Biểu tượng Vesak 2019: Đề cao trách nhiệm xã hội của Phật giáo và văn hóa Việt Nam

Mùa trăng tròn tháng tư năm nay là mùa thứ ba Việt Nam được vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ. Đi cùng với các hoạt động phong phú trên bốn phương diện hội thảo, văn hóa, nghi lễ và hành động phụng sự, biểu tượng Vesak 2019 được Việt Nam gửi gắm nhiều thông điệp về từ bi và trí tuệ, nêu bật chủ đề của Đại lễ: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.

Ở trung tâm của biểu tượng là hình tượng Pháp luân - bánh xe chuyển pháp. Đây là một biểu tượng vốn dĩ đã xuất hiện lâu đời trong văn hóa Ấn Độ cổ xưa. Nếu ví cuộc sống của mỗi người như chiếc bánh xe đang lăn trên đường đời thì dù chu vi bánh xe có lớn đến đâu, sự tiếp xúc bánh xe với mặt đất chỉ là một điểm nhỏ mà thôi. Và chính điểm tiếp xúc ấy - điểm tiếp xúc với hiện tại, bây giờ và ở đây, là giá trị sống đích thực, chứ không phải cái đã qua hay cái chưa tới. Ở tầng nghĩa cao hơn, bánh xe chuyển pháp biểu thị cho ý nghĩa cốt tủy của Phật giáo: Giáo pháp của Đức Phật, được truyền thừa liên tục, từ quá khứ cho đến hiện tại và tương lai. Sự chuyển vận của nó không dựa trên sự áp đặt niềm tin mà được thiết lập trên nền tảng tri kiến như thị về cuộc đời và ước nguyện xây dựng một đời sống tâm linh hướng thượng. Bánh xe chuyển pháp cũng là hình ảnh của Bát chính đạo - tám con đường lớn, chìa khóa cho một xã hội bền vững. Vesak 2019 sẽ bàn về cách tiếp cận của Phật giáo - bất biến mà tùy duyên trong thời đại, từ sự lãnh đạo có trách nhiệm về một xã hội bền vững, từ tiêu thụ có trách nhiệm cho đến giáo dục và sự hòa hợp trong gia đình; đi từ chuyển hóa vô minh, đau khổ cho mỗi cá nhân để mang lại sự bền vững cho nhân loại, hòa hợp và hòa bình thế giới.

Hình ảnh trống đồng - biểu tượng văn hóa và tâm linh của Việt Nam được lồng ghép trong biểu tượng Vesak 2019 như minh thị về sự đồng hành và hội nhập của Phật giáo trong chiều dài lịch sử, văn hóa của dân tộc. Sự kết hợp giữa trống đồng và bánh xe chuyển pháp là tiếng trống pháp, gióng lên tại Chùa Tam Chúc (Hà Nam), thức tỉnh nhân loại trở về với Phật tính.

Từ trí tuệ siêu việt của Như Lai mà lan tỏa hạnh nguyện cứu đời vĩ đại của các bậc xuất thế. Đó cũng là hàm ý của vòng sen hồng bao bọc phía ngoài. Hoa sen vốn là một motif quen thuộc, mang nhiều tầng ý nghĩa trong văn hóa Phật giáo nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở góc độ cá nhân mỗi người, hoa sen tượng trưng cho Phật tính sẵn có trong bản thể, thanh tịnh, vô nhiễm, viên dung - tánh viên giác vượt ra ngoài nhân duyên đối đãi, sắc không. Và trên hết, hoa sen tượng trưng phẩm chất và hạnh nguyện lăn xả độ đời của các bậc Bồ Tát. Cánh sen hồng úp - mở hàm nghĩa sắc không - trí tuệ Bát Nhã, là sự tương duyên, tính vô ngã và tính bình đẳng.

Biểu tượng Vesak 2019 được thể hiện bằng năm màu sắc trong lá cờ Phật giáo. Lá cờ ngũ trí ấy mang hình ảnh của năm trí tuệ siêu việt của Như Lai. Trí tuệ ấy như mặt trời chính niệm, soi sáng, nhắc nhở về Phật tính giống nhau có trong mỗi người chúng ta. Tất cả cùng kỉ niệm Đại lễ Phật đản 2019 tại Việt Nam với một tâm niệm đồng giác ngộ vô ngã, vị tha.

Nga Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ton-giao/bieu-tuong-vesak-2019-de-cao-trach-nhiem-xa-hoi-cua-phat-giao-va-van-hoa-viet-nam-tintuc436702