Bình Chánh nâng cao chất lượng đời sống người dân

Ðầu năm 2016, huyện Bình Chánh có 8.244 hộ dân nằm trong diện hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,3% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Một chuyển biến đáng ghi nhận là đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bình Chánh giảm xuống còn 0,31%, hộ cận nghèo còn 1,75% theo chuẩn nghèo thành phố.

Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội, chính vì vậy những năm qua huyện Bình Chánh đã tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các chính sách và giải pháp giảm nghèo trong giai đoạn mới. 225 tổ tự quản giảm nghèo trên địa bàn Bình Chánh nâng cao trách nhiệm, sâu sát, kịp thời trao đổi với các hộ dân và giúp nhau kinh nghiệm làm ăn. Ðó là việc duy trì và nhân rộng các mô hình thoát nghèo bền vững đến ấp, khu phố, tổ tự quản giảm nghèo nhằm hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập bảo đảm thoát nghèo bền vững.

Trong các mô hình triển khai thành công thời gian qua, mô hình tổ hợp tác se nhang tại các xã Lê Minh Xuân, Ða Phước, Quy Ðức và Bình Lợi thực hiện có hiệu quả, thu hút hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo với thu nhập bình quân mỗi lao động 200.000 đồng/ngày, hay mô hình tổ hợp tác nuôi cá kiểng tại các xã Tân Nhựt, Phong Phú và Bình Lợi. Ngoài ra còn có các mô hình thoát nghèo như tổ hợp tác mai vàng ở xã Bình Lợi, mô hình trồng hoa phong lan, mô hình trồng rau sạch, an toàn, khép kín theo công nghệ mới (tiêu chuẩn VietGAP).

Ðáng chú ý là mô hình nuôi bò giảm nghèo tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Nhựt và An Phú Tây. Anh Nguyễn Thanh Hùng người dân xã Vĩnh Lộc B cho biết: "Do không có điều kiện đi học, cho nên tôi xin làm phụ hồ, công việc bấp bênh không ổn định, lại là lao động chính trong gia đình bốn nhân khẩu cho nên cảnh nghèo cứ đeo bám suốt 20 năm nay, việc học của các con cũng không chắc chắn. Ðược sự quan tâm của chính quyền địa phương hỗ trợ con bò giống, hằng ngày tôi tìm khu vực đất trống có cỏ dắt bò ra ăn và tranh thủ cắt thêm cỏ để dành cho bò ăn lúc chiều về chuồng. Nhờ siêng năng, chăm chỉ và có chút may mắn cho nên chỉ trong năm đầu tiên bò cái đã sinh được bò con và liên tiếp được nhân giống, sau ba năm chăm sóc vừa thuần dưỡng chọn giống tốt để lại tái đàn, vừa bán bò lấy thịt cho thương lái tôi đã có thu nhập ổn định lo cho kinh tế gia đình và xây được căn nhà mới khang trang cho gia đình, cũng như chi phí cho các con ăn học, đáng mừng hơn khi chuồng bò nhà tôi đã có 9 con".

Những năm qua, Ban giảm nghèo bền vững huyện đặc biệt chú trọng công tác tổ chức các đoàn khảo sát nhu cầu hỗ trợ của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo từ đó đề ra từng giải pháp cụ thể để hỗ trợ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động những hộ dân còn e ngại chia sẻ khó khăn về thu nhập của gia đình hoặc các đối tượng lười lao động, luôn có tâm thế ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ chăm lo từ phía chính quyền và các nhà hảo tâm.

Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", những năm qua cùng với chính quyền địa phương triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giáo dục và đào tạo, các chế độ miễn giảm học phí, cấp phát, bảo đảm tất cả các hộ nghèo, cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh; vận động kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, phối hợp tuyên truyền hỗ trợ lao động giải quyết việc làm; chi hỗ trợ tiền điện, kinh phí mua sách vở cho con em hộ nghèo đúng, đủ, kịp thời...

Một trong những giải pháp giảm nghèo căn cơ được huyện Bình Chánh thực hiện hiệu quả đó là việc phát huy các nguồn lực xã hội cùng góp sức hỗ trợ 356 phương tiện sinh kế như máy may công nghiệp, máy vắt sổ, máy se nhang, xe bán bánh mì, xe nước mía, xe bán hủ tiếu,… trao tặng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với mục đích trao phương tiện để các hộ dân thật sự thoát nghèo bền vững. Bà Ðào Thị Ngọc Lan người dân ấp 3A, xã Bình Hưng, hộ dân được hỗ trợ máy may công nghiệp bộc bạch: Từ ngày được hỗ trợ máy may, có phương tiện làm việc cho nên tôi tranh thủ thời gian rảnh để nhận thêm hàng may gia công, mỗi tháng có thu nhập hơn 6 triệu đồng giúp tôi chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Tôi còn nhận hàng giúp các chị em trong xóm vừa có việc làm lại vừa có thêm thu nhập lo cho gia đình, các con ăn học đến nơi đến chốn. Tôi mong chính quyền địa phương, Ban vận động vì người nghèo của xã tiếp tục hỗ trợ cho những người nghèo khác như tôi có cơ hội để cải thiện cuộc sống".

Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 0,31%, hộ cận nghèo còn 1,75% theo chuẩn nghèo của thành phố. Qua rà soát đầu năm 2019, toàn huyện có 3.316 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,7% và 2.966 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,52% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tính đến ngày 11-11-2019 huyện Bình Chánh giảm 2.241 hộ nghèo, đạt 112,05%. Ban giảm nghèo bền vững huyện đã xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện chương trình, thường xuyên duy trì giao ban hằng quý giữa thành viên Ban giảm nghèo huyện với trưởng ban giảm nghèo bền vững xã - thị trấn; hằng tháng họp giao ban với các cán bộ chuyên trách giảm nghèo các xã, thị trấn. Qua đó, Bình Chánh thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo trong chương trình giảm nghèo bền vững huyện và xã, thị trấn, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42320002-binh-chanh-nang-cao-chat-luong-doi-song-nguoi-dan.html