Biểu tình ở Thái Lan: Người dân gọi, Chính phủ trả lời

Trong thời khắc khó khăn, người ta thường tìm kiếm sự thay đổi căn bản, dù đôi khi, đó không hẳn là điều họ thực sự mong muốn. Câu chuyện của Thái Lan cũng vậy. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Đoàn người biểu tình sử dụng ký hiệu nhằm biểu đạt thông điệp tìm kiếm sự thay đổi ở Thái Lan. (Nguồn: AFP)

Dưới cái nắng oi ả ngày Chủ nhật (16/8), bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19, 10.000 người đã tụ tập tại Tượng đài Dân chủ ở thủ đô Bangkok. Kẻ mang quạt, người che ô. Khẩu trang đen, trắng, xanh nhạt lốm đốm trong đoàn biểu tình đông đúc. Những âm thanh nhốn nháo nhưng đồng lòng. Bài hát từ bộ phim Harry Potter, hay kiểu chào 3 ngón tay từ bộ phim Trò chơi Sinh tử là một trong nhiều cách họ truyền tải thông điệp của mình.

Trong thời khắc khó khăn, người ta thường tìm kiếm sự thay đổi, dù nó đôi khi không hẳn là điều họ muốn. Câu chuyện của Thái Lan cũng vậy. Đoàn người biểu tình kêu gọi sửa đổi Hiến pháp, để có thể lần nữa tìm kiếm những người thực sự đại diện cho lá phiếu, quyền lợi của họ. Một số ít thậm chí cho rằng đã đến lúc Thái Lan từ bỏ chế độ quân chủ lập hiến, nền tảng tối quan trọng và không thể chạm tới trong gần 90 năm qua. Tuy nhiên, đó có thực sự là điều họ mong muốn?

Trước hết, như nhiều quốc gia khác trong đại dịch Covid-19, Thái Lan đang trải qua thời khắc khó khăn. Theo thống kê của Văn phòng Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Phát triển Xã hội Thái Lan, GDP quý II dự đoán sẽ giảm 12%, thấp kỷ lục trong hơn hai thập kỷ kể từ cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á năm 1998. Xuất khẩu giảm 28,3%, đầu tư tư nhân giảm 15%, tiêu dùng tư nhân giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu đến từ du lịch, một trong những ngành kinh tế chủ chốt của Thái Lan, có thể sụt giảm xuống chỉ còn 618 tỷ Baht (tương đương 20 tỷ USD), chỉ bằng chưa đầy 1/3 so với năm 2019 và dự kiến có thể còn thấp hơn nữa.

Theo Văn phòng trên, đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ tác động lâu dài và gây áp lực lớn lên nền kinh tế Thái Lan, khiến GDP quốc gia đối mặt với khả năng suy giảm tới 7,3 – 7,8% năm 2020.

Quan trọng hơn, sau cuộc bầu cử Thái Lan năm 2019 với kết quả bỏ phiếu sít sao và đảng Tương lai Mới của tỷ phú, Chủ tịch Thanathorn Juangroongruangkit, nhân vật được nhiều người ưa thích, buộc phải giải thể, một bộ phận cử tri Thái Lan, đặc biệt là thế hệ trẻ, đã cho rằng tiếng nói của mình chưa được lắng nghe.

Đây là hai động lực chính đằng sau cuộc biểu tình quy mô lớn nhất kể từ năm 2014 với 10.000 người góp mặt, thể hiện rõ nét ước vọng của một bộ phận người dân Thái Lan về một cuộc sống tốt đẹp hơn. May mắn thay, nguyện vọng chính đáng ấy đã được lắng nghe.

Ngày 18/8, Chủ tịch Hạ viện Chuan Lekpai đã chấp nhận kiến nghị do phe đối lập, bao gồm đại diện đảng Pheu Thai, Prachachat, Puea Chat, Thai People Power và Seriruamthai, đệ trình về sửa đồi điều 256 Hiến pháp, mở đường cho việc thành lập một cơ quan soạn thảo Hiến pháp mới. Theo điều này, mọi thay đổi Hiến pháp cần sự ủng hộ của ít nhất 1/3 Thượng viện, hoặc 84 Thượng nghị sỹ. Theo ông Chuan, quá trình xác minh tính hợp pháp của kiến nghị sẽ được bắt đầu ngay lập tức và kiến nghị có thể được đưa vào chương trình nghị sự của Hạ viện trong 15 ngày.

Về phần mình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết các nỗ lực đang được tiến hành để xem xét các yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, chỉ ra rằng Hạ viện đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu việc sửa đổi các điều lệ. Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của sinh viên tham gia biểu tình.

Chiều cùng ngày, Nội các Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch vay 214 tỷ Baht (tương đương 6,87 tỷ USD) nhằm bù đắp vào khoản thu tới tháng 9 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trước đó, Bộ Tài chính Thái Lan cho biết nguồn thu của Chính phủ trong 8 tháng đầu năm tài khóa (tháng 10 - tháng 5) chỉ đạt 1.500 tỷ Baht, thấp hơn 11,2% so với kế hoạch.

Nội các Thái Lan cũng phê chuẩn kế hoạch 114 tỷ Baht (3,66 tỷ USD), hỗ trợ cho vay tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, nước này đã thông qua gói hỗ trợ trị giá 1.900 tỷ Baht (tương đương 61,19 tỷ USD) nhằm khắc phục hệ quả từ đại dịch, song việc triển khai chưa đạt kỳ vọng.

Trong bối cảnh hiện nay, đây là hai thay đổi chính sách lớn và cần thiết của Bangkok. Tuy nhiên, liệu từng đó đã đúng và đủ để đáp ứng nguyện vọng, khôi phục lòng tin nơi một bộ phận cử tri hay chưa, vẫn là câu hỏi chưa lời giải đáp.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bieu-tinh-o-thai-lan-nguoi-dan-goi-chinh-phu-tra-loi-121853.html