Biểu tượng tha thứ, dù nỗi đau đương còn

VH- Đức Phật dạy: 'Không tha thứ sẽ làm bản thân chúng ta đau khổ mãi. Ai không thể buông bỏ những điều (sai trái) mà người khác gây ra cho mình thì cũng không thể buông bỏ được sự hận thù, đau khổ khỏi bản thân'. Năm nay, buổi lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát 504 người dân Sơn Mỹ tràn ngập hoa sen. Phải chăng, đó là biểu tượng của câu nói 'tha thứ' cho nhẹ cõi lòng?

Hoa sen là biểu tượng của sự tha thứ

Gần mặt, cách lối

David E. Clark ngồi ở dãy ghế bên trái, là nơi dành cho tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình. Dãy ghế bên phải là những người dân Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), trong đó nhiều người có thân nhân bị lính Mỹ tàn sát cách đây 50 năm (16.3.1968). Hai dãy ghế cách nhau một lối đi nhỏ và 2 bên có biểu hiện nét mặt khác nhau. Những người dân Sơn Mỹ ngồi nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng nở nụ cười nhẹ, tất cả đều giống nhau ở ánh mắt xa xăm, buồn rầu. Còn các cựu chiến binh Mỹ thì có vẻ ngượng ngùng, thoáng chút băn khoăn, chỉ chờ có cơ hội giáp mặt để cúi người xin lỗi.

Dù David và các cựu chiến binh này không phải là những người lính đã trực tiếp gây tội ác đối với đồng bào Sơn Mỹ vào buổi sáng đẫm máu ấy, nhưng họ vẫn đến để chuộc tội, sám hối trước những tội lỗi mà đồng đội của mình đã gây ra, cướp đi 504 sinh mạng vô tội, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Nếu trước đám đông, các cựu chiến binh Mỹ thể hiện nét mặt buồn rầu, nhưng khi một vài cựu chiến binh đứng trước những bức ảnh thì họ lại ra hiệu sợ hãi, rùng mình. Thảm sát Sơn Mỹ từng trở thành nỗi hổ thẹn xấu xa đối với nước Mỹ và để lại “hội chứng Việt Nam” đối với các cựu chiến binh khi trở về Mỹ.

Hội chứng này thực ra như thế nào? Cựu chiến binh Mike Hatie (từng là một bác sĩ quân y tại Tây Nguyên từ tháng 9.1970 đến tháng 9.1971) cũng có mặt tại buổi lễ tưởng niệm là người mang nặng “hội chứng Việt Nam”. Sau hơn 40 năm kết thúc cuộc chiến, ông vẫn luôn đặt câu hỏi rất lớn là why? (tại sao?). Tấm danh thiếp của ông chiếm một góc lớn là chiếc máy bay trực thăng cứu thương có chữ why ở mũi máy bay mà ông chụp tại Tây Nguyên vào năm 1970. Why theo ông suốt cuộcđời và đeo đẳng, hành hạ thân xác và tinh thần của Mike.

Khoảng cách giữa 2 dãy ghế này được các cựu chiến binh Mỹ cố gắng xóa nhòa bằng cử chỉ và câu nói xin lỗi. Trên thế gian này có rất nhiều cách để chuộc lỗi. Có người tín ngưỡng xuống tắm ở dòng suối thần với hy vọng nước thiêng sẽ gột rửa tội lỗi, có người cúng tế lễ vật để mong thoát tội. Nhưng tội lỗi không có hình tướng, nên phải thực sự thành tâm. Trong số các cựu chiến binh quay trở lại Sơn Mỹ thì có 1 nhân vật bền bỉ nhất là ông Mike Boehm. Hơn 30 năm đã trôi qua, cựu chiến binh Mỹ này đã trở về Sơn Mỹ và đi khắp Quảng Ngãi cùng với Hội Phụ nữ để triển khai các dự án chăn nuôi bò, làm nhà tình nghĩa, hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Còn cựu chiến binh Mike Hatie thì âm thầm quay trở lại Sơn Mỹ từ năm 1994. Trên trang cá nhân ông đã viết rằng mình đã cố gắng vượt qua nỗi lo vì là người Mỹ. Và cuối cùng tiếp cận được ông Phạm Thành Công, lúc đó là Giám đốc Bảo tàng Sơn Mỹ. Câu hỏi mà ông Công nhấn mạnh và thăm dò đối với Mike Hatie, đó là “ông có mặt ở Sơn Mỹ vào ngày thảm sát hay không?”. Mike lắc đầu và từ đó 2 bên bắt đầu thấu hiểu, xích lại gần nhau để chia sẻ nỗi đau chiến tranh. Mike cho biết “ít nhất bốn người bạn của tôi đã chết vì tiếp xúc với chất độc da cam, bao gồm anh rể tôi. Nhiều cựu chiến binh Mỹ khi về nước đã tự sát nhiều hơn số người bị giết ở Việt Nam”.

