Biểu tình ở Kyrgyzstan: Tương lai chính trị bất định đang 'chờ đón'

Tương lai chính trị của Kyrgyzstan bất định với việc không có bức tranh rõ ràng về ai là người nằm quyền ở đất nước.

Đó là một đêm hỗn loạn của cuộc nổi dậy ở Kyrgyzstan khi những người biểu tình xông vào Văn phòng Tổng thống và các tòa nhà Chính phủ quan trọng khác. Điều này đã đẩy quốc gia Trung Á vào một tương lai chính trị bất định.

Người biểu tình Kyrgyzstan tham gia biểu tình phản đối kết quả bầu cử quốc hội ở thủ đô Bishkek ngày 6/10. (Nguồn: Reuters)

Người biểu tình Kyrgyzstan tham gia biểu tình phản đối kết quả bầu cử quốc hội ở thủ đô Bishkek ngày 6/10. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Sooronbai Jeenbekov đã công bố một video vào ngày 6/10 cáo buộc "một số lực lượng chính trị" dàn dựng một cuộc đảo chính và cố gắng "chiếm giữ quyền lực đất nước một cách bất hợp pháp".

Ông tiếp tục đề nghị một giải pháp hòa bình, yêu cầu Ủy ban Bầu cử Trung ương điều tra các vi phạm bầu cử. Vài giờ sau đó, Ủy ban này hủy bỏ kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, động thái này là quá muộn để cứu vãn tình thế. Căng thẳng sau bầu cử đánh dấu sự trở lại của bất ổn chính trị ở quốc gia còn khó khăn ở Trung Á, có biên giới với Trung Quốc, Kazakhstan, Uzbekistan và Tajikistan.

Bất ổn dự báo kéo dài

Khoảng 4.000 người biểu tình từ ác phe đối lập của Kyrgyzstan đã tụ tập tại Quảng trường Ala-Too ở trung tâm thủ đô Bishkek vào ngày 5/10 để phản đối kết quả của một cuộc bầu cử mà các nhà quan sát nghi ngờ là gian lận. Quảng trường Ala-Too từng nổi tiếng là "bệ phóng" cho các vụ rối loạn dân sự dẫn đến việc lật đổ các Tổng thống tại vị vào các năm 2005 và 2010.

Theo báo cáo sơ bộ của phái đoàn quan sát viên thuộc Văn phòng phụ trách các vấn đề về dân chủ và nhân quyền (ODIHR) của châu Âu, những người biểu tình Kyrgyzstan đã bày tỏ sự giận dữ trước cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 4/10, vốn bị cáo buộc là "mua phiếu bầu" và sử dụng các thủ thuật đen tối. Trong số 16 đảng tham gia bỏ phiếu, chỉ có 5 đảng vượt qua ngưỡng 7% để vào Nghị viện, theo số liệu mới nhất hiện có từ một cuộc kiểm phiếu.

Các đảng dẫn đầu với khoảng 25% phiếu bầu là đảng Birimdik có quan hệ mật thiết với đảng Jeenbekov, và đảng Mekenim Kyrgyzstan được tài trợ bởi Raimbek Matraimov - cựu quan chức hải quan hàng đầu, nay là nhà tài phiệt quyền lực từng tham gia vào một nhóm buôn lậu xuyên biên giới.

Khi màn đêm buông xuống, nhóm người biểu tình đã xông vào cổng Nhà Trắng, nơi đặt Văn phòng Tổng thống. Một người biểu tình đã thiệt mạng trong cuộc hỗn chiến và hàng trăm người phải nhập viện, trong đó có một số chính trị gia cấp cao của phe đối lập. Những người biểu tình sau đó tiếp tục kiểm soát các cơ sở chính khác của Chính phủ, bao gồm cả trụ sở của cơ quan an ninh nhà nước.

Kate Mallinson, nhà tư vấn rủi ro chính trị tại Công ty quản lý Rủi ro Chính trị Prism có trụ sở tại London, coi việc gọi cuộc bầu cử là không hợp lệ của Tổng thống Jeenbekov dường như không thể làm ổn định hoàn toàn tình hình đầy biến động ở Kyrgyzstan.

