Biểu tình quy mô lớn làm 'tê liệt' Erevan, Thủ tướng phải từ chức

Cuộc biểu tình phản đối cựu Tổng thống Armenia Sargsyan tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đất nước trở nên trầm trọng hơn khi có thêm cả sự tham gia của những binh sĩ quân đội, nếu không nhanh chóng đưa ra giải pháp thì chính phủ mới sẽ gặp rắc rối

Biểu tình quy mô lớn làm "tê liệt" Erevan, Thủ tướng phải từ chức

Hôm 23/4 hãng RIA Novosti đưa tin, hàng chục binh sĩ quân đội đã tham gia cuộc biểu tình tại thủ đô Erevan nhằm phản đối việc Quốc hội Armenia bầu cựu Tổng thống Serzh Sargsyan làm Thủ tướng.

Một trong số những người tham gia biểu tình chia sẻ với các nhà báo, rằng họ "đang phục vụ trong quân đội". Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ liệu những vũ khí mang theo có phải của quân đội hay không.

Bộ Quốc phòng lên án việc quân đội tham gia trong cuộc biểu tình của phe đối lập và cam kết sẽ đưa ra "biện pháp" chống lại những người tự ý rời khỏi các đơn vị. Bộ này đồng thời nhấn mạnh, rằng hiến pháp và pháp luật của nước cộng hòa hạn chế sự tham gia của quân đội trong bất kỳ cuộc tụ tập nào.

Cuộc biểu tình do một vài nhóm tổ chức, một trong những nhóm này xuất phát từ Đại học Erevan. Được biết, hiện nhóm biểu tình này không có nhà lãnh đạo chính. Hôm thứ Bảy (21/4), hai trong những người đứng đầu là Armen Grigoryan và David Sanasaryan đã bị bắt giữ, và vào ngày Chủ nhật (22/4)- là các đại biểu Nikol Pashinyan, Sasun Mikaelyan và Ararat Mirzoyan.

Sau đó, đại biểu phe đối lập Lena Nazaryan tuyên bố, các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình đã không có ý định kêu gọi những người biểu tình đổ ra đường phố trong các cuộc đàm phán với chính quyền.

Video người biểu tình ở thủ đô Erevan

Trước làn sóng tuần hành, biểu tình phản đối trên cả nước kéo dài nhiều ngày qua, ngày 23/4, Thủ tướng Armenia Serzh Sargsyan đã chính thức tuyên bố từ chức.

Hãng thông tấn nhà nước Armenpress của Armenia dẫn thông báo của Văn phòng báo chí Thủ tướng cho biết ông Sargsyan tuyên bố đã "phạm sai lầm và từ chức nhà lãnh đạo đất nước".

Sau khi ông Serzh Sargsyan từ chức Thủ tướng do sức ép phản đối, chức quyền Thủ tướng Armenia được trao cho Phó Thủ tướng Karen Karapetian. Quyết định được đưa ra tại phiên họp bất thường của Hội đồng Bộ trưởng Armenia.

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 24/4 đã kêu gọi các bên kiềm chế và tiếp tục tôn trọng nhân quyền tại Armenia, sau khi làn sóng biểu tình trên đường phố buộc nhà lãnh đạo lâu năm Serzh Sargsyan phải từ chức.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết xét theo những diễn biến cho tới nay đều mang tính chất hòa bình, Tổng thư ký Guterres khuyến khích tất cả các bên liên quan "tiếp tục kiềm chế, tránh những phát ngôn gây kích động, đồng thời can dự một cách nghiêm túc vào cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng".

Ông Guterres kêu gọi tiếp tục tôn trọng các quyền dân chủ và pháp trị, nhằm duy trì sự hòa bình và ổn định tại Armenia cũng như trong khu vực rộng hơn.

Thủ tướng Armenia Sargsyan từ chức

Những phản đối của phe đối lập

Các hành động phản đối việc bầu chọn ông Sargsyan bắt đầu vào ngày 13/4. Theo cơ cấu mới của nhà nước vốn đã trở thành một nước cộng hòa nghị viện từ ngày 9/4 này, Thủ tướng sẽ là người thực sự lãnh đạo đất nước. Phe đối lập cáo buộc ông Sargsyan quản lý không hiệu quả cũng như làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế, và hôm 17/4 đã công bố phát động "cuộc cách mạng nhung". Bất chấp các cuộc biểu tình, Quốc hội Armenia vẫn bầu ông Sargsyan vào chức vụ Thủ tướng chính phủ.

Hôm Chủ nhật (22/4), một cuộc biểu tình khác của phe đối lập đã được tổ chức tại khu vực Erebuni. Cảnh sát đã sử dụng tới các phương tiện chuyên dụng để dẹp nhóm người biểu tình. Trước đó, các cuộc đàm phán giữa đại diện phe đối lập Pashinyan và Thủ tướng Sargsyan, kéo dài ba phút và kết thúc mà không mang lại kết quả nào.

Thủ tướng gọi hành động của đại diện phe đối lập là tống tiền và khuyên ông này tuân thủ tính hợp pháp, đồng thời đe dọa rằng nếu không thì ông ta sẽ phải hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm. Cảnh sát đã dẹp tan cuộc biểu tình, và những người tổ chức nó dưới sự lãnh đạo của ông Pashinyan đã bị loại khỏi hội đồng. Sau đó những người này đã bị bắt giữ.

Cơ quan an ninh Armenia cho hay, có 24 người đã bị giam giữ với tội danh gây rối hàng loạt, trong đó có ba đại biểu - lãnh đạo của cuộc biểu tình.

Ông Sargsyan, 63 tuổi, từng giữ chức Tổng thống Armenia trong 10 năm cho đến ngày 9/4 vừa rồi, và trở thành Tân Thủ tướng nước này sau khi được Quốc hội bầu hôm 17/4. Theo hiến pháp sửa đổi của nước này, Thủ tướng là người nắm giữ nhiều quyền lực nhất trong khi vị trí Tổng thống chủ yếu mang tính hình thức.

Đức Dũng (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bieu-tinh-quy-mo-lon-lam-te-liet-erevan-thu-tuong-phai-tu-chuc-post260453.info