Biểu tượng Smile sinh lời tiền tỷ nhưng tác giả chỉ được trả 45 USD

Trong khi biểu tượng mặt cười giúp những công ty sở hữu bản quyền kiếm được hàng trăm triệu USD, tác giả của nó không nhận được thêm gì, ngoài 45 USD tiền thù lao đầu tiên.

Biểu tượng mặt cười (The Smiley) với nền vàng, hai chấm đen làm mắt và một vòng cung cong lên theo hình nụ cười đã trở nên quen thuộc với cộng đồng mạng khắp thế giới suốt nhiều năm qua.

Cha đẻ của biểu tượng nổi tiếng này là Harvey Ball (Mỹ). Năm 1963, ông được công ty bảo hiểm State Mutual Life trả 45 USD để thiết kế một hình ảnh cho chiếc huy hiệu nhằm cải thiện tinh thần nhân viên, theo World Of Buzz.

 Harvey Ball là người sáng tạo nên hình tượng mặt cười huyền thoại.

Harvey Ball là người sáng tạo nên hình tượng mặt cười huyền thoại.

Chỉ sau 10 phút, phiên bản đầu tiên của icon huyền thoại ra đời. The Smiley ban đầu có 2 chấm đen làm mắt cùng một nụ cười mang đến cảm giác tràn đầy năng lượng. Tác giả của nó còn cố tình vẽ mắt trái nhỏ hơn mắt phải để tăng tính sinh động cho gương mặt này.

Sau khi được ra mắt, sản phẩm này nhận phản hồi tích cực ngoài mong đợi, nhanh chóng trở thành một biểu tượng nổi tiếng. Không chỉ nhân viên của ngân hàng mà cả khách hàng cũng muốn đặt mua.

Đến năm 1970, khi nhận thấy tiềm năng thương mại của icon này, anh em người Tây Ban Nha là Bernard và Murray đã mua lại biểu tượng The Smiley. Họ thu được hàng triệu USD từ tiền bán áo phông, áp phích, đồ chơi có in mặt cười.

Smiley trở thành biểu tượng sinh lời cho nhiều công ty sở hữu bản quyền icon này.

Một nhà báo người Pháp tên Franklin Loufrani còn mang The Smiley đi đăng ký bản quyền khi nhận thấy tiềm năng kinh tế lớn. Loufrani lần đầu tiên công bố khuôn mặt cười màu vàng trên một tờ báo của Pháp vào năm 1971.

Sau khi đăng ký thành công, nhà báo Pháp thành lập công ty Smiley, hiện được điều hành bởi ông và con trai, Nicolas Loufrani. Theo ước tính, công ty này thu lợi nhuận khoảng 500 triệu USD/năm nhờ các hợp đồng với loạt thương hiệu lớn như Nutella, McDonald, Coca Cola, Dunkin 'Donuts và Nivea.

Tuy biểu tượng mặt cười liên tục được thương mại hóa, được nhiều doanh nghiệp sử dụng để kiếm lợi nhuận, nhưng tác giả của nó lại không nhận được gì ngoài khoản 45 USD tiền công.

Năm 2001, Harvey Ball qua đời ở tuổi 79. Con trai ông nói rằng cha anh không có gì hối tiếc bởi cuối cùng The Smiley đã thực hiện được sứ mệnh ban đầu của nó là đem đến nụ cười, tinh thần hứng khởi cho mọi người.

"Cha tôi không đòi hỏi điều gì cả. Ông được những đứa trẻ con ngưỡng mộ. Ông nhận thư của mọi người từ khắp nơi trên thế giới, họ gửi lời cảm ơn vì nụ cười rạng rỡ màu vàng. Những thứ đó là vô giá. Cha tôi đã ra đi thanh thản, không có gì hối tiếc", con trai ông nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bieu-tuong-smile-sinh-loi-tien-ty-nhung-tac-gia-chi-duoc-tra-45-usd-post1108857.html