Bỉm Sơn - Thanh Hóa: Dân 'khốn khổ' vì nhà máy luyện than cốc gây ô nhiễm môi trường

Nhiều năm phải sống chung với mùi đốt than khó chịu, khói bụi ô nhiễm nghiêm trọng từ nhà máy sản xuất than cốc thuộc Công ty TNHH Việt Hà có trụ sở tại Khu B, Khu công nghiệp Bỉm Sơn (phường Bắc Sơn, tỉnh Thanh Hóa), người dân cầu cứu đến các cấp chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết triệt để.

Vừa qua, Báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được thông tin phản ánh của người dân phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn bức xúc về tình trạng nhà máy sản xuất than cốc đóng trên địa bàn hoạt động nhiều năm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất thải, khói bụi, mùi đốt than không được xử lý triệt để ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân xung quanh.

Theo địa chỉ phản ánh, chúng tôi đến gặp ông T.C.Đ trú tại khu vực quanh đền Chín Giếng, phường Bắc Sơn. Ông Đ bức xúc: “Cách đây khoảng 3 tháng, chúng tôi phát hiện thấy mùi lạ lan tỏa khắp khu vực chúng tôi tưởng rằng đó là mùi đốt rác thải của hộ nào đó quanh đây thế nhưng sau khi kiểm tra thì đó là mùi đốt mà công ty sản xuất than cốc đốt ở phía sau khu vực chúng tôi đang sinh sống".

"Sau khi chúng tôi phát hiện ra mùi khó chịu này người dân chúng tôi đã lập tức kiến nghị lên cấp chính quyền địa phương, đồng thời đã báo cáo lên Chủ tịch phường Bắc Sơn để làm rõ. Sau đó thì phường và công an môi trường đã lập tức kiểm tra được một thời gian khoảng 1 tháng sau thì thấy công ty đã dừng hoạt động không đốt lò nữa nhưng mùi khét vẫn không hề thuyên giảm" ông Đ chia sẻ thêm.

Nhức đầu, khó thở, cảm thấy ngột ngạt... là cảm nhận chung của rất nhiều người dân sinh sống quanh vùng sản xuất của Công ty này. Theo Bà N.T.M cũng trú tại khu vực này cho biết, nhà bà cách lò đốt than cốc hơn 1km, cũng cùng khu vực này có hàng trăm hộ dân sinh sống cứ mỗi đợt gió thổi đúng hướng là cả nhà không chịu được, ăn cơm cũng không ngon. Nhất là về đêm, không khí trở nên càng ngột ngạt, khiến mọi người vô cùng khó chịu.

Một góc nhà máy luyện than cốc.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân nơi đây, PV báo Tuổi trẻ Thủ Đô đã trực tiếp ghi nhận tại trụ sở nhà máy luyện than cốc thuộc Công ty TNHH Việt Hà.

Theo ghi nhận thì những gì người dân đã phản ánh là hoàn toàn có cơ sở, tại thời điểm ghi nhận chúng tôi nhận thấy môi trường sản xuất của nhà máy này dường như không được xử lý triệt để. Mặc dù đứng cách xa, nhưng PV chúng tôi đã cảm thấy có mùi khét rất khó chịu của quá trình đốt lò để sản xuất.

Trước cổng nhà máy này là những đống đất màu trắng đục nghi là chất thải xỉ của nhà máy đã đổ ra, khu vực phía trong khuôn viên của nhà máy có diện tích rộng khoảng gần 2ha, dây chuyền sản xuất tạm bợ, các hệ thống để xử lý mùi, khói bụi, nước thải... đang còn dang dở chưa được lắp đặt theo đúng quy định.

Khảo sát quanh khu vực nhà máy, hầu hết các hệ thống xử lý nước thải, chất thải, kho chứa chất thải nguy hại... chưa được đầu tư theo quy định của pháp luật.

Để có cái nhìn khách quan về sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Điện Biên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Hà.

Ông Biên cho biết: “Nhà máy này đã được cấp phép hoạt động và đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2009 với dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện than cốc tại đây”.

Theo ông Biên thì trước kia từ thời điểm được cấp phép, nhà máy này đã hoạt động được một thời gian, cũng vì năng xuất sản xuất kém, đồng thời vì một số lý do nên nhà máy này đã dừng hoạt động. Sau đó chúng tôi đã mua lại nhà máy này để tiếp tục sản xuất và mới hoạt động chạy thử lại được vài tháng.

"Sau khi hoạt động chạy thử thì do quá trình đốt lò cũng như các hệ thống xử lý mùi và khói bụi đã cũ chưa được đầu tư thêm nên đã xảy ra việc lan tỏa mùi khét gây khó chịu cho nhân dân, lập tức chúng tôi cũng đã mời đại diện của cư dân cũng như chính quyền địa phương trực tiếp thăm quan nhà máy để khắc phục và ổn định nhân dân" ông Biên cho biết thêm.

Thắc mắc về việc tại sao sau khi tiếp quản mua lại nhà máy để hoạt động trở lại tại sao Công ty không báo cáo với chính quyền địa phương để đầu tư bài bản về hệ thống xử lý môi trường tránh gây ô nhiễm môi trường cũng như gây hệ lụy cho nhân dân thì ông Biên cho rằng: “Chúng tôi muốn chạy thử xem quá trình hoạt động trở lại của Công ty có năng suất hay không thì mới đầu tư và mua lại toàn bộ nhà máy, lúc đó chúng tôi mới đầu tư bài bản.

Cũng tại buổi làm việc PV đã yêu cầu ông Biên cung cấp một số hồ sơ liên quan như, giấy phép xả thải, giấy phép tận thu nguồn nước, hợp đồng vận chuyển chất thải nguy hại, hồ sơ nghiệm thu về công tác phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung sau khi nhà máy đã bổ sung thêm một số hạng mục mới... thì ông Biên thừa nhận rằng Công ty vẫn chưa có và sẽ cố gắng hoàn thiện trong thời gian tới.

Để làm rõ về sự việc trên, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đặt lịch làm việc với UBND thị xã Bỉm Sơn nhưng nhiều ngày qua vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Duy Tân - Hậu Lộc

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bim-son--thanh-hoa-dan-khon-kho-vi-nha-may-luyen-than-coc-gay-o-nhiem-moi-truong-d2055524.html