'Biết người, biết ta' trong cuộc sống gia đình

Khi sự khác biệt tính cách giữa 2 giới xuất hiện trong 2 vợ chồng thì cuộc sống gia đình không thể không bị ảnh hưởng

Gần đây, từ tựa đề một quyển sách, người ta hay nhắc tới "đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim" nhằm lý giải sự khác biệt này, để mà phải chấp nhận nó thôi! Khác biệt tính cách giữa 2 giới tạo nên một sự gắn kết, sự hỗ trợ, sự bổ sung hiệu quả trong nhiều mặt của đời sống… Đôi khi sự khác biệt này còn đem lại sự hấp dẫn về giới.

Chuyện nhỏ cũng khó chấp nhận!

"Anh ở dơ kinh khủng", "Em ở sạch quá thì có"… là những câu được nhắc đi nhắc lại trong mỗi cuộc cãi vã của vợ chồng Sơn - Hoa. Mà chuyện cũng không có gì là to tát. Sơn đi công việc vội, mang cả giày chạy lên lầu; tối đi nhậu về muộn, lười tắm, không đánh răng; ngủ dậy trễ không kịp ủi quần áo, nhân tiện mặc luôn bộ hôm qua... Những điều tưởng chừng như là bình thường với cánh đàn ông, hơi luộm thuộm, hơi cẩu thả một chút thì đối với Hoa - vợ Sơn - là những điều không thể chấp nhận được.

Từ nhỏ, Hoa đã luôn được mọi người trong nhà phong là "đệ nhất ở sạch", tắm gội, giặt giũ, vệ sinh cá nhân là việc quan trọng mà cô dành khá nhiều thời gian cho nó trong ngày. Đi làm về đến nhà, cái nhìn đầu tiên của Hoa là hướng về... kệ giày dép, xem có ngay ngắn hay không, sau bữa ăn tối luôn là lau chùi, dọn dẹp nhà cửa cho đến khi đi ngủ. Kể cả quần áo ngủ cũng luôn được Hoa là ủi phẳng phiu. Cho nên, Hoa luôn rất tự hào là ai đến thăm cũng phải tấm tắc khen nhà cửa quá gọn gàng, sạch sẽ. Đó cũng từng là niềm hãnh diện của anh Sơn với bạn bè đồng nghiệp cũng như với mẹ và em gái.

Tuy nhiên, cũng chính niềm hãnh diện này, sau hơn 2 năm chung sống, lại làm cho Sơn thấy khổ sở. Từ đó, vợ chồng cứ cãi vã nhau, giận dỗi nhau với cường độ và nhịp độ ngày càng tăng.

Còn anh Tường lại rơi vào một hoàn cảnh khó xử khác. Anh có chút đắn đo khi chia sẻ: "Cô ấy toàn nghĩ xấu cho người khác". Đi du lịch cùng cơ quan chồng, thấy một đồng nghiệp nữ của chồng vui vẻ, hoạt bát với mọi người và ăn mặc khá thoáng, vợ anh nói luôn: "Mấy cô này như thế là không đàng hoàng, lẳng lơ, anh không nên giao tiếp với họ". Phải thừa nhận rằng vợ anh Tường là một phụ nữ hết sức nghiêm túc và được đánh giá cao trong công việc. Tư duy khá logic, chặt chẽ cộng với một nền tảng giáo dục tốt, chị cũng được đánh giá cao trong nhiều mối quan hệ. Có lẽ những điều này làm cho người phụ nữ dễ thấy mình chỉ có "từ đúng trở lên". Từ một câu chuyện nhỏ trên báo, một sự kiện được đưa trên bản tin thời sự cũng có thể làm cho hai vợ chồng cãi nhau.

Chuyện nhỏ thành chuyện lớn, chuyện lớn thành chuyện phức tạp. Càng ngày hai con người tưởng chừng như tâm đầu ý hợp hơn 15 năm trước, giờ đây như nước với lửa, lửa lúc nào cũng sẵn sàng bùng lên, nước lại luôn trong tư thế "sẵn sàng chiến đấu", dập tắt lửa bất cứ lúc nào.

Cân bằng lửa - nước

Ngay từ thời cổ đại, các nhà khoa học đã có quan niệm đất, nước, lửa, khí là những yếu tố cấu thành nên thế giới, thiếu một trong số đó, thế giới, kể cả con người, không thể tồn tại. Trong mỗi gia đình, không cần phải là nhà khoa học, ai cũng có thể nhận thức rõ "cúp nước" và "mất lửa" thì sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, đến cuộc sống như thế nào. Vậy thì làm thế nào để nước và lửa chung sống hòa bình với nhau?

Trước hết, cần phải thừa nhận rằng sự khác biệt về các phẩm chất tâm lý của mỗi người là một quy luật mang tính tất yếu. Hai chủ thể xuất thân từ hai gia đình với những truyền thống khác nhau, chịu những tác động giáo dục khác nhau, có cả một quá trình trưởng thành khác biệt thì làm sao có thể đòi hỏi tìm thấy một nửa giống mình hoàn toàn. Từ xưa, ông bà mình đã chỉ rõ những sự khác biệt này "Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu".

"Biết người, biết ta" là bài học luôn mới cho mỗi người khi muốn dung hòa với người bạn đời của mình. Đôi khi người ta dành quá nhiều thời gian để tìm hiểu và ứng phó với người kia mà không còn để tâm đến việc tìm hiểu chính mình. Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của nhau, cùng nhau hỗ trợ để phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của chính mình, cùng nhau ngày càng hoàn thiện hơn trong mắt nhau thì có lẽ không thể có con virus nào có thể xâm nhập pháo đài hôn nhân được. Muốn vậy, mỗi người cũng cần có thiện chí với nhau, trên cơ sở tình yêu thương để dễ dàng nhận ra những cái hay, cái đẹp, cái đáng yêu của người kia.

Nghĩ đến mục tiêu chung, luôn tâm niệm hướng đến mục tiêu xây dựng hôn nhân bền vững thì không khó khăn gì để "chín bỏ làm mười". Đồng thời, một khi cái tôi cá nhân quá lớn, lớn đến mức che lấp cả cái chung này thì khó có thể giữ cho gia đình yên ả. Như vậy không chỉ dung hòa với thành viên khác trong gia đình, mỗi người còn cần phải biết dung hòa giữa cái riêng với cái chung vì lợi ích của cả nhà, các thành viên yêu thương và tôn trọng nhau thì gia đình mới an vui, yên ấm.

Con mất phương hướng

Một số gia đình khi đã có con cái, không chỉ có những cuộc cãi vã, tranh luận về lối sống, nếp sinh hoạt giữa hai người, nhiều cha mẹ còn lôi cả con cái vào cuộc. Mạnh ai nấy giành phần đúng, ba bắt con theo cách của ba, mẹ bảo con làm theo thói quen của mẹ. Con cái mất phương hướng không biết nghe theo ai.

TS Lê Thị Linh Trang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/biet-nguoi-biet-ta-trong-cuoc-song-gia-dinh-20201017212333213.htm