Biểu tình tại Belarus phản đối kết quả bầu cử tổng thống

Hàng chục nghìn người đã đổ ra các đường phố tại thủ đô Minsk và nhiều địa điểm khác ở Belarus sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, với chiến thắng vang dội mang lại một nhiệm kỳ 6 năm nữa dành cho đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko.

Hàng chục nghìn người đã đổ ra các đường phố tại thủ đô Minsk và nhiều địa điểm khác ở Belarus sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, với chiến thắng vang dội mang lại một nhiệm kỳ 6 năm nữa dành cho đương kim Tổng thống Alexander Lukashenko.

Cảnh sát chống bạo động giải tán người biểu tình ở thủ đô Minsk tối 9-8. Ảnh: AP.

Cảnh sát chống bạo động giải tán người biểu tình ở thủ đô Minsk tối 9-8. Ảnh: AP.

Các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Belarus vào tối 9-8 và kéo sang ngày 10-8, khi nhiều người dân thể hiện sự bất bình trước chiến thắng của ông Lukashenko, người đã cầm quyền từ năm 1996. Sau khi cuộc bầu cử kết thúc vào tối 9-8, người đứng đầu Ủy ban bầu cử trung ương Belarus, Lydia Yermoshina cho biết trên kênh truyền hình Belarus-1 rằng ông Lukashenko, dẫn đầu ở 5 khu vực với khoảng 82% số phiếu bầu. Các cuộc thăm dò chính thức do hãng thông tấn nhà nước Belta tuyên bố, ông Lukashenko nhận được khoảng 80% phiếu bầu, trong khi đối thủ chính của ông, ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya, chỉ giành được khoảng 7% số phiếu.

Bà Tikhanovskaya, 37 tuổi, cho biết trong cuộc họp báo vào cuối ngày 9-8 rằng bà không đồng ý với kết quả. Bà khẳng định đã thắng tại hàng chục điểm bỏ phiếu ở Minsk. Tổ chức giám sát Golos cho biết họ đã kiểm đếm hơn một triệu lá phiếu và theo tính toán, bà Tikhanovskaya đã giành được 80% số phiếu. Bà Tsikhanouskaya bác bỏ tuyên bố của Ủy ban bầu cử và nói rằng: “Tôi chỉ tin vào chính mắt mình - đa số ủng hộ chúng tôi”.

Biểu tình khắp nơi

Những người biểu tình cáo buộc chính quyền đã thao túng cuộc bỏ phiếu và gian lận phiếu bầu. Ngay sau khi các địa điểm bỏ phiếu đóng cửa, đám đông người biểu tình bắt đầu đổ xuống các đường phố ở thủ đô Minsk và nhiều thành phố lớn khác trên cả nước. Hàng nghìn người tập trung gần đài Tưởng niệm các anh hùng thành phố Minsk lúc 10 giờ tối 9-8.

Chính quyền cho triển khai cảnh sát chống bạo động, được trang bị vòi rồng, hơi cay, lựu đạn gây choáng và súng bắn đạn cao su để giải tán người biểu tình khỏi khu vực trung tâm. Đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng cảnh sát ở nhiều điểm tại Minsk, với một số người được cho là bị thương. Theo đài Sputnik, 1 người biểu tình đã thiệt mạng và 200 người khác bị bắt. Chiến dịch giải tán người biểu tình của cảnh sát tại Minsk kéo dài trong gần 4 giờ. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nhiều điểm trên cả nước.

AP đã chứng kiến hàng chục xe cứu thương cấp cứu cho những người biểu tình có những vết thương và vết cắt do lựu đạn choáng và các vết thương khác. “Đó là cuộc biểu tình ôn hòa, chúng tôi không sử dụng vũ lực”, người biểu tình 23 tuổi Pavel Konoplyanik nói. Bạn của Konoplyanik đã bị mảnh lựu đạn nhựa găm vào cổ. “Sẽ không ai tin vào kết quả chính thức của cuộc bỏ phiếu”.

