Biệt thự tiền tỷ HN ngập sâu: Nhà giàu nếm trái đắng

Do phần lớn các biệt thư ở phía Tây và Tây Nam Hà Nội được xây trên nền ruộng lúa, ao hồ trước đây là vùng trũng nên thường xuyên ngập úng.

Mưa lớn 1-2h là ngập úng

Cơn bão số 2 đã khiến nhiều khu đô thị thuộc xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) bị cô lập hoàn toàn. Có nhiều đoạn nước ngập sâu đến cả mét, cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn.

Theo ghi nhận của phóng viên Đất Việt, nhiều căn biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh dù mưa bão đã qua nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chìm trong biển nước. Nhiều đoạn đường dẫn vào khu dân cư bị ngập sâu đến 30 cm.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Thành Trung, một người dân thuê biệt thự để kinh doanh đồ nội thất trên đường Lê Trọng Tấn cho biết do khu vực xây dựng hệ thống thoát nước quá kém nên chỉ cần sau 1-2h mưa to là lại xảy ra tình trạng ngập lụt.

Các khu biệt thự tại khu vực đường Lê Trọng Tấn (xã An Khánh, Hoài Đức) ngập chìm trong nước. Ảnh: Nguyễn Hoàn

“Mấy ngày gần đây do ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên mưa khá nặng hạt. Do khu vực này trũng nên nước dồn hết xuống. Có đoạn hầm vẫn ngập đến 1 m. Dù chúng tôi đã huy động máy bơm để tát nước nhưng vẫn không thấm vào đâu được. Đường ngập sâu, mưa gió nên việc kinh doanh buôn bán hết sức ế ẩm.

Trước đây tôi cứ nghĩ khu vực này gần Thiên Đường Bảo Sơn sẽ được đầu tư phát triển mạnh trong tương lai nên mới thuê biệt thự làm cửa hàng kinh doanh. Giờ tôi chắc tính phải trả lại nhà để chuyển địa điểm khác mất”, anh Trung buồn bã nói.

Các con đường rẽ vào các khu biệt thự ngập chìm trong nước, có đoạn sâu tới 30-40 cm. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Cùng chung bức xúc, bà Lê Thu Trang, một cư dân khác cũng mệt mỏi với tình trạng ngập lụt triền miên mỗi khi mưa bão xảy ra tại khu đô thị này.

Theo bà Trang, phần lớn các biệt thự hiện nay trên trục An Khánh, Lê Trọng Tấn được xây trên nền ruộng lúa, ao hồ trũng được người dân canh tác trước đây. Tuy nhiên khi xây dựng có thể vấn đề thoát nước, chống ngập không được chủ đầu tư chú ý nên người dân dù bỏ tiền tỉ mua nhà, nhưng cứ mỗi khi mưa thì cuộc sống lại đảo lộn vì ngập nặng, cô lập.

“Nhiều hộ dân phải sử dụng tải cát, gỗ, các tấm thép để ngăn nước chảy vào hầm. Việc này kéo dài khiến cho việc đi làm, đưa đón con cái đi học gặp rất nhiều khó khăn”, bà Trang chia sẻ.

Bán nhà cũng không xong

Tương tự, tại khu đô thị Geleximco (Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội), tình trạng ngập lụt cũng khiến cuộc sống những người dân sống tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thậm chí, nhiều hộ không chịu đựng được cảnh trên đã phải rao bán nhà nhưng cũng không có mấy người quan tâm.

Chia sẻ với báo chí, chị Lê Ngọc Trang cho biết vì mưa ngập nên cả gia đình đã phải sơ tán đến nhà ông bà trước khi trời mưa.

Theo lời chị này năm trước mưa lớn cũng ngập nhiều lần rồi. Nhà chị cũng như bao nhà khác đều phải sắm máy bơm để hút nước tràn vào hầm khi mưa to.

“Tôi rao bán nhà, có nhiều người trả giá nhưng lại thôi không mua vì biết khu đô thị cứ mưa là ngập nước”, chị Trang cho hay.

Cảnh ngập úng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Ảnh: DT

Lý giải tình trạng một số khu đô thị mới ở phía Tây, Tây Nam TP.Hà Nội, nhất là ở quận Hà Đông, huyện Hoài Đức bị ngập úng khi mưa to, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định bản thân không quá ngạc nhiên.

Vị KTS cho rằng, do phần lớn các biệt thư được xây trên nền ruộng lúa, ao hồ trước đây là vùng trũng. Các chủ đầu tư mạnh ai nấy làm, công tác giám sát kém, không thực hiện đúng quy hoạch dẫn đến chỗ thấp, chỗ cao.

Đặc biệt theo ông Tùng, trong khi hạ tầng tiêu thoát nước chung của TP. Hà Nội còn kém thì việc chủ đầu tư chỉ làm nhà bán lấy tiền mà không dành diện tích đào hồ điều hòa, cứ dựa vào sông Nhuệ để tiết kiệm chi phí nên khi mưa to, đường thoát ra sông Nhuệ không đáp ứng được thì ngập úng là khó tránh khỏi.

Lấp rạch làm bất động sản, TP.HCM mưa là ngập

Tại TPHCM xuất hiện tình trạng doanh nghiệp đua nhau lấp rạch làm dự án với những cái tên như Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Mới, Công ty CP Vạn Phát Hưng, Công ty Riviera Point, Tổng kho xăng dầu Nhà Bè C… Những doanh nghiệp này đã có hành vi lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép.

Trước tình trạng nhiều kênh rạch bị lấn chiếm, hồi tháng 10/2015, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 150 quy định về quản lý, sử dụng hành lang bờ sông, kênh rạch, ngăn cấm triệt để việc san lấp, lấn chiếm sông rạch trái phép.

Riêng tại dự án Riviera Point, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục hậu quả bằng cách xây dựng một hồ điều tiết nước nằm trong dự án rộng gấp 1,2 lần diện tích đất rạch mà công ty này đã lấn chiếm, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy công ty này sẽ chấp hành chỉ thị của UBND thành phố.

Chia sẻ với Đất Việt, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM nhận định, nguyên nhân chính của việc ngập lụt tại TPHCM là do kênh rạch bị lấp. Chỉ tính trong 20 năm, thành phố đã mất 60% kênh rạch. Với những trận mưa cường độ vượt chu kỳ tràn cống thì nước chảy về đâu khi không có kênh rạch ao hồ?

Người dân thành phố đã quá thấm về chuyện hễ mưa là ngập, nhưng nhà đầu tư và một số quan chức có trách nhiệm quản lý vẫn chưa thấm.

Hoàng Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/biet-thu-tien-ty-hn-ngap-sau-nha-giau-nem-trai-dang-3339431/