Biểu tượng bất tử của Cách mạng Tháng Mười và Hải quân Xô Viết

Hình tượng tuần dương hạm Rạng Đông nã những phát súng báo hiệu thời khắc quyết định của Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử và được mọi người biết đến.

Tuy nhiên, không chỉ là biểu tượng bất tử của cuộc Cách mạng vô sản của nhân dân Xô Viết, Rạng Đông còn là một trong những chiến hạm có lịch sử anh hùng bậc nhất của Hải quân Xô Viết.

Tuần dương hạm Rạng Đông được đóng mới vào năm 1897 theo lệnh của Sa hoàng Nga và hạ thủy vào năm 1903. Tên gọi Rạng Đông của con tàu được đặt theo sắc lệnh đặc biệt của Sa hoàng Nicholas II dựa theo tên gọi của nữ thần bình minh trong tôn giáo La mã.

Sau khi gia nhập hải quân đế quốc Nga, cuộc chiến lớn đầu tiên tuần dương hạm Rạng Đông góp mặt là cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Tháng 10-1904, chiến hạm này nằm trong thành phần Hạm đội Thái Bình Dương hành trình tới vùng Viễn Đông để tham chiến.

Trên đường đi, hạm đội Nga đã suýt nữa tạo ra cuộc chiến với đế quốc Anh. Trong một đêm tối trời, nhiều sương mù, các chiến hạm của Nga đã nhầm một tàu cá của Anh với tàu phóng lôi của Nhật Bản và khai hỏa.

 Tuần dương hạm Rạng Đông từng tham gia nhiều trận chiến lớn của Hải quân đế quốc Nga và Liên Xô.

Tuần dương hạm Rạng Đông từng tham gia nhiều trận chiến lớn của Hải quân đế quốc Nga và Liên Xô.

Trong hỗn loạn, chiến hạm Rạng Đông đã trúng nhiều phát đạn từ các tàu trong hạm đội. Rất may, hư hại không lớn và vụ việc sau đó đã được giải quyết một cách ổn thỏa. Đây chính là sự khởi đầu cho các chuỗi sự kiện may mắn sau đó với chiến hạm Rạng Đông.

Trong trận hải chiến ở eo Đối Mã (Tsushima), khi phần lớn hạm đội của đế quốc Nga bị đánh bại, thì tuần dương hạm Rạng Đông đã may mắn thoát nạn. Dù bị trúng tới 18 phát đạn, nhưng chiến hạm Nga vẫn kịp thoát ly và ẩn náu tại cảng trung lập ở Manila, Philippines.

Năm 1910, chiến hạm Rạng Đông tới thăm thành phố Messina (Italia) để nhận phần thưởng vì sự đóng góp của thủy thủ Nga hỗ trợ người dân địa phương khắc phục hậu quả động đất xảy ra năm 1908. Trận động đất khủng khiếp đã khiến thành phố Messina bốc cháy. Có mặt tại cầu cảng thành phố Italia thời điểm đó, các thủy thủ Nga đã lên bờ hỗ trợ người dân sơ tán và cứu hỏa. Để cảm ơn sự giúp đỡ của thủy thủ Nga, người dân địa phương đã tặng thủy thủ đoàn rất nhiều cam và chanh, vốn là sản vật tại đây.

Trong Thế chiến thứ 1, tuần dương hạm Rạng Đông chịu trách nhiệm hỗ trợ hỏa lực cho lục quân. Dù nhiều lần đụng độ với tàu chiến và thủy phi cơ của đối phương, nhưng chiến hạm này không bị hư hại đáng kể.

Từng bị bắn nhầm..

Sống sót qua trận hải chiến ở eo Đối Mã chính là một phần tạo ra lịch sử anh hùng của tuần dương hạm Rạng Đông.

Sự kiện lịch sử trọng đại nhất tuần dương hạm Rạng Đông được tham dự chính là nã những phát súng đầu tiên báo hiệu cuộc tổng tấn công của những người cách mạng Bolshevik vào Cung điện Mùa Đông, lật đổ chính phủ tư sản lâm thời và thành lập nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Với những đóng góp của mình, chiến hạm này được coi là biểu tượng của cách mạng, cũng như của Hải quân Xô Viết.

Sau nội chiến chống lại các lực lượng phản cách mạng kết thúc, tuần dương hạm Rạng Đông được chuyển sang nhiệm vụ huấn luyện. Tuy nhiên, không lâu sau đó, chiến hạm anh hùng này lại tái nhập ngũ và tham gia bảo vệ thành phố Leningrad cho tới khi Thế chiến thứ 2 kết thúc.

Những phát đạn của tuần dương hạm Rạng Đông đã báo hiệu cho sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới.

Sau khi trải qua những thăng trầm của lịch sử, tuần dương hạm Rạng Đông hiện nằm bên bờ sông Neva và trở thành biểu tượng bất tử của Cách mạng Tháng Mười.

Sau năm 1945, với những thành tích đặc biệt trong chiến đấu và sự đóng góp trong cách mạng Liên Xô, tuần dương hạm Rạng Đông đã hoàn thành sứ mệnh của mình và trở thành Viện bảo tàng của TP Leningrad, nay là Saint Peterburg. Trong năm 1975, một số phần tử phản cách mạng đã từng có âm mưu đánh chiếm chiến hạm Rạng Đông, nhưng đã bị lực lượng an ninh Liên Xô chặn đứng.

TUẤN SƠN (theo Zvezda)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/bieu-tuong-bat-tu-cua-cach-mang-thang-muoi-va-hai-quan-xo-viet-599313