Biểu hiện của bệnh viêm mống mắt

Viêm mống mắt là bệnh hay gặp, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, gây mù lòa.Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Phạm Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Vân Đồn về vấn đề này.

Kiểm tra các bệnh về mắt cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Vân Đồn.

Kiểm tra các bệnh về mắt cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Vân Đồn.

- Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh viêm mống mắt?

+ Nguyên nhân của viêm mống mắt chưa được xác định rõ ràng. Đôi khi, kết quả viêm mống mắt từ một tình trạng mãn tính tiềm ẩn hoặc yếu tố di truyền.

Bên cạnh đó, đây có thể là hậu quả khi bị chấn thương ở mắt hoặc do một số bệnh truyền nhiễm, như: Bệnh Lyme (là bệnh lây truyền từ động vật sang người), bệnh lao, bệnh Toxoplasmosis (là một bệnh ký sinh trùng), giang mai và Herpes simplex (là bệnh do virus gây ra) và Herpes zoster virus (bệnh giời leo).

Viêm mống mắt mãn tính có thể do nguyên nhân từ viêm khớp dạng thấp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các ổ nhiễm trùng tại răng và tai mũi họng cũng là nguyên nhân gây viêm mống mắt.

Một số loại thuốc, như kháng sinh rifabutin và thuốc kháng virus cidofovir, được sử dụng để điều trị nhiễm HIV có thể gây viêm ở mống mắt. Việc sử dụng bisphosphonates để điều trị loãng xương ở một số trường hợp rất hiếm cũng gây viêm mống mắt (trường hợp này, nếu ngừng sử dụng thuốc có thể chấm dứt các triệu chứng viêm).

- Làm sao phân biệt được viêm mống mắt với các bệnh về mắt khác, thưa bác sĩ?

+ Khi bị viêm mống mắt, dấu hiệu mờ mắt xuất hiện ngay từ đầu. Đỏ mắt, thường được xem là một màu hồng đỏ trong vùng trắng của mắt (màng cứng) xung quanh con ngươi, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng). Mặt sau giác mạc có thể xuất hiện lắng đọng các chất xuất tiết, mống mắt có màu sẫm, đồng tử có thể co nhỏ, dính, giảm hoặc mất phản xạ ánh sáng (Bệnh thường không có rử mắt hay tăng tiết nước mắt).

Biểu hiện của mắt khi bị viêm mống mắt.

Viêm mống mắt cấp tính thường xảy ra đột ngột, kéo dài trong vài giờ hoặc vài ngày. Ngược lại, viêm mống mắt mạn tính sẽ xuất hiện từ từ, có thể kéo dài hơn 3 tháng và thường hay tái phát.

Viêm mống mắt thường phân biệt với một số bệnh: Glaucoma cấp (thường đồng tử giãn, tiền phòng nông và tăng nhãn áp); dị vật nội nhãn (bệnh nhân có tiền sử chấn thương, siêu âm thấy có dị vật trong nhãn cầu); viêm củng mạc - màng bồ đào sau (có kèm theo tổn thương củng mạc, lộ hắc mạc màu sẫm); bong võng mạc (thường đồng tử không co mà lại hơi giãn nhẹ, siêu âm có bong võng mạc).

Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh viêm mống mắt có thể dẫn đến biến chứng, như: Đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp (áp lực mắt tăng lên dần dẫn tới mất thị lực), canxi trên giác mạc (thoái hóa giác mạc); phù trong võng mạc (sưng tấy và u nang chứa đầy dịch phát triển trong võng mạc ở mặt sau của mắt).

- Khả năng điều trị viêm mống mắt ra sao, thưa bác sĩ?

+ Việc điều trị viêm mống mắt chủ yếu phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Với mỗi nguyên nhân sẽ có những thuốc điều trị đặc hiệu. Viêm mống mắt do chấn thương thường biến mất trong vòng 1-2 tuần. Các dạng khác của bệnh có thể mất vài tuần, đôi khi vài tháng. Với những trường hợp viêm do nhiễm vi khuẩn sẽ hết sau khi điều trị khỏi nhiễm trùng. Đối với nguyên nhân là bệnh tự miễn, không có cách chữa bệnh khỏi hoàn toàn mà bệnh sẽ tái phát nhiều lần.

Kiểm tra các bệnh về mắt cho bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (ảnh chụp tháng 2/2019)

Điều trị viêm mống mắt chủ yếu dùng bằng thuốc như: Steroid nhỏ mắt để chống viêm, thuốc giãn nhỏ mắt chống dính đồng tử để giảm đau và giúp mống mắt được nghỉ ngơi, phòng chống biến chứng tăng nhãn áp.

Trong trường hợp viêm mống mắt biến chứng nặng (tăng nhãn áp) thì cần phải phẫu thuật. Việc phẫu thuật có thể kéo dài thời gian điều trị và gây nhiều ảnh hưởng lên thị lực ngay cả khi đã chữa khỏi bệnh. Vì vậy, ngay khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần lập tức đến các bệnh viện mắt chuyên khoa để bác sĩ khám và điều trị sớm.

Với mỗi cá nhân, để bảo vệ sức khỏe về mắt cần tăng cường dinh dưỡng cho mắt, thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý; tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng việc bổ sung các loại vitamin A, B, C, D...; hạn chế nhìn lâu vào màn hình máy tính, điện thoại để giúp mắt nghỉ ngơi; sử dụng kính mát khi tiếp xúc với ánh sáng; tránh thức khuya.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/bieu-hien-cua-benh-viem-mong-mat-2476934/