Biểu tình ở Paris: Pháp phân vân tại Nga hay Mỹ?

Ngoại trưởng Pháp nhắn nhủ ông Trump nhưng một cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành giải đáp nghi vấn Nga can thiệp.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian mới đây phát biểu đầy cứng rắn với Mỹ trên đài truyền hình, tuyên bố "Hãy để đất nước chúng tôi yên!".

“Chúng tôi không đụng chạm đến chính trị nội địa Mỹ và mong muốn điều này được đáp lại. Tôi cùng Tổng thống Pháp muốn nói với ông Trump rằng: để nước chúng tôi yên” - Ngoại trưởng Pháp nói.

Ông Trump chia sẻ với Pháp về cuộc bạo động Áo vàng.

Tuyên bố của ông Jean-Yves Le Drian đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng hai bình luận về cuộc bạo động ở Pháp trên Twitter. Ông viết:

“Một ngày rất buồn tại Paris. Có lẽ đã đến lúc chấm dứt Thỏa thuận khí hậu Paris vô lý và cực kỳ tốn kém, rồi trả lại tiền cho người dân bằng cách giảm thuế”.

“Biểu tình và bạo loạn trên khắp nước Pháp. Người dân không muốn bỏ ra số tiền lớn mà hầu hết dành cho các nước thứ 3 (với năng lực quản trị bị nghi vấn) để bảo vệ môi trường. Họ hô vang: “Chúng tôi muốn Trump”! Yêu nước Pháp”.

Nhưng cơ sở để ông Trump đăng tải dòng tweet này lại là ở một đoạn phim ghi lại cuộc biểu tình của phe cực hữu tại London (Anh) đầu năm nay. Chính người biểu tình Anh hô tên Tổng thống Trump chứ không phải người dân Pháp. Điều này không gây nhạc nhiên bởi ông Trump thường xuyên đăng tải sai lệch.

Mặt khác, biểu tình “Áo vàng” nhằm mục đích bày tỏ bất mãn với chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron về chính sách tăng giá năng lượng cũng như nhiều bất công xã hội khác, chứ không có liên hệ trực tiếp nào với Thỏa thuận khí hậu Paris được ký năm 2015.

Paris cho rằng, dường như Tổng thống Trump không nói theo nghĩa đen. Dòng tweet của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm chỉ trích Thỏa thuận Paris cũng như châm chọc người đồng cấp Pháp.

Tại sự kiện lễ kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc tổ chức tháng trước ở Paris, ông Trump đã dùng lời lẽ không khoan nhượng trên Twitter nhắc đến hàng rào thuế quan của Pháp đối với rượu vang nhập khẩu từ Mỹ, chế nhạo người đồng cấp Pháp có tỷ lệ ủng hộ thấp, đồng thời cho rằng không có quốc gia nào theo chủ nghĩa dân tộc mạnh như Pháp.

Phản ứng của Pháp đối với nhà lãnh đạo Mỹ dường như không phải là khó hiểu. Tuy nhiên, nhiều người Pháp không muốn liên hệ giữa Mỹ và cuộc biểu tình Áo vàng. Thay vào đó, họ đã bắt đầu quay sang Nga.

Tổ chức Liên minh Bảo vệ Dân chủ cho biết, có khoảng 600 tài khoản Twitter mang tư tưởng ủng hộ quan điểm của Kremlin đang ngày càng tỏ ra quan tâm tới những diễn biến từ cuộc biểu tình ở Pháp.

Biểu hiện của việc này ở chỗ, các tài khoản trên thường bình luận về thông tin của Mỹ và Anh, nhưng khoảng hơn 1 tuần qua đã đặc biệt quan tâm tới cuộc biểu tình ở Pháp.

Các đoạn tweet đứng đầu hoặc gần đầu tiên trong các hoạt động của số tài khoản này đã sử dụng hashtag #giletsjaunes, tên tiếng Pháp của cuộc biểu tình Áo vàng.

Bạo động ở Pháp vì giá nhiên liệu đã được đổ lỗi cho Nga?

Theo ông Bret Schafer, nhà phân tích của tổ chức Liên minh Bảo vệ Dân chủ - thuộc Quỹ German Marshall của Mỹ cho biết, hành động này của các tài khoản Twitter "là tín hiệu cho thấy nhiều độc giả ở ngoài lãnh thổ Pháp ngày càng quan tâm tới cuộc biểu tình Áo vàng”.

Liên minh chuyên theo dõi các hoạt động ủng hộ điện Kremlin cho thấy, phần lớn thông tin mà các tài khoản Twitter có tư tưởng ủng hộ điện Kremlin sử dụng để nói về cuộc biểu tình Áo vàng ở Pháp được lấy từ những hãng tin Nga như Sputnik và RT.

Đây là những kênh thông tin của Nga theo dõi sát sao hoạt động biểu tình chống chính phủ ở Pháp. Thậm chí, 12 phóng viên của hãng tin RT đã bị thương khi đưa tin về cuộc biểu tình ở Pháp. Phóng viên hiện trường của RT và Sputnik bị thương nhiều nhất so với các hãng tin khác khi cùng đưa tin về cuộc bạo động này.

Các thông tin mà hai đài này công bố bao gồm cả các tin tức gây bất lợi cho chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron. Phần lớn cảnh sát Pháp không còn ủng hộ Tổng thống Macron mà thay vào đó quay sang sát cánh với người biểu tình.

Một đoạn video được RT đăng tải cho thấy cảnh sát ở quận Pau, miền tây nam nước Pháp đã cởi bỏ mũ bảo hiểm trong quá trình làm nhiệm vụ. Đây được xem là hành động thể hiện sự đồng lòng với người biểu tình.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Đảng Dân chủ thua cuộc, ông Donald Trump có quan điểm thân Nga bước vào Nhà Trắng, các cáo buộc Nga can thiệp vào các sự kiện tầm cỡ quốc gia ở phương Tây ngày càng nhiều lên. Các quốc gia phương Tây luôn nhắc đến Nga đầu tiên cho mỗi cuộc biểu tình quy mô lớn. Các đài truyền hình của Nga cũng bị hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn ở Mỹ.

Trong bài phỏng vấn hôm 9/12, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh tới việc các cơ quan an ninh Pháp đang tiến hành điều tra số tài khoản Twitter nói trên nghi ngờ là sự can thiệp của Nga nhằm vào sự kiện này.

“Một cuộc điều tra đang được tiến hành. Tôi sẽ không đưa ra bất cứ lời bình luận nào cho tới có kết quả điều tra” - Bloomberg dẫn lời Ngoại trưởng Pháp.

Nhiều khả năng, Nga sẽ tiếp tục phải "gánh" hộ những mâu thuẫn nội bộ ở các nước phương Tây. Phủ nhận bất đồng, phủ nhận quan điểm dân tộc ngày càng lớn mạnh từ các sự kiện ở Salisbury, cuộc ly tách ở Tây Ban Nha, sự kiện Brexit... các nước phương Tây lại tìm đến "Ngáo ộp Nga" như một ví dụ rõ ràng nhất, dễ dàng nhất để đổ lỗi.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/bieu-tinh-o-paris-phap-phan-van-tai-nga-hay-my-3370808/