Cựu chiến binh Mỹ David E. Clark đứng giữa 2 dãy ghế hôn cụ Võ Đê (88 tuổi) để xóa nhòa đi khoảng cách

Tiếng chuông thức tỉnh

David mặc chiếc áo choàng màu đỏ có in dòng chữ trên ngực là “Cựu chiến binh vì hòa bình”. Trời nắng gắt nên màu áo đỏ rực vốn là đồng phục của tổ chức “Cựu chiến binh vì hòa bình” có vẻ hơi chói mắt. Nhưng sự bức bối mà David đang phải chịu đựng, đó là ngồi bên cạnh các nạn nhân, cách nhau một lối đi. Theo lẽ thường thì sự thâm thù của con người là khó tránh khỏi. Nhưng những người dân Sơn Mỹ chỉ nhìn lặng lẽ như chiếc bóng. David cao khoảng 1,75 mét, nặng gần 100 kg, nhưng con người to lớn này trở nên yếu đuối khi đứng trước những người già nhỏ bé ở Sơn Mỹ. David và các cựu chiến binh khác luôn chuẩn bị sẵn câu nói bằng tiếng Việt: “Xin lỗi… thành thật xin lỗi!”.

David rút ra một tờ giấy được ghi chép từ khi còn ở Đà Nẵng. Mỗi chữ cái đầu đều viết hoa: “Khi tôi ở Mỹ, chiến tranh ám ảnh tôi ngày đêm… Hôm nay tôi tìm thấy hòa bình ở Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam. Việt Nam vô địch”. Tôi hiểu ý của David là nếu về Sơn Mỹ mà người dân tỏ vẻ không vui, ra hiệu không tha thứ thì ông sẽ đưa tờ giấy này ra cho họ đọc.

Ở hàng ghế bên kia, bà Võ Thị Năm, một người dân địa phương vén cao ống quần để lộ ra ống chân dị dạng và đầy vết sẹo. Bà Năm đã 72 tuổi, đã ngấm đủ nỗi đau Sơn Mỹ. Bà cho biết, năm 1969 bị bom Mỹ, nhưng may chưa chết, chỉ bị thương và còn mảnh bom trong người. Nhìn ống chân méo mó của bà, nhiều cựu chiến binh Mỹ tiếp tục ra hiệu và nói bằng tiếng Việt, giọng hạ thật thấp “xin lỗi, thành thật xin lỗi”.

Buổi lễ tưởng niệm 50 năm lính Mỹ thảm sát 504 người dân vô tội được tổ chức cách đây hơn một tháng tại Khu chứng tích Sơn Mỹ ở xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Các cháu thiếu nhi tham gia vào buổi lễ biểu diễn các tiết mục đồng diễn, trên đầu đội chiếc mũ có hình chim bồ câu để nói lên khát vọng hòa bình. Những người đến dự lễ được trao một búp sen hồng trước khi lên bục cắm hương tưởng niệm dưới chân tượng đài. Bức tượng người mẹ bồng con này không biết đã thấm vào lòng đá biết bao nhiêu nước mắt. Nước mắt của người Việt Nam và có cả nước mắt của những cựu chiến binh Mỹ khi quay trở lại.

David và Mike là người phương Tây nên đã quá quen với câu nói của Chúa Giê-su: “Xin tha tội chúng con, vì chúng con cũng tha thứ mọi người có lỗi với mình”. Nhưng sự tha thứ của những người phương Đông, theo giáo lý của Phật thì: “Không tha thứ sẽ làm bản thân chúng ta đau khổ mãi”. David E. Clark quay trở lại Việt Nam và có vợ là người Đà Nẵng, vì vậy, ông là người có nhiều cơ hội để trở lại Sơn Mỹ để nghe tiếng chuông Sơn Mỹ. Tiếng chuông đã đưa mọi người về với cái nhất tâm, thức tỉnh bản giác - từ bi, hỉ xả, vô ngã, vị tha.

Quan khách nước ngoài được mời trong buổi lễ có ông Gerard Boivineau, Cựu Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh. Ông Pete Peterson, Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng có tên trong danh sách mời. Nhưng có lẽ, với tính cách của Pete Peterson, ông sẽ chọn một ngày tĩnh lặng để có nhiều thời gian tìm hiểu và nghe tiếng chuông trong không gian u tịch.

Cứ mỗi buổi bình minh lên, Sơn Mỹ lại vọng 5 hồi 4 tiếng chuông để tưởng nhớ 504 đồng bào đã bị Đại đội Charlie thuộc Tiểu đoàn số 1 Lục quân Mỹ sát hại vào ngày 16.3.1968

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/bi%E1%BB%83u-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-tha-th%E1%BB%A9-d249-n%E1%BB%97i-%C4%91au-%C4%91%C6%B0%C6%A1ng-c242n