'Biệt thự 20 tầng' của ông bí thư

Nếu chỉ đưa vào một chiếc máy xúc thì chỉ vài tiếng là xong, là tan hoang hết, là quá đơn giản. Ông bí thư huyện Sóc Sơn dù nhận lãnh gạch đá 'đủ xây nhà 20 tầng', nhưng ít ra ông cũng đã bảo vệ một suy nghĩ rất tình rằng: 'Phá công trình Việt phủ Thành Chương đi rất phí là đúng, bởi mình không thể vô cảm, phải có sự nhìn nhận'.

Một góc Việt phủ Thành Chương. Ảnh: LĐ.

Cách đây vài hôm, Việt phủ Thành Chương được nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể lại từ cái “cội”: vùng đất cằn cỗi không cây nào mọc được, không dân nào canh tác nổi, chỉ toàn đá sỏi.

Rồi với biết bao tiền của và tâm huyết, bền bỉ suốt cả chục năm, một quần thể di sản được dựng lên với “ăm ắp hồn quê xứ Việt”.

Có lẽ vì thế có thể chia sẻ với Bí thư huyện Sóc Sơn Phạm Xuân Phương khi ông nói “phá là rất phí”. Không chỉ vì cái sự “cực kỳ hiếm”, sự “duy nhất”, mà ở đây còn là sự cân đo, là thái độ.

Lập tức quan điểm của ông đã nhận “gạch đá” đủ xây nhà 20 tầng! Bởi cách dễ nhất mà nhiều người sẽ lựa chọn trong trường hợp này: Chém gió thật mạnh, hô thật to - nương theo dư luận - rồi đâu lại vào đó, như đã từng - không chỉ ở Sóc Sơn.

Song dù gì thì cũng phải tuân thủ luật pháp. Với trường hợp này xin nghiêm túc đặt ra một câu hỏi: “Phá để được gì?”.

Và câu trả lời thật ra là rất rõ ràng: Cái được là duy trì trật tự xây dựng! Duy trì kỷ cương phép nước.

Nếu như một vị tướng không thể nhân danh sao vạch để xây biệt thự trong rừng cấm, nếu một quan chức không thể lấy cái ghế để đảm bảo ngôi biệt phủ trái phép, thì một nghệ sĩ cũng không thể nhân danh văn hóa để xây trái phép trên đất rừng.

Đó không chỉ là lẽ công bằng cho dân, mà đó còn là kỷ cương, phép nước.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/biet-thu-20-tang-cua-ong-bi-thu-644925.ldo