Biệt thự cổ: cần lắm những cuộc 'giải cứu'

LTS: Sáng 27.11, hội thảo về không gian di sản với chủ đề 'Bảo tồn & phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM' do Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM và công ty cổ phần Minerva tổ chức, diễn ra tại TP.HCM. Hội thảo thu hút gần 30 chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn di sản trong nước và gần 10 chuyên gia, nhóm chuyên gia nước ngoài. Góp mặt và có bài tham luận gửi tới hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hậu nhận định: 'Hội thảo đặt ra việc bảo tồn 'không gian di sản' chứ không chỉ bảo tồn từng công trình đơn lẻ, đây là tín hiệu đáng mừng cho cảnh quan đô thị, hy vọng từ đây sẽ 'giải cứu' được những không gian di sản của Sài Gòn. Nếu 'không gian đô thị' được đánh giá đúng ý nghĩa và giá trị thì chúng ta đã không làm biến mất cảnh quan khu vực đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng…'. Người Đô Thị Online giới thiệu bài viết (*) của TS. Nguyễn Thị Hậu.

Biệt thự ở đô thị Việt Nam: kiến trúc kết hợp “Đông - Tây”

Vào khoảng đầu thế kỷ 20 tại hai đô thị lớn là Sài Gòn và Hà Nội, trong quy hoạch của người Pháp đã xuất hiện cảnh quan biệt thự trong “khu vực phố Tây”. Trong đó có khu hành chính (tòa thị chính, dinh thự công sở), nhà thờ, khu dinh thự tư gia, khu thương mại giải trí thượng lưu… tập hợp thành trung tâm của đô thị. Liền kề và xung quanh trung tâm là khu vực cư trú của công chức và những người giàu có thường là biệt thự… trước đây khu vực này được coi là “bộ mặt” của đô thị.

Nhà hát lớn - biểu tượng kiến trúc văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Flickr Kien Pham Trung

Nhà hát lớn - biểu tượng kiến trúc văn hóa đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Flickr Kien Pham Trung

Cảnh quan chung thì biệt thự kiểu châu Âu đều có một khoảng lùi nhất định so với lộ giới. Khu biệt thự gồm những đường phố quy hoạch theo ô vuông có vỉa hè rộng trồng cây xanh, hai bên là những ngôi nhà “kín cổng cao tường” từ mặt tiền vào đến các hẻm “xương cá” khá yên tĩnh. Biệt thự kiến trúc theo kiểu Pháp nhưng có một số yếu tố thích nghi với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của vùng nhiệt đới.

Vật liệu xây dựng bền vững và thường có xuất xứ từ châu Âu. Nội thất chia thành không gian cá nhân (phòng ngủ, phòng làm việc), không gian sinh hoạt chung (phòng khách, nhà bếp phòng ăn). Khu vệ sinh có trong từng không gian chức năng. Ngoài ra còn có nhà ngang, nhà sau là nơi ở của người phục vụ… Xung quanh nhà chính là sân vườn rộng rãi, có cây xanh thậm chí là cây lâu năm, có tường rào cao kín đáo.

"Không gian di sản đô thị có giá trị lớn về nhiều mặt, trước hết và lớn nhất hiện nay là giá trị “địa ốc”. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam cụ thể là các đô thị lớn thì đây là yếu tố quyết định sự “tồn tại hay không tồn tại” của không gian di sản và từng công trình di sản cụ thể."

TS. Nguyễn Thị Hậu

Ở các đô thị Nam bộ lại có một số công trình biệt thự kiến trúc kết hợp “Đông - Tây”. Đó là nhà ở của các điền chủ, thương nhân giàu có người Việt hoặc người Hoa. Những tòa nhà này thường được xây dựng ở ngoài khu vực trung tâm, khuôn viên có thể đến vài ngàn m2, diện tích xây dựng lớn... Đặc điểm chung là hình thức kiến trúc kiểu Pháp và vật liệu xây dựng bền vững, có thể kết hợp vật liệu gỗ, nội thất cũng kết hợp Đông – Tây khi bố trí không gian phù hợp với sinh hoạt và lối sống truyền thống của gia chủ như gian thờ, khu vực sinh hoạt của phụ nữ…

Ở TP.HCM cảnh quan biệt thự điển hình và có mật độ cao là khu vực đường Phạm Ngọc Thạch và đường Tú Xương ở quận 3, ngoài ra có rất nhiều biệt thự ở những con đường khác. Nhà cổ kết hợp Đông – Tây phổ biến ở “ngoại thành” nhưng nay còn không nhiều.

