Biết tự ái thì phải biết thay đổi!

'Chúng ta phải 'tự ái' khi năng suất lao động của người lao động thành phố còn thấp so với khu vực, thế giới', là lời Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói tại Đại hội Công đoàn TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018-2023.

Nâng cao năng suất lao động sẽ giúp tăng trưởng (ảnh minh họa).

Trước sự “tự ái” này, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn phân tích nguyên nhân cũng như hiến kế không chỉ cho TPHCM.

Thấp gần nhất Châu Á

So với các tỉnh thành cả nước, TPHCM được xem là đầu tàu kinh tế, có năng suất lao động (NSLĐ) cao. Tuy nhiên theo PGS.TS Nguyễn Huấn (Trường Đại học Mở TPHCM), tốc độ tăng NSLĐ của TPHCM cũng xoay quanh từ 5 đến dưới 6% (năm 2015 là 5,85%; 2016 chỉ 5,63%; 2017 còn 5,3%). Năm 2017, mỗi một lao động đang làm việc tại TPHCM làm ra khoảng 11.000USD, thua xa các thành phố lớn ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Còn tính chung cả nước, theo GS.TS Nguyễn Thị Cành (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế-Tài chính thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM), NSLĐ của Việt Nam hiện thấp gần nhất khu vực Châu Á, chỉ bằng 7% mức NSLĐ của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% năng suất lao động của Philippines.

NSLĐ thấp là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh cách mạng 4.0 đang diễn ra trên diện rộng, đẩy Việt Nam đứng trước nguy cơ nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Việc sao nên người vậy!

Mổ xẻ nguyên nhân NSLĐ ở TPHCM nói riêng thấp, các chuyên gia cho hay, với đặc thù hơn 70% lao động cho các khu công nghiệp là thu hút từ các tỉnh, và thường xuyên biến động rất khó khăn để thực hiện kế hoạch đào tạo, cũng như chính sách hỗ trợ đào tạo. Điều này cũng có thể lý giải tại sao tỷ lệ công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp.

Mặt khác, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật của TPHCM chiếm trên 31% lực lượng lao động, trong đó gần 18% có trình độ đại học trở lên, số còn lại trên 13% là trình độ cao đẳng, trung cấp và kỹ thuật nghề, trong đó kỹ thuật nghề chiếm trên 7%. Như vậy cơ cấu trình độ lao động được đào tạo chưa phù hợp.

Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Thị Cành, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới NSLĐ TPHCM nói riêng và cả nước nói chung thấp, vẫn là mức độ tinh vi trong sản xuất kinh doanh của chúng ta quá thấp, chỉ xếp thứ 100/137 nước. Đầu tư cho công nghệ chỉ chiếm 0,5% doanh thu của doanh nghiệp, so với mức bình quân Châu Á là 2,5%". Chính “công việc” như vậy dẫn tới việc tuyển dụng và sử dụng người lao động cũng ở mức tương đương.

Đừng xem lao động giá rẻ là niềm tự hào

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Cành, lao động tăng không cao về số lượng nhưng nếu đảm bảo cao về chất lượng thì sẽ tăng hiệu quả và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, thúc đẩy tăng năng suất lao động phải xem là yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Giải pháp nào? GS.TS Nguyễn Thị Cành cho rằng TPHCM là trung tâm kinh tế có tiềm lực về khoa học. Vì vậy thành phố cần đi tiên phong trong cả nước để có chính sách đột phá đầu tư về khoa học công nghệ, khuyến khích thu hút những dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Đây cũng là biện pháp phát triển TPHCM theo hướng bền vững, đưa thành phố thực sự trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cao của vùng và cả nước.

Với lực lượng chiếm 70% lao động phổ thông làm việc trong các khu công nghiệp đến từ các tỉnh, thành khác, TPHCM cần phát huy vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đào tạo. Tức thành phố cần mở rộng liên kết với các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật nghề trên địa bàn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu phát triển các ngành kinh tế nói chung, các ngành công nghệ cao nói riêng.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp phải có chính sách tiền lương, thu nhập ổn định để thu hút lao động có tay nghề.
Còn PGS.TS. Nguyễn Thuấn thì thẳng thắn: “TPHCM cần dứt khoát với các dự án đầu tư sử dụng lao động nhân công giá rẻ, ưu tiên cho các dự án đầu tư công nghệ cao để tránh “cuộc đua xuống đáy về lao động giá rẻ” trong sự cạnh tranh với các tỉnh, thành khác”.

Theo kế hoạch tăng năng suất lao động xã hội của TPHCM, thành phố phấn đấu đến năm 2020, năng suất lao động xã hội bình quân của thành phố tăng trên 6,5%/năm. Để đạt được chỉ tiêu trên, UBND TPHCM đã yêu cầu các sở-ngành liên quan xây dựng đề án riêng, tập trung các giải pháp nâng cao năng suất lao động theo ngành, lĩnh vực; hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu hội nhập và chất lượng việc làm, năng suất lao động; có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ vào tổ chức quản trị, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo;cải tiến chính sách lao động, tiền lương, tiền công, xây dựng quan hệ lao động hài hòa; nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/dao-tao/biet-tu-ai-thi-phai-biet-thay-doi-616909.ldo