Biệt phủ quan lớn và lòng tin dân nghèo

Nói về tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ, Chủ tịch Hồ chí minh chỉ rõ: 'Khi cất nhắc cán bộ cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không'. Thế nhưng, việc biệt phủ của nhiều cán bộ xuất hiện từ Nam ra Bắc thời gian qua khiến cho dư luận quần chúng không khỏi bất bình.

Biệt phủ hoành tráng ở huyện Bình Chánh.

Đồ sộ, sa hoa, lộng lẫy

Năm 2011, dư luận cả nước xôn xao trước khu dinh thự hoành tráng có giá hàng chục tỷ đồng tọa lạc tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, trên khu đất rộng hơn 16.000m2.

Nằm giữa khu dân cư thưa thớt, căn biệt thự được thiết kế với cổng sắt, tường rào bao quanh xen họa tiết rồng bay, mặt trống đồng tinh xảo, có tổng diện tích sàn 1.226,61 m2; cao 3 tầng với chiều cao là 19,96 m... Thời điểm được báo chí thông tin, ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ (khi đó đã về hưu) đang ở trong căn nhà này.

Trước những nghi vấn về khối bất động sản đồ sộ của mình, ông Trần Văn Truyền đã khẳng định với báo giới rằng, ông chỉ có một căn biệt thự tại quận 9, TP HCM cũng do người em gái nuôi góp vốn xây dựng trên nền đất của mẹ nuôi để lại. Biệt thự này xây làm 3 tầng lầu, treo camera chống trộm, có biển đề phòng chó dữ...

Cách mảnh đất Bến Tre hàng ngàn cây số, ở Yên Bái - một tỉnh vùng Tây Bắc còn nghèo, cũng chấn động trước thông tin về“biệt phủ”của ông Phạm Sỹ Quý, ở phường MinhTân, TP Yên Bái. Ông Quý là giám đốc SởTài nguyên - Môi trường của tỉnh này.

Khu biệt phủ bao gồm hồ nước, cầu dây văng, sân chơi thể thao cùng nhiều công trình phụ trợ đang xây dựng nằm lọt thỏm giữa những quả đồi xanh mát trên diện tích 13.000m2. Những ngày qua, người dân cả nước lại một lần nữa được chiêm ngưỡng một "biệt phủ" hoành tráng tại trung tâm huyện Bình Chánh (TP.HCM) được nghi là của một nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Trí, thị trấn Tân Túc.

Thanh tra ra hàng loạt sai phạm

Ngày 21/11/2014, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã có thông cáo về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ôngTrần Văn Truyền, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Ủy ban Kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại 6 căn nhà và đất.

Cụ thể, thửa đất tại số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương; nhà số 06 Lê Quý Đôn, phường 1, (TP Bến Tre, Bến Tre), nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TP HCM; nhà công vụ tại số 61, đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; nhà biệt thự tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, nhà số 465/48C, khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9, TP HCM.

Qua đó, chỉ ra hàng loạt sai phạm của người từng đứng đầu Thanh tra Chính phủ.

Sau gần 4 tháng thanh tra, ngày 23/10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ký ban hành kết luận thanh tra việc quản lý xây dựng khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái cũng như việc kê khai tài sản liên quan đến khu đất này.

Qua thanh tra cho thấy trong 6 hồ sơ mà UBND TP Yên Bái cho phép bà Huệ - vợ chồng Quý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở với tổng diện tích hơn 13.000 m2, cơ quan chức năng, UBND TP Yên Bái đã không thẩm định nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở.

Về việc chấp hành pháp luật của ông Phạm Sỹ Quý liên quan đến khu đất tại tổ 42, tổ 52, phường Minh Tân TP Yên Bái, qua thanh tra, đối chiếu với bản kê khai tài sản thu nhập năm 2014 của ông Quý thì giám đốc sở này đã không kê khai 1.200 m2 đất ở, 59.597,5 m2 đất nông nghiệp bà Huệ đứng tên, không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỉ đồng và nhiều sai phạm khác.

Quy trình ở lòng dân

Quay trở lại căn biệt thự tại xã Sơn Đông, TP.Bến Tre, thời điểm được kiểm tra mang tên đại úy Trần Hoàng Anh (SN 1981, con trai ông Trần Văn Truyền, công tác tại Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Bến Tre).

Câu hỏi, một đại úy giao thông trẻ tuổi lấy tiền đâu ra xây dựng dinh cơ hoành tráng này được trả lời rằng:“nguồn kinh phí để xây dựng là tiền của vợ chồng ông Trần Văn Truyền dành dụm và 4 tỷ đồng đi mượn”.

Còn với khu biệt phủ mang tên người vợ, ông Phạm Sỹ Quý có phát ngôn không thể “ấn tượng” hơn: “Huệ đúng là vợ tôi, nhưng đất không phải của tôi...”, “gọi là biệt phủ nghe ghê chết, nhà tôi nhìn thế thôi chứ chỉ bằng 2 mét đất ở Hà Nội”, “Quá trình thời thanh niên, tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội..”,“từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, giá đỗ...”.

Đối với công trình "biệt phủ" tọa lạc trên khu đất ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) được xác định là có tổng diện tích hơn 2.363m2 là đất ở đô thị.

Người đứng tên trên giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất là Nguyễn Phước Thiên Anh (SN 1995, hộ khẩu 2C, đường Phạm Hữu Chí, P.12, Q.5, TP.HCM). Công trình có đầy đủ giấy phép hợp pháp, hoàn thành vào tháng 1/2017.

Có 1 điểm chung của cả ba “biệt phủ” nói trên là đều mang tên vợ, con chứ không hề mang tên ai đó là cán bộ -“công bộc”của dân.

Từ điển Tiếng Việt (Việt Ngôn ngữ học) định nghĩa: “biệt” là “rời, lìa người hoặc nơi nào đó có quan hệ gắn bó thân thiết, để bắt đầu sống xa nhau”.

Dân là gốc của mọi chính quyền nhưng khi làm quan, người ta lại bắt đầu sống xa dân,“tách biệt” với dân... Và để kết thúc bài viết, xin trích lại ở đây 1 đoạn kết luận của UBKTTƯ đối với ôngTrần Văn Truyền để mỗi cán bộ soi chiếu:“... (việc) xây dựng công trình biệt thự lớn trong khuôn viên đất rộng, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; gây phản cảm và tạo dư luận xấu, lan rộng trong xã hội.

Việc làm trên... thể hiện sự thiếu cân nhắc thận trọng và thiếu gương mẫu trong thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng; vi phạm hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra trung ương về những điều đảng viên không được làm”.

Hà Giang

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/biet-phu-quan-lon-va-long-tin-dan-ngheo-d56288.html