Biệt thự, nhà cổ: Từ thay đổi công năng đến bị đập bỏ

Do những biến động xã hội sau 1954 và sau 1975, ở cả Hà Nội và TP.HCM, nhiều biệt thự đã không còn là “biệt thự” vì bị thay đổi công năng và hình thức, biến thành những tòa nhà nhếch nhác, không gian nội và ngoại thất thay đổi tùy tiện nhằm phục vụ cho những sinh hoạt mới.

Các biệt thự từ sở hữu của tư nhân, phục vụ sinh hoạt một gia đình đã trở thành nhà tập thể của nhiều hộ gia đình, hoặc thành công sở văn phòng, có khi có những “hộ độc thân” sinh sống ở đó. Rồi dần dần không gian công sở và nhà ở xen lẫn nhau… Một giai đoạn dài đời sống khó khăn và lối sống tập thể “cha chung không ai khóc” là yếu tố trực tiếp, việc không nhận thức được giá trị của cảnh quan biệt thự như một loại hình di sản đô thị là nguyên nhân gián tiếp, cả hai chủ thể người sử dụng và người quản lý biệt thự đều không có ý thức giữ gìn bảo tồn nên đã làm biến đổi cảnh quan biệt thự theo hướng tiêu cực. Sự biến đổi này phản ánh tư duy quản lý đô thị và lối sống của một bộ phận dân cư chưa phù hợp với đô thị, chưa thực sự là thị dân.

Dinh Thượng Thơ được thiết kế với hình chữ U, mặt hướng ra đường Lý Tự Trọng, mang đậm nét kiến trúc Pháp. Công trình này đã hơn 130 năm tuổi và trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử Sài Gòn. Ảnh: Quý Hòa

Gần một thế kỷ qua, cần phải nhìn nhận một thực tế khách quan: Các công trình dân sinh như biệt thự, nhà cổ xây dựng giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX đến nay đã hư hỏng khá nhiều do không được kịp thời duy tu, sửa chữa, hoặc sửa chữa cơi nới không phù hợp, thậm chí có công trình đã hết hạn sử dụng. Mỗi khi có một công trình sắp bị phá hủy hay tháo dỡ là một lần dư luận lại lên tiếng.

Về phía chủ nhân công trình: cần giải quyết nhu cầu của gia đình, cần tháo dỡ để tránh nguy hiểm cho người sử dụng… Chính quyền địa phương nhiều khi cũng đồng ý cho xây dựng công trình mới phù hợp với quá trình hiện đại hóa đô thị.

Về phía cộng đồng, trong đó có những người dân từng có nhiều ký ức gắn bó với địa điểm, công trình, những nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc sư quy hoạch đô thị… lại mong muốn công trình được trùng tu, phục hồi để bảo tồn cảnh quan “hồn phố”, giữ được lịch sử đô thị cho nhiều thế hệ cư dân sau này.

Ở TP.HCM gần đây có trường hợp nhà cổ ở đường Nơ Trang Long, hiện đã phải tháo dỡ hoàn toàn. Trường hợp Biệt thự Phương Nam ở đường Võ Văn Tần cũng đang được dư luận và các nhà nghiên cứu hết sức quan tâm.

"Dung hòa hay thỏa hiệp thế nào giữa lợi nhuận mà giá trị địa ốc mang lại và giá trị lâu dài của di sản? Chìa khóa ở đây là quyền sở hữu và hệ thống luật pháp cho phép và tạo điều kiện để chủ sở hữu bảo tồn di sản, có thể có lợi nhuận từ di sản một cách bền vững."

