Biểu tượng công lý nằm ở ai?

Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức lấy ý kiến của Tòa án Nhân dân các cấp về việc xây dựng biểu tượng công lý. Nhân vật được chọn lựa làm biểu tượng là vua Lý Thái Tông. Địa điểm dự kiến đặt biểu tượng là trụ sở các tòa án.

Mục đích bồi đắp tư tưởng phụng sự cho ngành tòa án là đáng ủng hộ, nhưng kế hoạch triển khai lại hơi khiên cưỡng và nao núng.

Đại đa số quốc gia trên thế giới đều lấy Nữ thần Công lý (Lady of Justice) làm biểu tượng cho luật pháp. Dù xuất phát từ thần thoại La Mã, nhưng Nữ thần Công lý đã phổ cập sâu rộng khắp hành tinh, đã được mặc định cho giá trị công bằng và lẽ phải. Việt Nam muốn có biểu tượng công lý cho riêng mình, giữa bối cảnh hội nhập quốc tế, là ý tưởng đột phá dễ gây tranh cãi.

Vua Lý Thái Tông (1000-1054) trong giai đoạn trị vì đã ban hành bộ “Hình thư”, được xem là bộ luật thành văn chính thức đầu tiên của lịch sử nước ta. Đồng thời, vua Lý Thái Tông chú trọng thiết lập hệ thống xử án bài bản và cổ súy lối sống chuẩn mực khuôn phép. Từ nền tảng của vua Lý Thái Tông, vương triều nhà Lý có một vị Khai Hoàng Vương được truyền tụng về tài xử án phân minh chính trực. Sau này, Khai Hoàng Vương nối ngôi trở thành vua Lý Thánh Tông (1023-1072), được sử gia Ngô Sỹ Liên ca tụng: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm”.

Mô tả ảnh

Mô tả ảnh

Việc lựa chọn và xây dựng tượng vua Lý Thái Tông làm nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam được Tòa án Nhân dân Tối cao tiến hành trong 2 năm qua, phối hợp với nhiều cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và có 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông. Tòa án Nhân dân Tối cao đã mời nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác 3 mẫu tượng phác thảo, có nét hao hao vua Lý Thái Tổ, chỉ thêm chi tiết cầm sách, cầm gươm hoặc cầm cái cân.

Thực ra, biểu tượng công lý không thể là người thật việc thật. Bởi lẽ, khái niệm công lý luôn cao hơn đời thường, và giới hạn công lý luôn mở rộng theo từng thời đại. Giá trị luật pháp hôm nay càng khác xa giá trị luật pháp phong kiến. Sở dĩ nhân loại chấp nhận biểu tượng Nữ thần Công lý vì 3 yếu tố có sức ảnh hưởng đến nhận thức của nhân loại: Thứ nhất, tay phải cầm cái cân thể hiện cho sự rạch ròi đúng sai. Thứ hai, tay trái cầm gương thể hiện sự uy nghiêm. Thứ ba, tấm vải bịt mắt thể hiện công lý không phân biệt người nọ người kia và cũng không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài.

Phẩm giá và công lao của vua Lý Thái Tông rất xứng đáng được truyền tụng. Thế nhưng, câu chuyện của vua Lý Thái Tông chỉ cần được giảng dạy ở các trường luật hoặc những buổi chuyên đề của ngành tòa án, còn đưa vua Lý Thái Tông hiện diện như một biểu tượng công lý hoàn toàn không đơn giản.

LS. Nguyễn Hữu Thế Trạch phân tích: “Vua Lý Thái Tông là vị vua lỗi lạc của dân tộc, có nhiều công trạng trong việc giữ gìn hòa bình, thịnh trị cho đất nước dưới thời nhà Lý. Tuy nhiên, vào thời kỳ này, dưới góc độ pháp luật trong chế độ quân chủ chuyên chế chưa có sự phân định rạch ròi về quyền lực nhà nước, vua là người trị vì tối cao, nắm mọi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Như vậy, việc lấy hình tượng một vị vua để làm biểu tượng riêng cho hoạt động xét xử chưa thật sự thỏa đáng. Việc lựa chọn biểu tượng công lý mới không thể sánh được với việc bản thân hệ thống tòa án tự mình rèn giũa kiến thức, đạo đức và kỹ năng hành nghề. Mục đích là hạn chế tối đa việc xét xử oan, sai và đây mới là điều nhân dân mong mỏi ở ngành tòa án”.

Còn Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: “Trong ngành tư pháp, Bác Hồ đã từng dạy cán bộ “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”. Đây là những phẩm chất cần phải có trong ngành tòa án, như phải tuân thủ pháp luật, không áp dụng pháp luật một cách tùy tiện, tất cả phải vì sự công bằng, làm việc bằng cái tâm trong sáng, vô tư. Tôi thấy Bác Hồ là hình ảnh tượng trưng và đẹp nhất.

Hiện nay, hầu hết cơ quan đều có ảnh hoặc tượng Bác Hồ, do đó không nhất thiết cứ phải chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của ngành tòa án. Hiện nay, nhiều tòa án còn có cơ sở khá chật hẹp, vậy nên tôi cho rằng tạm thời chưa nên xây dựng tượng vua Lý Thái Tông, nên dùng số tiền này để trang bị cơ sở vật chất, nâng cao hoạt động xét xử của ngành tòa án sẽ thiết thực hơn”.

Từ khi có ngành tòa án đến nay, chúng ta đã trưng dựng Nữ thần Công lý làm biểu tượng. Bây giờ, thay thế bằng biểu tượng vua Lý Thái Tông là ý tưởng cần đắn đo nghiêm túc. Với tư cách người đứng đầu ngành xét xử ở nước ta hiện nay, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ: “Tòa án không có chuyên môn về vấn đề này nên phải dựa vào các nhà khoa học, kiến trúc, điêu khắc. Có nghiên cứu lịch sử, văn hóa từng thời kỳ, tham khảo ý kiến rộng rãi, gửi gắm các ý tưởng vào phác thảo. Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông, nếu tiến hành trong tương lai, vào thời điểm thích hợp sẽ không dùng ngân sách mà bằng sự đóng góp của toàn thể ngành tòa án. Đây là việc ngành tòa án tự nguyện làm để ghi nhận, tôn vinh công trạng của vị hoàng đế Lý Thái Tông. Phải làm sao thuyết phục được người dân. Chúng ta cố gắng làm những việc để có tác dụng cao nhất. Nếu không có tác dụng không nên làm”.

Công lý bất biến không nằm ở ai mà nằm trong lòng thiên hạ. Công lý tuân thủ 3 nguyên tắc, về luật thì nghiêm minh, về tình thì nhân ái, về đạo thì trong sáng. Cho nên, công lý soi chiếu theo một người sẽ khó thuyết phục muôn người.

Gia Quan

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/bieu-tuong-cong-ly-nam-o-ai-79988.html