Bìm bịp kêu, con nước lớn ròng

Bàn về việc sửa đổi Luật Giáo dục tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tuần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kể lại rằng, khi con bà còn học phổ thông, đọc đến câu ngạn ngữ về cá chuối, cậu bé đã ngơ ngác không hiểu đó là loại cá gì.

Cũng như chính bà, khi còn chưa ra Bắc nhiều, đã tự hỏi “rau diếp là rau như thế nào” khi đọc tới câu ca dao “Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim ăn ghém thì mình lấy ta”… Người chỉ quen sử dụng phương ngữ Nam bộ sẽ cảm thấy lạ với từ “cá chuối” hoặc “rau diếp”, do đó cần chú ý đến yếu tố này khi biên soạn sách giáo khoa – Chủ tịch Quốc hội lưu ý một cách xác đáng. Phương ngữ thực sự là một đề tài thú vị đối với những ai có chút quan tâm đến ngôn ngữ học.

Tháng 9, tháng 10 này đang là mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: "Ở Gia Định, sông suối dọc ngang chằng chịt". Rồi: "Đất Gia Định nhiều sông, kênh, cù lao, và bãi cát (...), chỗ nào cũng có ghe thuyền. Hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chơi, đi thăm người thân, chở gạo củi, buôn bán". Cũng theo một số tài liệu xưa, hồi đầu thế kỷ XX, những kênh đào Nam bộ đã có tổng chiều dài khoảng 2.500km và các sông rạch tự nhiên khoảng 2.400km nữa. Chẳng có gì là lạ khi ở vùng văn minh sông rạch ấy, lớp từ ngữ về nước phát triển vô cùng phong phú. Thuật ngữ “mùa nước nổi” thì hầu như ai cũng hiểu, nhưng còn nước lớn, nước ròng, nước rong, nước kém, nước nhửng, nước ươn, nước đổ?

Rồi thì - như thể con người - nước cũng có đủ hình thái vận động vô cùng sinh động: Nước đứng, nước nằm, nước bò, nước nhảy, nước lăn, nước chạy, nước quạu, nước cà tửng... Mà chỉ riêng nước ròng thôi còn phân biệt ra làm nhiều loại: nước ròng cạn, nước ròng sát, nước ròng rặc, nước ròng kiệt… Thời điểm nước đứng, phương ngữ Nam Bộ gọi là “nước nhửng”.

Thời gian từ đỉnh triều cường đến đỉnh triều nhược gọi là nước ròng; từ đỉnh triều nhược đến đỉnh triều cường gọi là nước lớn. “Nước lớn chảy vô, nước ròng chảy ra” là câu thành ngữ mô tả hiện tượng thiên nhiên ở ĐBSCL, có nghĩa bóng là nương tựa vào thiên nhiên, tới đâu hay tới đó. Tại đỉnh triều nhược nước chuẩn bị lớn, gọi là nước nhửng lớn, tại đỉnh triều cường, có nước nhửng ròng.

Như thế, câu hát tha thiết “Gió... gió nhớ thương ai mà lay bờ lá/ Để bìm bịp kêu con nước lớn ròng” (bài hát Anh ở đầu sông, em cuối sông - thơ: Hoài Vũ, nhạc: Phan Huỳnh Điểu) phải hiểu là “nỗi nhớ như gió không bao giờ ngừng lặng, như bìm bịp kêu hoài, kêu khắc khoải suốt ngày từ con nước lớn đến nước ròng”.

Thú vị chứ, phải không nhỉ?

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bim-bip-keu-con-nuoc-lon-rong.aspx