TS. Nguyễn Thị Hậu

Biệt thự (và nhà cổ) ở các thành phố là một điển hình thường được dẫn ra khi bàn luận về đề tài bảo tồn di sản đô thị. Bởi vì hầu hết công trình này thuộc về sở hữu tư nhân, tức là giá trị kinh tế của đất, của nhà là của chủ sở hữu, nhưng giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của các công trình là di sản đô thị, nếu có giá trị đặc biệt thì còn là của quốc gia. Vì vậy, hơn mọi loại hình di sản văn hóa vật thể, nhà cổ và biệt thự thể hiện “mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển” rất khó dung hòa hay thỏa hiệp.

Khoảng hơn mười năm gần đây ở TP.HCM nhiều biệt thự đã được chuyển đổi sở hữu từ tập thể sang tư nhân. Chủ sở hữu (hoặc người thuê lại) xuất phát từ nhu cầu kinh tế, đã sửa chữa phục hồi khá nhiều biệt thự trở về cảnh quan và chức năng cũ là để ở, một số chuyển đổi công năng thành quán ăn, quán cà phê có trang trí nội thất kiểu “Sài Gòn xưa” hoặc theo lối Âu Tây… Sự thay đổi này mang lại sức sống mới cho từng ngôi biệt thự nhưng trên diện rộng “cảnh quan biệt thự” vẫn chưa được phục hồi. Do đó, một phần quan trọng của di sản đô thị, một tài sản và nguồn vốn lớn của đô thị đã chưa được chính quyền và cộng đồng nhận biết và sử dụng hợp lý.

Việc đánh giá giá trị hệ thống nhà cổ, biệt thự thời Pháp, như Hà Nội đã làm và TP.HCM đang làm, theo hệ thống tiêu chí cụ thể để phân loại bảo tồn hay không bảo tồn là rất cần thiết, nhưng rất khó khăn. Chưa nói đến tình trạng biệt thự xuống cấp nặng thì nhiều biệt thự đã chuyển đổi công năng, chuyển đổi hình thức sở hữu. Dù có được (hay “bị”) đưa vào diện bảo tồn thì cũng rất khó thực thi. Vì vậy nên chăng cần trả lại công năng của các công trình này như nó vốn có và hình thức quản lý, sở hữu phù hợp. Như vậy mới có thể bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời có thể khai thác tốt về giá trị kinh tế.

Ngôi biệt thự cổ có địa chỉ 237 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh. TP.HCM) bị tháo dỡ, đập bỏ. Ảnh: Độc lập

Cũng cần nhận thấy, diện tích đất của biệt thự khá lớn, thường ở vị trí trung tâm nên giá trị kinh tế rất cao, vì vậy chủ sở hữu thường muốn được xây dựng cao tầng hoặc sang nhượng... Cho nên bảo tồn biệt thự nói riêng và bảo tồn di sản nói chung phụ thuộc nhiều chính sách quản lý và giá trị đất đai, nhất là khi sự nhận thức về di sản đô thị còn hạn chế.

Mặt khác, một số biệt thự hiện nằm lọt trong khu vực mà những ngôi biệt thự xung quanh đã được cải tạo thậm chí đập bỏ, xây mới… Việc bảo tồn lại càng khó khăn. Điều này cho thấy bảo tồn di sản văn hóa đô thị không chỉ nhằm vào một vài công trình mà cần có cái nhìn rộng hơn: bảo tồn một cảnh quan, một không gian của đô thị. Có như vậy giá trị văn hóa chung của cả khu vực mới được nâng cao, từ đó nâng cao giá trị kinh tế.

Hai trường hợp, một phương thức bảo tồn biệt thự

Trường hợp Cung điện Schaffgotsch tại thành phố Wroclaw (Ba Lan): Wrocław là thủ phủ của tỉnh Dolnośląskie ở Tây-Nam Ba Lan, nằm bên sông Odra. Thành phố có khoảng 1 triệu dân. Trong lịch sử nơi này từng chịu ảnh hưởng văn hóa của người Bohemia, người Áo và người Phổ. Điều đó đã tạo nên những nét đặc sắc của thành phố nhất là trong kiến trúc. Là một thành phố du lịch nhưng Wrocław có nhịp sống yên bình nên nó được người Ba Lan và khách du lịch rất yêu thích.

