Biểu tình ở Hong Kong đang gây ra nhiều thách thức cho Bắc Kinh

Bất kỳ tình trạng thoái vốn nào, một doanh nghiệp lớn ra đi hay những quan ngại về tình trạng bất ổn của Hong Kong sẽ đều làm cho đại lục đứng ngồi không yên.

Sau những làn sóng biểu tình dữ dội trong nhiều tuần qua, ngày 9/7/2019, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, Carrie Lam tuyên bố dự luật Dẫn độ gây tranh cãi liên quan đến Trung Quốc đại lục đã bị khai tử.

Thắng lợi của những người biểu tình lại chính là thất bại của Trung Quốc đại lục.

Mặc dù nhân vật được Trung Quốc đại lục ủy nhiệm tại vùng lãnh thổ này, bà Carrie Lam đã thừa nhận trách nhiệm cho thất bại này nhưng đó là một thất bại gây choáng váng và đặt ra nhiều thách thức đối với Bắc Kinh.

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, Carrie Lam tuyên bố dự Dẫn độ đã bị khai tử (Ảnh: Asiatimes)

Các quan chức Trung Quốc công khai ủng hộ những đề xuất thay đổi của bà Carrie Lam đối với dự luật Dẫn độ, mặc dù sau đó họ nói đó là ý tưởng của bà, sau khi được nêu lên vào tháng 2/2019. Điều này sẽ làm lung lay uy tín của Bắc Kinh khi cuộc khủng hoảng leo thang.

Theo Asia Times, người biểu tình sẽ còn tiếp tục tiến hành các buổi diễu hành đông người phản đối chính quyền ở 18 quận trung tâm Hong Kong trong các tuần tiếp theo.

Họ không chỉ phản đối dự luật Dẫn độ mà còn bày tỏ sự không hài lòng với nhiều vấn đề khác như chi phí sinh hoạt gia tăng, giao thông công cộng chật chội…

Trong thời gian tới, Bắc Kinh phải đối mặt với hai quyết định khó khăn.

Thứ nhất, có nên cho phép bà Carrie Lam nhượng bộ trước những lời kêu gọi của đoàn người biểu tình về việc chính thức rút lại dự luật này. Thứ hai, liệu bà Carrie Lam có buộc phải từ chức hay được phép tại vị cho đến hết nhiệm kỳ.

Dường như khó có thể tin rằng bà Carrie Lam với 2 năm trong nhiệm kỳ 5 năm đã trôi qua, có thể phục vụ tối đa 2 nhiệm kỳ trọn vẹn mà một Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong được pháp luật cho phép.

Nếu vậy, bà sẽ trở thành người thứ ba trong số bốn Trưởng đặc khu do Bắc Kinh bổ nhiệm bị buộc phải từ chức sớm.

Hình mẫu thất bại này đặt ra một vấn đề nan giải hơn cho Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Đó là, phải chăng chính quyền của ông sẽ từ bỏ cách đối xử mạnh tay đối với Hong Kong kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012 hay sẽ tăng cường các biện pháp cứng rắn như đã từng thực hiện với những người dẫn đầu “Phong trào ô dù”.

Nhiều chuyên gia nhận định Bắc Kinh sẽ thông qua việc mạnh mẽ chỉ trích những âm mưu nước ngoài, ngấm ngầm gây tình hình Hong Kong bất ổn.

Ngày 17/6/2019, một bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân nhật báo cho rằng, bạo lực đường phố hay những hành động can thiệp với mục đích xấu của các chính phủ nước ngoài đều không thể lay chuyển được sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong.

Người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối dự luật Dẫn độ ở phố Canton ngày 07/7/2019 (Ảnh: SCMP).

Gần đây nhất, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC, Đại sứ Trung Quốc tại London, ông Lưu Hiểu Minh cho rằng Bắc Kinh tin tưởng hoàn toàn Hong Kong sẽ giải quyết được tình hình hiện nay và chỉ trích chính quyền Anh đang can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính này.

Ông Minh nêu rõ: "Chúng tôi không muốn tham gia cuộc chiến ngoại giao với Anh, chúng tôi vẫn tuân thủ cam kết kỷ nguyên vàng giữa hai nước song cho rằng ngôn ngữ mà một số chính trị gia Anh sử dụng là ngôn ngữ của tâm lý Chiến tranh Lạnh".

Tuy nhiên, đây được cho vẫn là ván bài chứa đựng nhiều rủi ro. Ít nhất 60% đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đi qua Hong Kong và đây vẫn là thị trường bên ngoài giúp thúc đẩy đồng nhân dân tệ mà Trung Quốc hy vọng một ngày sẽ biến nó trở thành đồng tiền quốc tế thực thụ.

Giáo sư chuyên ngành chính trị, Peter Cheung của Đại học Hong Kong cho biết, Hong Kong vẫn đóng vai trò là trung tâm tài chính quốc tế quan trọng nhất của Trung Quốc.

Bất kỳ tình trạng thoái vốn nào, một doanh nghiệp lớn ra đi hay những quan ngại về tình trạng bất ổn của Hong Kong sẽ đều làm cho đại lục đứng ngồi không yên.

Trong khi đó, David Webb, một nhà hoạt động vì lợi ích của cổ đông và luôn chỉ trích bà Carrie Lam, cho rằng Bắc Kinh chủ yếu coi Hong Kong như một cánh cửa để nguồn vốn quốc tế chảy vào các công ty ở đại lục.

Bắc Kinh cũng đánh giá cao vai trò tích cực của Hong Kong như một trung tâm phân định và xét xử quan trọng cho các lợi ích thương mại của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng việc Bắc Kinh cho phép bà Carrie Lam rút lại dự luật Dẫn độ hoặc buộc bà phải từ chức sẽ làm xói mòn một số mục tiêu quan trọng hơn của họ trong vùng lãnh thổ này.

Điều đó bao gồm việc thông qua Luật An ninh quốc gia từ lâu đã bị trì hoãn, được biết đến với tên gọi Điều 23, nhằm ngăn chặn hành vi ly khai, xúi giục nổi loạn và các tội phạm liên quan đến an ninh khác.

Nếu Bắc Kinh phải lựa chọn giữa các đặc quyền kinh tế và chính trị thì nhiều người nhận định họ sẽ ưu tiên chính trị.

Khoa nghiên cứu Trung Quốc của Trường Claremont McKenna ở California nhận định, đối với Hong Kong, Trung Quốc có thể lo lắng về tác động kinh tế nhưng luôn đặt những cân nhắc về chính trị lên trước kinh tế. Do đó, nếu việc này dẫn đến thiệt hại về kinh tế thì họ sẽ phải chấp nhận điều đó.

Tài liệu tham khảo:

1. //www.channelnewsasia.com/news/asia/hong-kong-protests-carrie-lam-extradition-bill-dead-11703910

2. //www.vietnamplus.vn/dai-su-trung-quoc-chi-trich-anh-can-thiep-vao-noi-bo-dac-khu-hong-kong/580986.vnp

3.//www.scmp.com/comment/letters/article/3017736/hong-kong-protests-are-providing-hope-young-people-who-need-it

//www.asiatimes.com/2019/07/article/citizens-planning-protests-in-hks-18-districts/?_=2193386

Thanh Bình

Thanh Bình

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bieu-tinh-o-hong-kong-dang-gay-ra-nhieu-thach-thuc-cho-bac-kinh-post200295.gd