Biểu tình 'Áo vàng': Họ là ai?

Ngay sau khi Tổng thống Emmanuel Macron thông báo sẽ áp dụng thêm một loại thuế xăng nữa để bảo vệ môi trường, nhiều người dân Pháp – chủ yếu là người nghèo – đã không khỏi phẫn nộ. Theo Bộ Nội vụ Pháp, đã có hơn 400.000 người xuống đường biểu tình, tạo thành phong trào 'Áo vàng' làm điên đảo chính phủ.

Phong trào “Áo vàng” đến từ đâu?

Loại thuế xăng mới như "giọt nước" tràn vào chiếc ly "đời sống xã hội khó khăn" ở Pháp, khiến phong trào biểu tình bùng nổ trên toàn quốc. Ảnh: Reuters.

Ban đầu, những người biểu tình mặc áo phản quang vàng đều có gốc gác ở các vùng nông thôn. Họ là những người hàng ngày phải di chuyển rất xa để đi làm. Do đó, nhóm người này bị ảnh hưởng rất lớn từ việc giá xăng phải “cõng” thêm thuế bảo vệ môi trường mới.

Sau đó, phong trào đã ngày càng lớn mạnh với sự tham gia của tầng lớp trung lưu, tầng lớp lao động. Hai tầng lớp này đều cảm thấy chán chường, bức xúc với việc tiêu chuẩn sống bị hạ thấp và tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”: lương quá cao để được nhận trợ cấp nhưng quá thấp để nuôi miệng ăn của bản thân và gia đình.

Được biết, phong trào “Áo vàng” không hề có một nhóm lãnh đạo chính thức nào mà được tổ chức thông qua các nhóm trên mạng xã hội. Những người tham gia biểu tình coi Tổng thống Macron và những cải cách của ông là nguồn cơn của mọi khó khăn, đau khổ.

Phong trào biến thành bạo lực như thế nào?

Bạo lực chỉ xảy ra tại Paris khi nhiều phần tử có hành động quá khích, phá hoại và cướp bóc. Ảnh: Getty.

Theo trang tin NPR, hầu hết những người biểu tình “Áo vàng” trên nước Pháp đều đấu tranh ôn hòa. Bạo lực chỉ nổ ra tại Paris khi một số phần tử quá khích phá hoại Khải Hoàn Môn, Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Vô danh, cướp phá các cửa hàng, phá hoại các tòa nhà và thậm chí là tấn công cả cảnh sát. Chính quyền Pháp nhấn mạnh rằng hầu hết các vụ bạo lực, phá hoại được khởi xướng bởi các phần tử cực tả, cực hữu, côn đồ,…

Chỉ trong thứ Bảy (1.11) vừa rồi, các nhà chức trách đã bắt giữ 380 người vì các tội danh liên quan tới bạo lực, phá hoại. Về mặt vật chất, thủ đô Paris đã hứng chịu thiệt hại tổng cộng 3,4 triệu USD.

Những người biểu tình muốn gì?

Ban đầu, phong trào “Áo vàng” hướng tới việc xóa bỏ thuế bảo vệ môi trường lên dầu diesel. Hiện tại, những người biểu tình còn muốn chính phủ nâng mức thu nhập tối thiểu (đang ở mức 1.350USD/tháng sau thuế) lên để cải thiện đời sống.

Không chỉ có vậy, phong trào cũng kêu gọi Tổng thống Macron từ chức, giải thể Quốc hội để tổ chức một cuộc bầu cử mới

Tại sao phong trào có tên “Áo vàng”?

Những người biểu tình "Áo vàng" ở Khải Hoàn Môn (Paris, Pháp). Ảnh: Getty.

Tại Pháp, những người đi xe motor buộc phải mang theo áo vest phản quang vàng theo mình. Khi tham gia biểu tình, những lái xe đã mặc luôn áo phản quang để chặn các con đường trên nước Pháp. Do đó, bất kỳ người nào khi tham gia phong trào đều mặc loại áo này, dù họ có phải tay lái xe motor hay không.

Tiểu Đào

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/bieu-tinh-ao-vang-ho-la-ai-936543.html