Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số: Nhiều chuyển biến tích cực

Trước đây, ở một số xã vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, nhiều người ngạc nhiên bởi hầu hết công việc đồng áng, chăm sóc nhà cửa, con cái đều dồn vào tay phụ nữ. Nam giới rất ít tham gia phát triển kinh tế gia đình, thời gian rỗi rãi thường gắn với chén rượu. Không chỉ có vậy, tư tưởng trọng nam vẫn hằn sâu trong không ít hộ dân vùng DTTS, dẫn đến nhiều bất bình đẳng giới.

Cán bộ Tư pháp huyện Bình Liêu phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số xã Đồng Tâm của huyện. Ảnh: La Lành (TTTT-VH Bình Liêu)

Cán bộ Tư pháp huyện Bình Liêu phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số xã Đồng Tâm của huyện. Ảnh: La Lành (TTTT-VH Bình Liêu)

Trước thực trạng đó, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới ở các xã vùng DTTS nhanh chóng được triển khai. Các sở, ngành xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cơ quan ngành dọc thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyên, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kỹ năng giới và bình đẳng giới... đến với bà con.

Hình thức để đồng bào dễ tiếp thu nhất là sân khấu hóa, tuyên truyền miệng tại các gia đình, ngoài ra kết hợp các hình thức khác. Thông qua đó, năm 2019, gần 20.000 lượt người DTTS trên địa bàn tỉnh được tiếp cận về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về bình đẳng giới.

Cùng với đó, việc xây dựng, nhân rộng mô hình bình đẳng giới được chú trọng thực hiện. Năm 2019, Sở LĐ-TB&XH, Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức thí điểm mô hình đưa quy tắc hỗ trợ bình đẳng giới vào các quy ước, hương ước của thôn, bản ở các xã vùng đồng bào dân tộc, như Bằng Cả (TP Hạ Long), Quảng Lợi (Đầm Hà)... Các quy ước, hương ước này được treo công khai tại nhà văn hóa thôn, bản.

Các địa phương, sở, ngành chủ động lồng ghép công tác bình đẳng giới trong vùng DTTS với Kế hoạch hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 mà UBND tỉnh ban hành năm 2018.

Trên cơ sở đó, Sở LĐ-TB&XH xây dựng 3 mô hình phòng, chống bạo lực và phòng ngừa nạn tảo hôn, ép kết hôn vùng DTTS tại các xã: Đại Dực (huyện Tiên Yên), Tình Húc (huyện Bình Liêu), Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ).

Các mô hình này tiếp tục được nhân rộng toàn tỉnh, góp phần giảm thiểu vấn nạn bạo lực trong gia đình: Năm 2019, toàn tỉnh còn 162 vụ bạo lực gia đình, giảm 42 vụ so với năm 2018. Ý thức của nam giới trong nhiều gia đình vùng DTTS có chuyển biến tích cực, có trách nhiệm hơn với gia đình, như: Đầu tư các mô hình phát triển kinh tế gia đình; bóc keo, bóc quế thuê; lao động tại khu công nghiệp...

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng DTTS giảm mạnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh năm 2019 còn 0,59%. Số học sinh nữ DTTS đi học THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học tăng. Những chuyển biến này đang tiếp tục mang đến sức sống mới cho các xã vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.

Cầm Khuê

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/binh-dang-gioi-vung-dan-toc-thieu-so-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-2473510/