Trên trang online của báo Gazeta Wrocławska (Ba Lan) ngày 20.10.2012 có đưa tin “Người Việt đã mua Cung điện Wroclaw”. Bài báo cho biết đây là một trong những di tích lớn nhất trước chiến tranh ở thành phố Wroclaw. Cung điện Schaffgotsch còn phổ biến với tên gọi "Pałacyk" đã có một chủ sở hữu mới là một người Việt Nam.

Cung điện – biệt thự Schaffgotsch của một người thuộc dòng họ Hans Ulrich von Schaffgotsch được xây dựng vào những năm 1890. Trên cơ sở một tòa nhà có từ năm 1862, công trình được thiết kế và mở rộng trở thành một cung điện theo phong cách Phục hưng, với một tháp chính, nhiều cửa sổ hình vòm và cửa sổ tầng áp mái... Mặt tiền được ốp gạch đỏ với các chi tiết bằng đá sa thạch trắng, phía sau cung điện có một sân trong nối với một khu vườn rộng thiết kế theo phong cách Anh.

Chủ nhân – người xây dựng cung điện đã qua đời năm 1915. Sau đó công trình trở thành tài sản của thành phố Wrocław. Trong hai cuộc chiến tranh tòa nhà bị hư hại, thành phố đã sửa chữa, trùng tu lại và được sử dụng cho mục đích văn hóa, dịch vụ… Cho đến năm 2012 tài sản này được bán cho một công ty của người Việt. Có lẽ đây là trường hợp đầu tiên người Việt sở hữu một công trình có giá trị cao, tuy quy mô không lớn nhưng có nguồn gốc và là một di tích lịch sử và văn hóa.

Cung điện Schaffgotsch. Ảnh: TL

Cung điện Schaffgotsch nằm trên một con đường nhỏ nhắn và yên tĩnh ngay sát trung tâm thành phố. Khuôn viên trước kia có hai “mặt tiền”: phía cổng chính là đường phố, phía sau là một khu vườn lớn, ngày nay trở thành một công viên của thành phố. Sau hai lần trùng tu nhưng cung điện vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc như ban đầu. Sân trước và sân trong còn nguyên những viên đá lát từ cuối thế kỷ 19. Sảnh chính và cầu thang, những hành lang, từng tầng và các phòng ở mỗi tầng về cơ bản đã được trả lại cấu trúc ban đầu, sau một thời gian dài cũng bị tình trạng cơi nới, chia nhỏ cho những nhu cầu khác nhau.

Hành trình phục hồi và trùng tu của cung điện này – theo lời người chủ sở hữu – đã bắt đầu ngay sau khi hoàn tất thủ tục mua bán. Khởi đầu là cam kết “công trình sẽ không bị đập phá hay thay đổi, mà sẽ được trùng tu, tôn tạo để trở về hình thức kiến trúc đẹp nhất của nó, dù nó được sử dụng với bất cứ chức năng nào”. Chủ sở hữu đã thực hiện rất nhiều công việc và tiêu tốn nhiều kinh phí, sức lực nhưng cho đến nay vẫn đang đầu tư sửa chữa chứ chưa thể thu lợi nhuận từ công trình.

Bắt đầu từ việc cải tạo hệ thống mái công trình, vì làm bằng gỗ nên bị hư hỏng nhiều. Rồi đến hạ tầng đã bị xuống cấp nặng nề: hệ thống điện, nước, khí đốt, sưởi ấm, nhà vệ sinh, nước thải... hầu như phải làm mới toàn bộ. Việc cải tạo sửa chữa này đã hạn chế hư hại đồng thời để có thể sử dụng ngay một phần tòa nhà.

