Bình Chánh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị

Hơn bảy năm qua, nông dân huyện Bình Chánh đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị để tiến đến công nghiệp hóa nông nghiệp. Huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao giá trị thu nhập.

Mô hình trồng hoa lan cho thu nhập cao của nông dân huyện Bình Chánh.

Mô hình trồng hoa lan cho thu nhập cao của nông dân huyện Bình Chánh.

Hơn bảy năm qua, nông dân huyện Bình Chánh đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị để tiến đến công nghiệp hóa nông nghiệp. Huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao giá trị thu nhập.

Bình Chánh hiện có 16 hợp tác xã đang hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, 40 tổ hợp tác nông nghiệp. Từ chỗ có các mô hình kinh tế tập thể phát triển ổn định, UBND huyện, Hội Nông dân huyện còn phối hợp Trạm Khuyến nông huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bình Chánh - Bình Tân đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh của mình, mang lại chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nông dân huyện đã ứng dụng giống lúa, hoa phong lan, giống cá, giống rau mới, sử dụng công nghệ cải tiến mới… như mô hình nuôi cá chình trong hồ kết hợp trồng rau thủy canh của anh Hồ Thanh Huy (ấp 6, xã Hưng Long); mô hình nuôi cá cảnh của bà Nguyễn Thị Cam (ấp 2, xã Bình Lợi). Không chỉ nuôi trồng, nhiều nông dân còn có những sáng chế, giải pháp kỹ thuật được công nhận qua các hội thi “Sáng tạo nhà nông” như nông dân Phan Tiến Lợi đoạt giải ba cấp thành phố, qua đề tài “Thuần dưỡng cây thốt nốt”. Hơn bảy năm qua, huyện và thành phố có nhiều chính sách đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên mạng in-tơ-nét… giúp nông dân đầu tư với quy mô lớn, tạo quỹ hàng hóa đạt chất lượng cao để cạnh tranh thị trường. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả như: trồng hoa mai vàng, cây mai nguyên liệu, nấm bào ngư, nuôi cá chình, nuôi cá chép Nhật, cá Koi, trồng bưởi da xanh, trồng dừa xen chanh, ổi không hạt… đạt hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có 360 ha diện tích trồng hoa mai vàng tập trung chủ yếu tại xã Bình Lợi; hoa kiểng 483 ha; 39,5 ha trồng hoa phong lan; 41,25 ha hoa nền; 436,2 ha nuôi cá thịt tập trung tại các xã Tân Nhựt, Bình Lợi, Phong Phú,…; hơn 49,8 ha diện tích nuôi cá cảnh; 54 ha nuôi tôm; 578 ha diện tích nuôi trồng thủy sản khác;… Những mô hình sản xuất ngày càng nhiều, mang lại hiệu quả cao không chỉ giúp nông dân làm giàu, mà còn tạo nên thương hiệu, như: mô hình trồng mai vàng của anh Trần Tứ Vương (xã Bình Lợi), mô hình nuôi cá chép Nhật, cá Koi của anh Đặng Văn Nam (xã Bình Lợi), mô hình trồng bưởi da xanh của anh Vũ Đình Tứ (xã Phạm Văn Hai), mô hình trồng hoa lan Mokara của ông Kiều Lương Hồng (xã Tân Kiên), gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, hằng năm thu hút đông đảo khách đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm,… Việc chuyển đổi đã tạo chuyển biến tích cực trong thu nhập và đời sống của người nông dân, góp phần phát triển nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả. Hiện nay, cơ bản các sản phẩm nông nghiệp đều ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, có thị trường tiêu thụ ổn định. Thu nhập bình quân của người nông dân trên địa bàn huyện tăng hằng năm, đạt 67,339 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Bên cạnh phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị thì người dân trong huyện tích cực tham gia các phong trào thi đua, học tập nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp nhu cầu của thị trường.

Để nông dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư vào phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại năng suất cao, bảy tháng đầu năm 2019, UBND huyện đã phê duyệt phương án cho 91 hộ dân vay vốn, với số tiền vay hỗ trợ lãi suất là 66,8 tỷ đồng theo Quyết định 655/2018/QĐ-UBND ngày 12-2-2018 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, giúp nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình thông qua các cuộc họp câu lạc bộ khuyến nông hoa mai, câu lạc bộ khuyến nông hoa lan cây cảnh và tổ hợp tác, qua đó nông dân có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Hội Nông dân huyện còn phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hội thảo giới thiệu các mô hình sản xuất và giải pháp giúp hộ nghèo ở Tổ hợp tác nuôi thỏ vượt nghèo ở xã Bình Chánh, Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở xã Tân Quý Tây, Tổ se nhang vượt nghèo ở các xã Lê Minh Xuân, Tân Nhựt, Bình Lợi… sản xuất có hiệu quả. Những mô hình này đã giúp hơn 800 hộ hội viên nông dân nghèo trên địa bàn huyện vượt nghèo bền vững.

Với những chủ trương kịp thời, phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị của UBND huyện Bình Chánh đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ những chủ trương đúng đắn nêu trên, nông dân Bình Chánh đã tích cực phát triển các mô hình mới, hiệu quả, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương.

HOA MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41302502-binh-chanh-chuyen-dich-co-cau-kinh-te-nong-nghiep-theo-huong-nong-nghiep-do-thi.html