Biểu tượng văn hóa Lào trên đất Việt

Trên tuyến biên giới Việt - Lào, hiện nay có các tháp thờ cổ của người dân tộc Lào được xem là cột mốc văn hóa trên đất Việt. Những ngôi tháp cổ này hầu hết đều nằm ở những nơi rừng sâu heo hút được gắn với các câu chuyện truyền miệng huyền bí và lời đồn thổi về sự linh thiêng. Vậy, ý nghĩa của biểu tượng văn hóa này trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Bắc như thế nào?

Tháp Mường Và, Sốp Cộp, Sơn La. Ảnh: Thụy Văn

Các tháp thờ cổ của người dân tộc Lào hầu hết không có ngọn tháp. Chẳng hạn như: Tháp Mường Và - ngôi tháp duy nhất đã được trùng tu lại nằm ở xã Mường Và, huyện Sốp Cộp của tỉnh Sơn La; tháp Mường Luân ở xã Mường Luân, Điện Biên Đông, Điện Biên; tháp Mường Bám ở xã Mường Bám, Thuận Châu, Sơn La; tháp Yên Hòa ở bản Yên Hòa, xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An...

Toàn bộ các ngôi tháp đều được gọi theo tên địa danh và không có tên riêng. Niên đại xây dựng và nguồn gốc của ngôi tháp cho đến nay không ai biết và không có tài liệu ghi lại. Hiện nay, các ngôi tháp hiện diện trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hầu hết xuống cấp nghiêm trọng và được phủ lên màu sắc huyền bí bởi các lời đồn về sự linh thiêng.

Thậm chí còn thêu dệt, quy chụp các thánh thần bị nhốt trong tháp có thể làm khuynh gia bại sản, vật chết kẻ nào có hành vi phá hoại ngôi tháp. Các cộng đồng dân cư còn có những điều luật tự ám thị không có căn cứ, kiêng đàn bà không được tới gần ngôi tháp. Điều này cũng ngăn trở đáng kể những ý định trùng tu bảo vệ kiến trúc cổ này, khiến những ngôi tháp càng bị bỏ phế, không ai dám động tới.

Tháp Mường Và được xác định xây dựng từ hơn 400 năm trước nằm trên một vùng đất có địa thế “trường sơn - lưu thủy” bên cạnh dãy núi dài và suối chảy qua, dân cư đông đúc. Dấu ấn của việc lấy đất đắp lên quả núi để xây tháp hiện nay vẫn còn ở xung quanh khu vực đó với nhiều hào sâu nước lớn. Như vậy, đã có nhiều nhân công phải bỏ ra trong quá trình xây tháp mang dấu ấn của sự đoàn kết các dân tộc và giao thoa văn hóa. Người dân tộc Thái, Mường đã giúp người dân tộc Lào dựng lên ngôi tháp này. Tháp cao 13m, hình trụ 5 tầng, móng bó gạch. Thân tháp xây bằng gạch trộn mật, có trang trí hoa văn cánh sen và hoa dây, trong thân tháp có dấu vết của các tượng Phật bằng đồng từng được đặt ở trong, chân tháp có đường chạy đàn rộng để tổ chức các lễ cúng. Điều này khẳng định người Lào định cư tại Việt Nam từ hàng trăm năm và văn hóa tín ngưỡng vẫn còn bản sắc riêng và tín ngưỡng đó được tôn trọng trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Việc xây tháp thờ Phật theo giáo phái Tiểu thừa thể hiện sự giác ngộ đạo Phật, niềm tin vào sự an lạc, hòa bình trong cõi nhân gian. Như vậy có thể thấy, nơi nào xuất hiện ngôi tháp đặc trưng đạo Phật của người Lào, là nơi đó đã từng có lâu đời một cộng đồng dân cư đông đúc, sung túc và hiền hòa gắn kết. Sự thật không như những câu chuyện được truyền miệng về thần thánh kì dị. Trong các thân tháp đều có dấu vết của tượng Phật bằng đồng - phần lớn đã bị đánh cắp. Ngôi tháp thờ Phật và đắp nổi các biểu tượng của phước lành chứ không thờ thần thánh.

Tháp Mường Và ngoài ý nghĩa văn hóa kiến trúc, còn có ý nghĩa về mặt lịch sử, đánh dấu sự sung túc phồn thịnh của người dân tộc Lào trong cộng đồng 54 dân tộc anh em. Tỉnh Sơn La rất quan tâm tới di tích này, có 2 lần trùng tu, xây nhà bảo lưu cổ vật và mỗi năm đều tổ chức lễ hội Mường Và nhằm cầu nguyện an bình thịnh vượng, ấm no cho bản làng. Đáng lưu ý là không chỉ dân tộc Lào, mà còn nhiều dân tộc khác sinh sống quanh khu vực này đều coi ngôi tháp là bảo vật linh thiêng, sùng bái và dự lễ hội rất đông. Đó cũng là lý do trải qua nhiều thăng trầm của các vùng đất hoang vu nơi biên ải, các ngôi tháp cổ vẫn còn nguyên hình dáng và ở trong số rất ít các công trình kiến trúc cổ không bị tàn phá còn lại tới ngày nay.

Xung quanh các tháp cổ như tháp Mường Và, Mường Luân, Mường Bám, Yên Hòa hiện nay đều có đông đúc đồng bào nơi đây các dân tộc Thái, Lào sinh sống. Đặc trưng riêng là đồng bào đều ăn gạo nếp và có các lễ hội trùng vào các mùa vụ trồng lúa nước như lễ hội cơm mới, xuống đồng và tín ngưỡng thờ Phật.

Những ngôi tháp Lào là sứ giả của lịch sử, mang đến cho kho tàng văn hóa cộng đồng các dân tộc một nhánh quan trọng khi nhận định về sự hiện diện của nền văn hóa Phật giáo tiểu thừa có nguồn gốc Ấn Độ có mặt tại Tây Bắc Việt Nam. Trừ tháp Mường Và, các tháp còn lại như Mường Luân, Mường Bám đều đang có nguy cơ bị sụp đổ vì quá cũ. Tháp Yên Hòa nằm bên dòng sông Nậm Nơn thậm chí không được biến đến, chỉ được nhắc tới như một sự bí ẩn của vùng biên cương xa xôi, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Các nhà sử học nhận định, các ngôi tháp này đều có ý nghĩa lịch sử đối với mỗi vùng đất. Giữ lại các tháp cổ để phục vụ đời sống yên hòa trong các cộng đồng dân cư, như là sinh khí của mỗi vùng đát là việc cần làm.

Việc tu bổ, giữ lại các di tích tín ngưỡng này là cần thiết trong công cuộc giữ gìn, gắn bó khối đại đoàn kết các dân tộc, biểu tượng hữu nghị hiền hòa hai quốc gia Việt-Lào.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bieu-tuong-van-hoa-lao-tren-dat-viet/