Big Bang, SNSD và một thời để nhớ về những 'fan cuồng Kpop'

10 năm trước, Big Bang, SNSD và DBSK tạo nên giai đoạn hoàng kim của Kpop. Một trong những điểm đặc sắc của Kpop thời ấy là lượng fan đông đảo, cuồng nhiệt và trung thành.

Sau loạt scandal gây chấn động Kpop trong vài tháng qua, Seungri - thành viên nhỏ tuổi nhất Big Bang - tuyên bố rút lui showbiz. Như vậy, Big Bang sau 13 năm hoạt động chỉ còn T.O.P, G-Dragon, Tae Yang và Dae Sung. Thế hệ thứ hai của Kpop cũng không còn nhóm nhạc nào duy trì đủ đội hình như lúc ra mắt.

Sự cố đáng tiếc của Big Bang là dấu chấm hết cho thế hệ thứ hai của Kpop. Năm 2009, Big Bang, DBSK, SNSD, Super Junior, SS501 và 2NE1 cùng cạnh tranh quyết liệt, qua đó biến Kpop thành thị trường âm nhạc cực kỳ đa dạng và sôi động. Thế nhưng chỉ 10 năm sau, mọi thứ chỉ còn dĩ vãng.

Big Bang xáo trộn đội hình sau 13 năm hoạt động.

Big Bang xáo trộn đội hình sau 13 năm hoạt động.

Kpop thời xuất hiện nhiều "fan cuồng"

Khi nhóm nhạc huyền thoại H.O.T tuyên bố tan rã, “Những vị thần phương đông” DBSK là cái tên khởi đầu cho thế hệ thứ hai của Kpop. DBSK tỏa sáng ngay ở ca khúc ra mắt và trở thành vị "cứu tinh" của nền công nghiệp idol. Vì điều này, tầm vóc vĩ đại của DBSK luôn được ca ngợi về sau.

Từ bước chạy đà hoàn hảo của DBSK, Big Bang ra đời với sự kỳ vọng lớn nơi công ty giải trí YG. Tiếp đó, SNSD, Super Junior, Wonder Girls, 2NE1, 2PM, Wonder Girls, FT Island, T-ara, Beast (Highlight), 4 Minutes và f(X) lần lượt trình làng công chúng.

Năm 2009 có thể nói là giai đoạn đỉnh cao của thế hệ thứ hai. Vì bên cạnh sức ảnh hưởng khủng khiếp của DBSK, Big Bang “làm mưa, làm gió” sau cơn sốt Haru Haru. SNSD một bước lên đỉnh cao với Gee. Và Super Junior được nâng tầm nhờ bản hit gây nghiện Sorry Sorry.

Từ cơn sốt Big Bang, DBSK và SNSD… làn sóng Hallyu phủ rộng khắp châu Á. Nhờ vậy, các nhóm nhạc đều sở hữu cho mình cộng đồng fan với số lượng rất đông. Kpop bắt đầu xuất hiện những câu chuyện về hội chứng “cuồng idol” quá mức. Thậm chí có người sẵn sàng đổ máu, chỉ để hy vọng được thần tượng chú ý đến.

Hồi tháng 5/2009, báo chí Hàn Quốc kể lại sự việc “dở khóc, dở cười” khi một fan cuồng DBSK nhiều lần ý định tông vào xe Kim Jun Su với mong muốn chạm mặt thần tượng.

Những thiên thần của SNSD không ít lần bị sàm sỡ. Còn G-Dragon và các thành viên Big Bang cũng hay khốn đốn vì đông đảo chàng trai, cô gái bám theo mọi lúc mọi nơi.

DBSK sở hữu lượng fan hùng hậu nhất Kpop 10 năm trước. Có những người sẵn sàng làm tất cả vì thần tượng.

Không chỉ ở Hàn Quốc, "fan cuồng" Kpop còn xuất hiện ở nhiều quốc gia tại châu Á - trong số đó có cả Việt Nam. Trên mạng vẫn còn lưu truyền câu chuyện một học sinh lớp 10 từng nhận cái tát từ fan cuồng Big Bang vì câu nói: “Nhạc của Big Bang nghe phát ớn”. Trong khi đó, một học sinh lớp 11 táo gan chọn cách tuyệt thực, tự giam trong phòng để đòi gia đình tạo điều kiện sang Hàn Quốc xem Dream Concert 2010.

Những câu chuyện kể trên chẳng mấy hay ho, nhưng nhìn lại để thấy thời đỉnh cao của Big Bang, SNSD, Suju giúp Kpop tạo sức ảnh hưởng khủng khiếp ra sao. Trong bối cảnh mạng xã hội và các nền tảng nhạc số chưa phát triển, các fan sẵn sàng chi số tiền lớn để cầm trên tay album của thần tượng.

Còn nhớ 10 năm trước, ở Việt Nam xuất hiện những kênh phát sóng MV ca nhạc dựa trên bình chọn của khán giả. Các cộng đồng fan cùng nhau bình chọn, thậm chí bỏ tiền - 5.000 đồng cho mỗi lượt nhắn tin - để hy vọng nhìn thấy thần tượng trên tivi. Mirotic, Haru HaruGee thay phiên lên sóng.