"Đất nước có khả năng chứng kiến bất ổn chính trị kéo dài cho đến khi cuộc bầu cử mới diễn ra, dự kiến vào cuối tháng 11 hoặc muộn hơn, khi các nhóm và ứng cử viên khác nhau ở phía Bắc và phía Nam của đất nước tranh giành ảnh hưởng, đặc biệt là trong trường hợp Tổng thống Jeenbekov từ chức", bà Mallinson nói với Nikkei Asian Review.

Tấm gương tiền nhiệm

Trong khi các câu hỏi đặt ra về tương lai của Tổng thống vẫn chưa rõ ràng, chuyên gia Mallinson cảm thấy rằng, công chúng rất muốn ông Jeenbekov từ chức.

"Mặc dù ông Jeenbekov không muốn từ bỏ quyền lực, nhưng khả năng cao là ông ấy sẽ bị buộc phải từ chức trong vòng vài ngày", Mallison nói thêm. "Nga có thể đóng một vai trò quyết định đối với vị trí Tổng thống của Kyrgyzstan. Thế nhưng cho đến nay, Tổng thống Putin vẫn chưa đưa ra sự ủng hộ đối với ông Jeenbekov".

Tổng thống Jeenbekov từng hy vọng củng cố quyền lực thông qua đảng Birimdik, nhưng hiện ông đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn, giống như đất nước của mình. Ông đang ở giữa nhiệm kỳ 6 năm và sẽ phải nhìn vào số phận của những người tiền nhiệm: hai người đang sống lưu vong, nhưng số phận của người tiền nhiệm Almazbek Atambayev - người đã bị bỏ tù dưới sự giám sát bởi chính ông Jeenbekov - có thể sẽ được lưu ý hơn cả.

Sau khi cuộc bầu cử thất bại, cựu Tổng thống Atambayev đã được giải thoát khỏi sự giam giữ bởi những người biểu tình ngay trong đêm. "Người thầy" một thời của ông Jeenbekov, nay là kẻ thù không đội trời chung với vị Tổng thống, từng bị tuyên án 11 năm tù vào tháng 6 sau khi bị kết tội ra lệnh phóng thích trái pháp luật cho một trùm băng đảng bị cầm tù hồi năm 2013.

Bước đi tích cực

Chính phủ Kyrgyzstan vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù có một số gương mặt mới trong bộ máy. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, một cuộc chuyển giao quyền lực chuẩn bị diễn ra với việc nhiều nhà lãnh đạo phe đối lập đang dần khẳng định uy tín cá nhân, trong khi một số nhà lập pháp đề xuất ông Japarov lên làm Thủ tướng.

Chưa dừng lại ở đó, ông Adakhan Madumarov - lãnh đạo đảng dân tộc chủ nghĩa Butun Kyrgyzstan, đã tuyên bố vào ngày 6/10 rằng, ông sẽ đứng đầu một Hội đồng Điều phối được thành lập bởi một số đảng đối lập tham gia bỏ phiếu. Trước đó, ông Madumarov đã chỉ trích cuộc bầu cử có "gian lận ở mọi nơi" và chỉ trích Chính phủ vì đã tổ chức "cuộc bầu cử bất công nhất trong toàn bộ lịch sử của Kyrgyzstan".

Trước tình hình hiện tại, chuyên gia Mallinson cho rằng: "Không có người chiến thắng rõ ràng trong cuộc khủng hoảng". Tuy nhiên, bà cho rằng "sự đoàn kết của các nhà lãnh đạo đối lập trong việc chống lại việc đánh cắp phiếu bầu của các lực lượng ủng hộ Chính phủ" là một bước đi tích cực, đặc biệt "nếu những gương mặt mới, trẻ hơn được phép tham gia Chính phủ".

Hoàng Mỹ

(theo Nikkei Asian Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bieu-tinh-o-kyrgyzstan-tuong-lai-chinh-tri-bat-dinh-dang-cho-don-125668.html