Cùng lúc đó bắt đầu nghiên cứu đánh giá tình trạng tổng thể, tình trạng từng khu vực, từng bộ phận kiến trúc, thậm chí từng chi tiết trang trí. Chủ sở hữu được cơ quan quản lý di sản của Ba Lan cung cấp hồ sơ về nguồn gốc và việc trùng tu tòa nhà trước đây, giới thiệu chuyên gia đến xem xét, khảo sát và đánh giá tình trạng công trình... Rồi từ đó tư vấn phương án trùng tu nào hiệu quả nhất trên nguyên tắc bảo tồn tối đa những gì giữ được, trùng tu với sự cẩn trọng và khoa học nhất có thể.

"Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị thì trước hết những di sản ấy phải được tồn tại và được tích hợp những giá trị vật chất và tinh thần."

TS Nguyễn Thị Hậu

Đặc biệt, khi biết được xuất xứ vật liệu xây dựng, nhất là gạch lát nền, là sản xuất từ một nhà máy tại Đức, cơ quan quản lý di sản đã giới thiệu chủ đầu tư liên hệ với nhà máy đó. Sau khi người của nhà máy đến khảo sát, nhà máy đã quyết định phục hồi cả một dây chuyền sản xuất loại gạch từ thế kỷ 19 để cung cấp cho công trình.

Với những vật liệu khác cũng vậy. Trong cung điện có khá nhiều bộ phận bị mất hay thay đổi so với ban đầu: hàng loạt tranh tường bị sơn phủ nhiều lớp, một số tác phẩm điêu khác bị tháo dỡ hoặc xây che chắn lại, cầu thang bằng gỗ có lan can sắt uốn hoa văn đẹp đẽ nhưng phần trên đã bị cưa mất, thay thế bằng những thanh sắt xấu xí và đơn điệu, những chum đèn pha lê cổ xưa biến mất... Chưa kể nhiều phòng trong cung điện bị cơi nới, tranh, thảm hay cửa hư hỏng nặng...

Hiện nay công việc trùng tu cung điện Schaffgotsch vẫn đang tiếp tục. Một phần tòa nhà đã trùng tu được cho thuê làm văn phòng hoặc cửa hàng dịch vụ với điều kiện: phải giữ nguyên trạng cấu trúc, cửa hàng phải thiết kế phù hợp với kiến trúc trang trí của tòa nhà. Điều này đã được những người thuê tôn trọng và thực hiện đúng, vì việc một cửa hàng thương mại hay dịch vụ ở trong một cung điện, lâu đài là đã được nâng thêm giá trị văn hóa bên cạnh giá trị kinh tế.

Bỏ một nguồn vốn có thể nói là rất lớn cho một việc không thu lại “tiền tươi thóc thật” ngay nhưng chủ đầu tư vẫn yên tâm, thái độ đó chỉ có được trong môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh và minh bạch về luật pháp. Sau đó, dù sử dụng như thế nào cũng được sự ưu đãi từ một số chính sách của chính quyền, trong đó có ưu đãi về thuế vì việc trùng tu công trình đã góp phần bảo tồn di sản văn hóa cho thành phố.

Trường hợp biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM): Do một nguyên nhân quan trọng là từ những biến cố lịch sử mà quyền sở hữu tư nhân, quyền sử dụng nhiều nhà ở (nhà cổ, biệt thự, kể cả nhiều tài sản lớn khác) ở nước ta bị xóa bỏ, thay đổi… Những chủ nhân mới hoặc phá hủy, hoặc thay đổi chức năng công trình, chỉ một phần nhỏ được duy trì chức năng nhà ở, nhưng cũng chỉ duy trì được “một đời”, thế hệ con cháu cũng chia năm sẻ bảy hoặc bán đi, việc duy trì bảo quản hầu như không có… Vốn tài sản biệt thự, dinh thự có tuổi đời… ngày càng hiếm hoi.

Biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần. Ảnh: N.H - Thanh Niên

Biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần ( biệt thựPhương Nam) là một trường hợp tránh được tình trạng “cha chung” đã nói trên. Cho đến khi sang nhượng cho chủ nhân hiện nay công trình vẫn thuộc sở hữu tư nhân và chỉ có một gia đình sinh sống ở đó, mặc dù trong khuôn viên có xây thêm vài công trình phụ sử dụng cho mục đích khác. Đây là một tòa biệt thự nổi tiếng bởi quy mô to lớn nằm trọn một góc phố giáp 3 con đường, kiến trúc đẹp và khá “bí hiểm” về nguồn gốc.

Qua tham quan thực địa và trao đổi cùng những người phụ trách dự án, tôi nhận thấy quy trình khảo sát để lập kế hoạch, phương án trùng tu công trình và dự kiến công việc tiếp theo được thực hiện khoa học, bài bản: tài liệu về ngôi nhà và chủ nhân, kể cả lịch sử khu vực Chợ Đũi (nơi tọa lạc công trình) đều được thu thập tại Trung tâm lưu trữ quốc gia ở TP.HCM và tại Pháp.

Việc tìm hiểu những lần chuyển đổi sở hữu, những “biến cố” trong cuộc đời người từng làm chủ tòa nhà... được coi là cơ sở để tìm hiểu các niên đại sửa chữa công trình, so sánh đối chiếu để tìm ra những yếu tố “gốc” vì ngôi biệt thự đã trải qua gần trăm năm.

Cảnh quan tự nhiên và bối cảnh xã hội, hoàn cảnh của chủ nhân, nền văn hóa mà chủ nhân thuộc về, lối sống, nhu cầu của chủ nhân và gia đình… đều là cơ sở quan trọng để nảy sinh ý tưởng khi xây dựng công trình mới.

Từ đó kiến trúc sư sẽ cụ thể hóa bằng thiết kế theo nguyên tắc khoa học xây dựng và nghệ thuật kiến trúc, biến ý tưởng thành một tác phẩm “đúng là của chủ nhân” đồng thời mang hơi thở của thời đại. Đặc biệt việc tìm hiểu “triết lý” của thiết kế kiến trúc chính là ý tưởng của chủ nhân khi xây dựng tòa nhà này. Đây là một điều kiện đặc biệt để có thể trùng tu thành công nếu phục dựng được “hồn vía” của công trình.

***

Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị thì trước hết những di sản ấy phải được tồn tại và được tích hợp những giá trị vật chất và tinh thần. Hãy còn quá sớm để nói về việc thực hiện và kết quả việc trùng tu Cung điện Wroclaw ở Ba Lan và biệt thự Phương Nam ở Việt Nam. Tuy nhiên, khởi đầu từ ý tưởng bảo tồn, sự chuẩn bị hồ sơ, tài liệu nghiêm túc, khoa học cho việc trùng tu, sự đầu tư dài hơi và việc xác định “không thể thu lợi nhuận ngay và luôn” từ công trình chính là sự lựa chọn cần thiết và rất đáng trân trọng của chủ sở hữu.

Tạm đưa ra vài nhận xét về hai trường hợp trên:

Cả hai công trình có niên đại gần nhau (cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20), hiện thuộc sở hữu tư nhân nhưng đều có giá trị là di sản đô thị. Cung điện Wroclaw ở Ba Lan đã được công nhận là di sản và chịu sự chi phối của các luật lệ liên quan. Biệt thự Phương Nam ở TP.HCM chưa nằm trong danh sách xếp hạng di tích nhưng trong danh sách đánh giá, phân loại biệt thự (với những tiêu chí của TP.HCM thì biệt thự xếp loại 1).
Chủ sở hữu công trình là tư nhân, đều có ý thức giữ gìn, bảo tồn công trình, có nguồn lực kinh tế đáp ứng việc trùng tu, bảo tồn.

Những điều kiện quan trọng: có Tâm với di sản (văn hóa, lịch sử), có Tầm tri thức nhìn nhận giá trị di sản và có Lực về tài chính để bảo tồn và khai thác bền vững. Ba yếu tố này kết hợp sẽ mang đến hiệu quả: trùng tu và bảo tồn công trình một cách khoa học, nghiêm túc, cho nó một/nhiều công năng mới phù hợp cũng chính là tích lũy giá trị cho di sản văn hóa, bao gồm cả giá trị kinh tế; và có thể công trình sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa của cộng đồng.

