Biểu tình không dứt, thủ tướng Liban sẽ từ chức?

Thủ tướng Saad Hariri của Liban hôm 29-10 tuyên bố ông sẽ từ chức, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đã siết chặt đất nước trong gần 2 tuần. Ông Hariri cho biết Liban đã gặp bế tắc và cần một cú sốc để phá vỡ cuộc khủng hoảng.

Thông báo đã nhận được sự cổ vũ từ những người biểu tình ở Beirut. Các cuộc biểu tình chống tham nhũng chính trị và bất ổn kinh tế, bắt đầu sau khi kế hoạch đánh thuế các cuộc gọi WhatsApp được đưa ra vào giữa tháng 10. Liban là một trong những nước có mức nợ cao nhất thế giới.

Các cuộc biểu tình đã dẫn đến việc đóng cửa các ngân hàng trong 10 ngày, nhiều văn phòng, trường học và trường đại học cũng phải đóng cửa.

Trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Hariri nói rằng ông đã đi đến "ngõ cụt" và ông sẽ từ chức.

Ông Hariri nói: "Trong 13 ngày, người dân Liban đã chờ đợi quyết định cho một giải pháp chính trị ngăn chặn sự xuống cấp. Và tôi đã cố gắng, trong giai đoạn này, để tìm cách thoát ra, qua đó để lắng nghe tiếng nói của mọi người. Chúng ta cần tạo ra một cú sốc lớn để khắc phục khủng hoảng".

Nếu việc từ chức được chấp nhận, hiến pháp sẽ yêu cầu ông Hariri ở lại cho đến khi chính quyền mới được thành lập.

Thông báo của Thủ tướng Hariri được đưa ra khi tình hình ngày càng trở nên dữ dội, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Nhóm phiến quân Shia, Hezbollah, người đã thống trị chính phủ liên minh do ông Hariri, người Sunni lãnh đạo, gần đây đã củng cố lập trường chống lại các cuộc biểu tình.

Hôm 29-10, những người mặc áo đen trung thành với Hezbollah và một nhóm Shia khác, Amal, đã lục soát một trại biểu tình ở trung tâm Beirut, hô khẩu hiệu, đốt lều và đánh những người biểu tình chống chính phủ. Một rào chắn được thiết lập bởi những người biểu tình cũng bị tấn công.

Cảnh sát chống bạo động và quân đội bắn hơi cay để tách các nhóm đối thủ. Những người biểu tình vẫn bất chấp ở trung tâm Beirut. Chưa đầy một giờ sau khi bị tấn công, những tràng pháo tay đã dậy lên khi nghe tuyên bố từ chức của ông Hariri.

Người biểu tình Tima Samir nói với Agence France-Presse: "Việc từ chức này được hoan nghênh nhưng vẫn chưa đủ... Chúng tôi muốn toàn bộ hệ thống thay đổi và sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi mọi yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng".

Tại thủ đô, những người biểu tình đã reo hò ầm ĩ khi Thủ tướng tuyên bố từ chức. Nhưng thông báo không có gì sáng tỏ cho con đường phía trước.

Tổng thống sẽ phải tham khảo ý kiến Quốc hội để thành lập một chính phủ khác - nhưng Quốc hội được tạo thành từ cùng các phe phái của liên minh chính phủ hiện tại.

Phẫn nộ vì tham nhũng, một chính phủ rối loạn và xử lý nền kinh tế yếu kém đã khiến các cuộc biểu tình sôi sục vào ngày 17-10 khi chính phủ công bố một loại thuế mới với các cuộc gọi được thực hiện qua giao thức thoại qua mạng (Voip), được sử dụng bởi các ứng dụng như WhatsApp, Facebook Messenger và FaceTime của Apple. Chính phủ rút lại kế hoạch đó trong vài giờ nhưng các cuộc biểu tình đã nhanh chóng bùng nổ.

Một người biểu tình nói: "Chúng tôi không ở đây vì WhatsApp, chúng tôi ở đây vì tất cả mọi thứ: nhiên liệu, thực phẩm, bánh mì, tất cả mọi thứ".

Tuần trước, ông Hariri và liên minh của mình, bao gồm Hezbollah, đã đồng ý với một kế hoạch cải cách để cố gắng xoa dịu người biểu tình, nhưng chiến dịch của họ vẫn tiếp tục. Ngày 25-10, nhà lãnh đạo của Hezbollah, Hassan Nasrallah, nói rằng "ai đó đang cố gắng kéo Liban tiến tới một cuộc nội chiến", ngụ ý rằng các cuộc biểu tình được tài trợ bởi các thế lực nước ngoài và cảnh báo chính sách khắc nghiệt hơn đối với người biểu tình. Hezbollah phản đối sự từ chức của ông Hariri, nói rằng điều đó có thể dẫn đến một khoảng trống trong Chính phủ Liban.

Nhà báo Martin Patience của BBC cho biết nhiều người dân đã quá mệt mỏi vì sự đình trệ kinh tế, tham nhũng đặc hữu và thiếu các dịch vụ công cộng cơ bản. Ông nói thêm rằng bạo loạn tiếp diễn sẽ báo động phương Tây, vốn coi Liban là một ốc đảo ổn định tương đối ở một Trung Đông hỗn loạn.

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực chấm dứt cuộc nội chiến của đất nước 30 năm trước đã giữ được hòa bình, nhưng nó đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế.

Gia Huy

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/bieu-tinh-khong-dut-thu-tuong-liban-se-tu-chuc-569400/