Thậm chí có thời điểm Mirotic được bật đi, bật lại cả ngày vì cộng đồng Cassiopeia (fan DBSK) tại Việt Nam áp đảo về số lượng và độ chịu chơi so với phần còn lại. Vì lẽ đó, không ít người "dị ứng" với ca khúc Mirotic. Bởi mỗi khi bật tivi thì có cảm giác giai điệu của Mirotic sẽ xuất hiện.

Kpop từng có một thời rực rỡ như vậy: thị trường chất lượng và sự sôi nổi từ những người ủng hộ. Khi thế hệ thứ hai dần lùi bước về sau để nhường chỗ cho thế hệ thứ ba với các đại diện tiêu biểu là BTS, EXO, Black Pink và Twice, Kpop đã dần bước vào giai đoạn bão hòa.

Vì sao Kpop ngày càng nhạt dần?

Ở thời điểm này, Kpop sở hữu BTS đã khẳng định tên tuổi khắp thế giới, “ông hoàng album” EXO và loạt nhóm nhạc nữ tài năng như Twice, Black Pink và Red Velvet. Mặc dù vậy, so với giai đoạn của thế hệ đàn anh, đàn chị, những cái tên kể trên chưa thể khiến Kpop sôi động trở lại.

Yếu tố lớn nhất dẫn đến tình trạng này nằm ở việc các nhóm nhạc Kpop thế hệ thứ ba có vẻ chú trọng phát triển ở thị trường nước ngoài hơn là tạo ra cuộc chiến khốc liệt tại quê nhà.

BTS liên tục lưu diễn ở Âu - Mỹ, EXO tận dụng tối đa sức ảnh hưởng ở Trung Quốc, Twice có kế hoạch tấn công tổng lực thị trường Nhật Bản và Black Pink vừa theo chân BTS sang Mỹ.

10 năm trước, DBSK là nhóm nhạc duy nhất của Kpop dành thời gian ở Nhật Bản nhiều hơn Hàn Quốc. Còn những Big Bang, SNSD, Suju và 2NE1 dồn mọi nguồn lực để trước hết đảm bảo độ nổi tiếng tại xứ kim chi.

Các nhóm nhạc thế hệ thứ hai liên tục comeback bằng các sản phẩm âm nhạc đỉnh cao. Ngược lại, ở thời điểm hiện nay, Kpop lép vế ở cả số lượng lẫn chất lượng.

BTS hay EXO là chưa đủ để tạo sự cạnh tranh nóng bỏng như Kpop thời 10 năm trước.

Năm 2014, hai ông lớn của ngành giải trí Hàn Quốc - công ty SM và YG - cố tình dời lịch để đẩy SNSD và 2NE1 vào cuộc chiến trực diện trên các sân khấu âm nhạc. Hay một ví dụ khác ở đêm 2008 huyền thoại khi cả Big Bang, DBSK, Wonder Girls và SS501 cùng nhau quảng bá trong một thời điểm.

Thế hệ thứ hai cũng ăn đứt lứa thần tượng mới nổi của Kpop về sự đa dạng trong phong cách âm nhạc. DBSK ra mắt với tư cách là nhóm acapella, Suju gây sốt với vũ đạo quyến rũ, Big Bang với âm nhạc tự do và nổi loạn, 2AM được biết đến danh xưng “Những hoàng tử ballad” hay 2NE1 là nhóm nhạc theo hình tượng “girl-crush” đầu tiên của Hàn Quốc.

Còn hiện tại, đa phần nhóm nhạc Kpop mang màu sắc giống nhau. Cách đây không lâu, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các chương trình âm nhạc có sự chọn lọc kỹ.

Công văn có đoạn: “Phần lớn idol Kpop đều giống nhau, từ da trắng, kiểu tóc và trang phục. Chúng tôi yêu cầu sân khấu âm nhạc chọn lọc, không nên giới thiệu cùng lúc nhiều nhóm có phong cách giống nhau”.

BTS (hip hop), Black Pink (girl-crush), Twice (dễ thương)… là những nhóm nhạc thế hệ thứ ba hiếm hoi có sự khác biệt so với phần còn lại nên nổi đình đám và trở thành đại diện tiêu biểu của Kpop thế hệ mới. Thế nhưng để thị trường sôi động và tạo sức hút mãnh liệt như thời điểm nhiều năm trước, Kpop cần nhiều hơn thế.

So với thế hệ hai, thế hệ ba giúp Kpop cụ thể tham vọng đưa âm nhạc Hàn Quốc len lỏi khắp thế giới. Dẫu vậy, thành công luôn đi kèm với sự đánh đổi. BTS, Twice muốn gần khán giả Âu - Mỹ, Nhật Bản hơn ở thời điểm này. Điều này đồng nghĩa hai nhóm nhạc đình đám xứ Hàn sẽ không thể tập trung toàn lực hoạt động tại quê nhà.

Như vậy, ngày Kpop sôi động như giai đoạn năm 2008 đến 2011 sẽ còn xa, hoặc không bao giờ trở lại, nhất là trong bối cảnh Big Bang chưa biết tan rã, hay tiếp tục hoạt động với 4 mảnh ghép còn lại khi Seungri tuyên bố giải nghệ vì bê bối không thể cứu vãn.

Hương Ly
Ảnh: Getty Images

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/big-bang-snsd-va-mot-thoi-de-nho-ve-nhung-fan-cuong-kpop-post924753.html