Chuẩn bị và thực hiện kế hoạch dự án một cách khoa học, phù hợp với đối tượng trùng tu, bảo tồn. Có được sự tư vấn giúp đỡ của cơ quan chức năng, chuyên gia. Chủ đầu tư tôn trọng nguyên tắc khoa học và tham góp của chuyên gia.
Việc sử dụng sau khi trùng tu: Tùy thuộc vào chủ đầu tư nhưng nếu sử dụng như một công trình – thiết chế văn hóa thì phù hợp nhất! (Bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng cổ vật, Bảo tàng về lịch sử của công trình: chủ nhân, quá trình xây dựng, trùng tu, những sự kiện của công trình...) có thể kết hợp thương mại dịch vụ phù hợp: shop hàng lưu niệm cao cấp, quán cà phê, ăn nhẹ... Nến có không gian cho sinh hoạt cộng đồng như phòng tổ chức sự kiện... Lợi nhuận không phải là mục tiêu tối cao mà coi “di sản - tài sản xã hội” là mục đích quan trọng nhất.

Về lâu dài, bảo tồn biệt thự ở TP.HCM có lẽ cần bắt đầu từ các biệt thự đang được sử dụng làm công sở, vai trò của chính quyền không chỉ là quản lý mà còn là thực hiện công tác bảo tồn di sản đô thị ngay từ công sản nhà nước đang sử dụng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo và bảo tồn. Mặt khác, là công sở nên mức độ hoạt động cao, đây cũng là một trở ngại cho quá trình trùng tu có thể kéo dài và cần có thời gian, không gian để tiến hành cẩn thận, khoa học, tránh những sai lầm làm tổn hại đến công trình.

"TP.HCM cần nhận thức rằng, di sản đô thị, di sản văn hóa cũng là một giá trị lớn bên cạnh nguồn lực kinh tế mà thành phố đóng góp cho cả nước"

TS. Nguyễn Thị Hậu

Do đó, nên chăng, bán đấu giá những công trình biệt thự có giá trị “di sản đô thị” đang sử dụng làm công sở không phù hợp, lấy tiền cho công quỹ, đưa công trình sang sở hữu tư nhân (hoặc các công ty du lịch mua càng tốt) thì khả năng về “vốn” cho trùng tu bảo tồn có thể đáp ứng, nhưng phải kèm theo điều kiện – giống như nhiều nước đã làm – là người mua công trình chỉ có thể trùng tu, bảo tồn và bảo vệ di sản, không được phá hủy. Có thể sử dụng công trình với công năng mới nhưng nhà nước khuyến khích sử dụng cho mục đích văn hóa, được một số ưu đãi để chủ sở hữu có thể duy trì bảo tồn công trình.

Đi cùng với việc này là sự hoàn thiện luật lệ liên quan, sự liên kết đồng bộ của các cơ quan chức năng quản lý hành chính và chuyên môn, sự đồng thuận giữa chủ sở hữu, nhà đầu tư với nhà quản lý về mục đích trùng tu, bảo tồn và sử dụng công trình…

Ở bất cứ khu đô thị mới nào cũng được quy hoạch không gian dành cho biệt thự. Vậy tại sao vùng đô thị cũ lại không thể gìn giữ cảnh quan biệt thự? Nhà ở – số lượng và loại hình – còn là một “dấu hiệu” để nhận biết sự phát triển của xã hội, sự đa dạng và chất lượng dân cư.

Đặc biệt, bảo tồn cảnh quan biệt thự trong hệ thống kiến trúc cổ còn là một dấu chỉ về giá trị lịch sử của đô thị.

TS. Nguyễn Thị Hậu

(Chuyên gia khảo cổ học; Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP. HCM)

_____________

* Tựa và tít bài do tòa soạn biên tập.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/biet-thu-co-can-lam-nhung-cuoc-giai-cuu-16392.html