Bill Gates: Trào lưu anti vắc-xin khiến nhiều trẻ chết oan

Có những bé chưa đủ tháng tiêm vắc-xin sởi đã mắc vì từ trào lưu anti vắc-xin của bố mẹ.

Bệnh sởi đang trở lại trên thế giới sau một trào lưu không tiêm vắc-xin của nhiều bậc phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ đã quyết định không tiêm chủng cho con mình vì lo sợ những rủi ro và các phản ứng phụ.

Nói "không" với tiêm vắc-xin ảnh hưởng tới cộng đồng.

Nói "không" với tiêm vắc-xin ảnh hưởng tới cộng đồng.

Bất chấp thừa nhận vắc-xin là một thành tựu khoa học, một số phụ huynh ở Mỹ từ chối tiêm chủng vì lý do y tế, tôn giáo hoặc triết học của họ.

Nhiều tiểu bang của Mỹ cho phép điều này càng tạo điều kiện để trào lưu này mở rộng và thực sự đã khiến bệnh sởi chưa thể chấm dứt khỏi nước Mỹ.

WHO đã đưa "do dự vắc-xin" vào một trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu bởi phong trào từ chối vắc-xin của nhiều phụ huynh.

Trong một chủ đề "ask me anything" trên Reddit tuần này, tỷ phú Bill Gates đã góp thêm tiếng nói của mình vào thực trạng đáng báo động liên quan đến phong trào anti-vax và những bậc cha mẹ chống vắc-xin:

"Quỹ [Bill & Melinda Gates Foundation] của tôi đã làm rất nhiều việc để đưa vắc-xin tiếp cận được tất cả trẻ em trên thế giới. Và việc đó vẫn đang có những tiến bộ lớn. [Bởi vậy] thật ngạc nhiên khi chứng kiến những nước giàu hơn, lại đang mất đi tiếng nói đồng thuận trong việc bảo vệ trẻ em. Thật tồi tệ, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ có nhiều ca tử vong do bệnh sởi hoặc ho gà gây ra".

Ông Bill Gates cảnh báo: Trẻ em lớn lên ở các nước giàu sẽ chết vì giờ chúng không được tiêm phòng.

Năm ngoái, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã nghiên cứu số lượng bệnh nhân sởi ngày càng tăng ở Mỹ, và thấy rằng 70% trường hợp mắc mới xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng.

Ước tính, đã có hơn 400 người chết vì bệnh sởi mỗi năm chỉ tính riêng ở nước Mỹ. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, Mỹ đã báo cáo ít nhất 159 ca mắc sởi.

Không chỉ ở Mỹ, làn sóng anti vắc-xin cũng đã lan truyền tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tiêm chủng ở một số khu vực ở Châu Âu đã giảm xuống dưới 70%.

Nhật Bản, cũng có 167 người nhiễm bệnh chỉ trong vòng 6 tuần đầu năm 2019 - tỷ lệ cao nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây.

Năm ngoái, Vương quốc Anh ghi nhận hơn 900 trường hợp mắc sởi, chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng. Con số này ở Pháp còn cao hơn nhiều, 2.913 ca.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc bệnh sởi của cả Châu Âu năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2017 - lên 82.596 ca, con số cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ này.

Philippines hiện cũng đang phải hứng chịu một dịch sởi bùng phát mạnh. Hơn 8.400 trường hợp đã nhiễm bệnh, 136 người tử vong. Tỷ lệ nhiễm sởi ở thủ đô Manila đã tăng hơn 1.000% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để có thể ngăn ngừa dịch sởi bùng phát, phải có ít nhất 95% dân số được chủng ngừa. Nhưng trào lưu từ chối vắc-xin như vậy đã thực sự gây nguy hiểm cho không chỉ những gia đình đó mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng, đặc biệt là đối với những trường hợp trẻ chưa đủ tháng tuổi để tiêm vắc-xin.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các vấn đề về vắc-xin cũng có thể là yếu tố gây nên những con số kỷ lục về người mắc bệnh. Theo đó, bất cứ ai đã tiêm chủng trên 12 năm đều sẽ có nguy cơ mắc bệnh do vấn đề về miễn dịch.

Giới chuyên gia cho rằng, tin đồn thất thiệt về vắc-xin là một yếu tố khiến nhiều người do dự tiêm chủng, đồng thời đổ lỗi cho các mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin sai sự thật về các nguy cơ của việc tiêm vắc-xin.

Alan Melnick, Giám đốc y tế cộng đồng tại Hạt Clark (Mỹ) bày tỏ lo ngại về trào lưu không tiêm vắc-xin của nhiều phụ huynh.

"Mọi người đang trở nên tự mãn khi họ không nhận ra dịch sởi có thể khủng khiếp đến mức nào. Và đó [sự tự mãn của người dân] mới là điều khiến tôi lo ngại nhất" - ông Melnick cho hay.

Điều này cũng đã khiến dịch sởi trở lại và lây nhiễm 903 người ở Anh trong năm 2018, con số đỉnh điểm kể từ sau cuộc khủng hoảng với tin tức giả những năm 2000. Nó để lộ điểm yếu trong miễn dịch cộng đồng, khi nhiều trẻ em 15 tuổi ở Anh hiện nay đã bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

Soumya Swaminathan, Phó Tổng giám đốc của WHO, cho biết: "Chúng ta có nguy cơ đánh mất hàng thập kỷ tiến bộ trong việc bảo vệ trẻ em và cộng đồng chống lại căn bệnh tàn khốc nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa này".

Anti vắc-xin đến từ đâu?

Nghiên cứu sai lệch về mối liên hệ giữa vắc-xin MMR và tự kỷ của bác sĩ phẫu thuật người Anh mang tên Andrew Wakefield trên tờ Lancet năm 1998 được cho là nguyên nhân chính khiến nhiều cha mẹ, đặc biệt ở các nước phát triển không cho con em tiêm phòng.

Các nhà khoa học khác đã mất 10 năm nghiên cứu để chứng minh Wakefield đã sai. Năm 2010, bài báo của ông bị gỡ xuống và vị bác sĩ đã bị tước giấy phép hành nghề ở Anh vì có dấu hiệu trục lợi từ thông tin thất thiệt. Nhiều nghiên cứu khoa học khác cũng khẳng định sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin.

Bị các nhà khoa học chỉ trích mạnh mẽ và tờ Lancet rút lại thông tin, nhưng công trình do Andrew Wakefield tiến hành vẫn gây ra tổn thất lớn cho con người. Nhiều người lo sợ không cho con tiêm vắc-xin, tạo điều kiện cho dịch bệnh quay lại.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/bill-gates-trao-luu-anti-vac-xin-khien-nhieu-tre-chet-oan-3375473/