Đến 2 giờ sáng 10-8, Bộ Nội vụ Belarus ra thông báo cho biết lực lượng chức năng đã kiểm soát được tình hình tại Minsk và các khu vực. Theo các nhà hoạt động dân sự địa phương, ít nhất 160 người biểu tình đã bị bắt trong đêm 9-8. Ủy ban Điều tra Quốc gia Belarus đã mở cuộc điều tra hình sự về hành vi sử dụng bạo lực chống người thi hành công vụ.

Một người biểu tình bị thương trong cuộc đụng độ với cảnh sát. Ảnh: AP

Phải bỏ trốn

Bà Tikhanovskaya, một cựu trợ giảng tiếng Anh, đã trở thành đối thủ bất ngờ của ông Lukashenko sau khi chồng của bà, ông Sergey Tikhanovskiy, một blogger nổi tiếng trên YouTube và là cựu ứng viên tranh cử đã bị bỏ tù từ tháng 5.

Các cuộc tranh cử của bà Tikhanovskaya đã thu hút một số lượng cử tri đáng kể, ngay cả ở các thị trấn nhỏ của Belarus. Hồi tháng 7, khoảng 63.000 người đã tham dự sự kiện ở Minsk ủng hộ bà Tikhanovskaya. Bà Tsikhanouskaya nhắm vào sự thất vọng của công chúng với nền kinh tế tồi tệ và phản ứng kỳ lạ của ông Lukashenko với đại dịch Covid-19. Bà đã hợp tác cùng với hai phụ nữ điều hành các chiến dịch tranh cử của các ứng viên đối lập khác sau khi các ứng cử viên của họ cũng bị cấm tranh cử hoặc bị bỏ tù. Ông Lukashenko đã gọi họ là “những cô gái nghèo” trong bài phát biểu thường niên hồi tuần trước và nói rằng ông sẽ không để “đất nước đi quá xa”.

Đêm trước cuộc bầu cử, những người điều hành chiến dịch tranh cử của bà Tikhanovskaya cho biết bà phải bỏ trốn khỏi căn hộ của mình do lo ngại về an toàn sau khi cảnh sát bắt giữ một số nhân viên cấp cao của chiến dịch tranh cử. Các nhà phê bình gọi động thái này là một nỗ lực nhằm đe dọa phe đối lập trước cuộc bỏ phiếu quan trọng. Cố vấn của bà Tikhanovskaya, Veronika Tsepkalo, đã rời Belarus đến Moscow vì lý do an toàn. Người quản lý chiến dịch Maria Kolesnikova cũng bị đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn vào đêm trước của cuộc bỏ phiếu. Một ngày trước đó, giám đốc chiến dịch Maria Moroz cũng bị tạm giữ trong thời gian ngắn.

Tổng thống “kỳ lạ”

Tổng thống Belarus Lukashenko, 65 tuổi, đã nắm quyền lãnh đạo Belarus từ năm 1994. Ông Lukashenko hồi cuối tháng 7 thông báo nhiễm SARs-CoV-2 nhưng không có triệu chứng và đã hồi phục.

Ông Lukashenko từng gọi Covid-19 là “bệnh tâm thần” hàng loạt và từ chối áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông nói việc này sẽ hủy diệt nền kinh tế vốn đã yếu kém của Belarus. Ông khuyến nghị công dân nên sử dụng phòng tắm hơi truyền thống hoặc uống vodka “để đầu độc virus”. Ông cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì từ chối áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch. Ông Lukashenko cũng không hạn chế xuất hiện trước công chúng trong đại dịch, vẫn tổ chức cuộc duyệt binh mừng Ngày chiến thắng hồi tháng 5.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_229538_bieu-tinh-tai-belarus-phan-doi-ket-qua-bau-cu-tong.aspx