Biểu diễn văn nghệ trong trường học: Đừng 'quên' giá trị tích cực

Tổ chức biểu diễn văn hóa - nghệ thuật cho học sinh, sinh viên cần cân nhắc kĩ lưỡng nhiều mặt, trong đó có cả lối sống của người biểu diễn, không phải 'sao cũng được'.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật dân tộc tại trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

“Bát nháo” nhiều chương trình

Mới đây, một trường đại học tại TP HCM đã vấp phải phản ứng của sinh viên khi thông báo mời nữ ca sĩ H.H biểu diễn trong ngày hội tân sinh viên. Lý do được cho là liên quan đến scandal quan hệ thiếu chuẩn mực của nữ ca sĩ này. Trước phản ứng dữ dội của sinh viên trong trường và sức ép dư luận, nhà trường đã phải ngừng hợp đồng với ca sĩ này ngay trước khi sự kiện diễn ra.

Trước đó, một trường đại học khác cũng mời một nam ca sĩ có scandal hành xử thiếu chuẩn mực đến trường để biểu diễn âm nhạc cho sinh viên. Dù sinh viên “có ý kiến” nhưng đêm nhạc vẫn diễn ra. Hơn nửa số sinh viên trong trường đã không tham gia để bày tỏ sự phản đối. Cũng có trường hợp nghệ sĩ có phong cách ăn mặc phản cảm được mời biểu diễn cho học sinh tại một trường cấp 3. Khi biểu diễn trước hàng ngàn em nhỏ, nghệ sĩ trên vẫn ăn mặc rất hở hang, khiến nhiều phụ huynh không đồng tình.

Tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại các trường học là hoạt động tạo niềm vui, kết nối cho học sinh, sinh viên. Người tổ chức dù để tạo không khí vui vẻ cũng không nên “quên” cân nhắc các yếu tố cần thiết như tính giáo dục, tính chuẩn mực. Ngay cả các tiết mục văn nghệ do học sinh, sinh viên biểu diễn trong trường đôi khi sa vào tính “giải trí” quá mức, đi đến giới hạn phản cảm như nữ sinh trên sân khấu ăn mặc “lố lăng”, nhảy múa như trong vũ trường.

Cần tính định hướng thẩm mỹ, giáo dục

Sự việc trường đại học mời nữ ca sĩ H.H biểu diễn và bị hủy vào phút chót có thể coi là bài học trong việc tổ chức biểu diễn văn nghệ tại các trường học.

Thời gian qua, nhiều trường học tại các thành phố lớn đã có những hoạt động văn nghệ, giải trí khá chuyên nghiệp. Các trường thường “chiều” thị hiếu học sinh, sinh viên bằng việc mời các nghệ sĩ trẻ đang “hot” đến biểu diễn. Tuy nhiên, khi xem xét để tổ chức chương trình, đôi khi người tổ chức chỉ quan tâm đến tiêu chí phù hợp lứa tuổi, độ nổi tiếng hay giá cát xê mà quên cân nhắc sự thích hợp về mặt tư cách, lối sống. Nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu của trường học không chỉ đơn thuần là “biểu diễn nghệ thuật” mà có thể là những “thần tượng”, những người có sức ảnh hưởng lớn đến hành xử, lối sống của các em. Chính vì thế, cần thiết phải lựa chọn những người không chỉ tài năng, nổi tiếng mà còn có lối sống chuẩn mực, xứng đáng là tấm gương để xuất hiện trước các em.

Các tiết mục được dàn dựng tại các trường học cũng thế, không chỉ cần để ý đến tiết mục có vui, có sôi động, theo trào lưu, tạo hiệu ứng hay không mà cần cân nhắc có phù hợp lứa tuổi, có đem lại những giá trị tích cực cho học sinh, sinh viên hay không.

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã có những hoạt động giải trí ý nghĩa như tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống của dân tộc cho học sinh, sinh viên. Đơn cử hoạt động biểu diễn tuồng, chèo, cải lương, chầu văn cho giáo viên, học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn TP HCM trong những năm gần đây.

Nhiều trường học đã phối hợp với các sân khấu truyền thống để tổ chức cho học sinh xem những vở kịch lịch sử, dã sử nhằm giúp các em có tình yêu với lịch sử, văn học nước nhà…

Những hoạt động giải trí, văn nghệ tại trường học chính là cơ hội thiết thực để học sinh, sinh viên được thụ hưởng thêm nhiều giá trị về tinh thần, được học hỏi thêm kiến thức trong nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác, trau dồi thẩm mỹ, lối sống... Đừng lãng phí những cơ hội tuyệt vời ấy bằng những buổi biểu diễn theo trào lưu, phản cảm và “đầu độc” tâm hồn các em.

Trân Trân

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bieu-dien-van-nghe-trong-truong-hoc-dung-quen-gia-tri-tich-cuc-post459558.html