không thể coi đó là hình thức đầu tư PPP. Do vậy loại hình BT không nằm trong nội dung của Luật PPP.

Về băn khoăn nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, ông Vũ Đại Thắng cho rằng, chúng ta có nguồn lực đất đai và pháp luật cho phép đấu thầu, đấu giá. Do vậy có thể đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. “Tạm dừng thực hiện hợp đồng theo hình thức BT cũng là một trong những điểm để quản lý hiệu quả hơn nữa quỹ đất, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã đọc Lệnh công bố 10 Luật. Cụ thể, đó là các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Thanh niên; Luật Doanh nghiệp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp. Cả 10 luật đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/binh-dang-ton-trong-va-lang-nghe-thanh-nien-1686325.tpo