Biết tận dụng cơ hội, sẽ thành công

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác sẽ gặp những thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng những ưu thế sẵn có cũng như vận hội mà thời cuộc mang lại, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá.

Ảnh Internet

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Cuộc cách mạng này mang đến cho Việt Nam nhiều thách thức như nguy cơ tụt hậu xa hơn; lao động chi phí thấp không còn là lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, chậm đổi mới công nghệ phải thu hẹp sản xuất…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lao động giá rẻ sụt giảm dần về giá trị, trước đây chiếm 20% trong giá trị cấu thành sản phẩm nhưng giờ chỉ còn khoảng 5%. Các ngành tham gia vào chuỗi cung ứng lớn trên thế giới ngày càng đòi hỏi lao động với trình độ cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định. Hiện tại, chúng ta đang có một nền tảng Chính phủ điện tử khá tốt, công nghệ thông tin trong nước phát triển về cả hạ tầng và năng lực sản xuất phần mềm. Đó là hành trang tốt để Việt Nam bước vào "cuộc chơi" mới.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ thông tin phải bật lên, đi trước đón đầu. Trong khi đó, chúng ta đang có một nền tảng công nghệ thông tin tương đối tốt với nguồn nhân lực có trình độ. Đây là cơ hội cho Việt Nam xây dựng ngành công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn, từ đó lan tỏa trong nền kinh tế.

Để chủ động tận dụng cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án huy động nguồn lực; tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp này. Bộ KH&CN đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành, góp ý hoàn thiện bản dự thảo trình Thủ tướng về vấn đề này.

Trong dự thảo báo cáo, có 8 vấn đề được đề cập liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Đặc điểm, các xu hướng công nghệ đặc trưng, đánh giá tác động, kinh nghiệm ứng phó của các nước...

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/biet-tan-dung-co-hoi-se-thanh-cong-83905.html