Biết lắng nghe phản biện để định hướng đúng

Quyết định vừa qua của lãnh đạo thành phố Hải Phòng không chấp nhận đầu tư nhà máy giấy và bột giấy của tập đoàn Cửu Long Trung Quốc là một bài học từ công tác phản biện và lắng nghe.

Phối cảnh Khu CN Nam Đình Vũ, nơi dự định triển khai dự án nhà máy giấy 800 triệu đô la đã bị từ chối.

Có thể nói Hải Phòng không chỉ là cửa biển quan trọng bậc nhất của đất nước, mà còn là phên dậu bao phen đứng ra hứng chịu đương đầu với giông bão ngoại xâm. Quân Nam Hán đánh nước Việt đã coi Hải Phòng là hướng chính rồi bị Ngô Quyền đánh cho tan tác. Quân Nguyên cũng vậy cả 3 lần đưa chiến thuyền theo đường sông vào Hải Phòng thì cả 3 lần bị cọc nhọn của quân dân nhà Trần nhấn chìm.

Rồi trong những ngày tháng cuối 1972 không quân Mỹ cũng lựa chọn Hải Phòng làm quyết chiến điểm thả thủy lôi phong tỏa với ý đồ chơi ván bài "tất tay" với chúng ta. Chính điều kiện tự nhiên, lịch sử ấy đã tạo cho người dân nơi cửa biển này phong cách "ăn sóng nói gió", mạnh mẽ cương trực và táo bạo... rất "Hải Phòng". Và người dân Hải Phòng cũng ứng xử theo phong cách đó trước những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái.

Nhiều bạn hỏi tôi đại ý chung là "Dự án nhà máy giấy và bột giấy ở khu công nghiệp Nam Đình Vũ Hải Phòng do tập đoàn Cửu Long Trung Quốc đầu tư hơn 800 triệu đô la, đã được công bố công khai trên báo chí là lãnh đạo thành phố ủng hộ, vậy nhờ “phép màu” nào để có thể ngăn chặn và hủy bỏ dự án khủng “lợi bất cập hại” này?".

Ở Việt Nam trước đây, trong cơ chế quan liêu bao cấp thường rất coi nhẹ việc phản biện, đặc biệt khi phản biện có ý kiến trái chiều. Hiện nay, vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo ít quan tâm đến tham khảo ý kiến phản biện khi ra quyết định, nhiều nhà chuyên môn thường ngại đưa ra các luận cứ trái chiều vì sợ mất lòng nên ý kiến nhận xét ít tác dụng, ít hiệu quả.

Theo tôi, phản biện là trên cơ sở thực tế (rộng hơn, bao trùm thực tiễn), lý luận và khoa học về chủ đề của chính sách, của pháp luật, của quyết định, của tác phẩm, dự án được phản biện, mà tiến hành phân tích, xác định giá trị, những chỗ đúng, mới mẻ, sáng tạo, cần phát huy, những chỗ thiếu sót, cần bổ sung, những chỗ không chuẩn xác, cần sửa chữa trong chính sách, pháp luật, quyết định hoặc tác phẩm ấy. Tùy trường hợp, mà phản biện nặng về biểu dương thành tựu, hoặc nặng về vạch rõ khiếm khuyết, hoặc cân đối giữa hai phần khen và chê.

Trong phản biện, điều quan trọng nhất không phải là "phản", mà là "biện". Biện là biện luận. Giá trị phản biện là giá trị biện luận, nhất là kỹ năng ngôn ngữ, nếu không sẽ thiếu thuyết phục hay dẫn đến hiểu lầm. Phản biện về các dự án, đòi hỏi người viết phải có kiến thức và luôn cập nhật được kiến thức mới, phải thực sự hiểu biết sâu về chuyên môn, nói có sách mách có chứng và biết cách thuyết phục những người trong cuộc.

Nhìn lại những ý kiến phản biện mạnh dạn về dự án đầu tư nhà máy giấy Nam Đình Vũ ở Hải Phòng, trước hết, phải cám ơn các cơ quan báo chí và mạng xã hội đã giúp tôi chuyển tài 3 bài viết đưa ra công luận (1) Hải Phòng rước sát thủ về sống chung; (2) Từ những bài học đắt giá ở Hải Phòng ; (3) Hải Phòng muốn lách siêu dự án.

Các nhà máy sản xuất giấy, hóa chất, thép... được xếp vào loại báo động vì chất xả thải độc hại ra môi trường. Công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng, bởi vì phải khai thác các nguồn xenlulo tự nhiên (rừng), sử dụng nhiều chất tẩy (độc hại) trong quá trình sản xuất ("xeo") và đặc biệt việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại, rất nguy hiểm.

Tùy theo loại hình sản xuất, nếu nhà máy có hệ thống nấu sản xuất bột giấy thì ô nhiễm môi trường lớn nhất là dung dịch đen (black liquor) thải ra môi trường dưới dạng nước thải. Dịch đen chứa nhiều hóa chất độc hại. Thường thì các nhà máy lớn phải có lò hơi đốt dịch đen để thu hồi hóa chất. Dịch đen có mùi hôi đặc trưng gây ô nhiễm mùi cho môi trường xung quanh, nếu thải ra nguồn nước thì gây ô nhiễm nước, tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Còn quá trình sản xuất giấy thì công đoạn tẩy trắng cũng dùng nhiều hóa chất độc hại cần xử lý trước khi thải ra môi trường nước. Ngoài ra, còn phải kiểm soát thêm môi trường khí thải của lò hơi. Nhà máy lớn thì lò hơi lớn nên cũng phải kiểm soát chặt chẽ, không thì môi trường lãnh đủ.

Nội dung những bài báo nói trên nêu rõ dự án nhà máy giấy và bột giấy của nhà đầu tư Cửu Long (Trung Quốc), rất đáng lo khi Đình Vũ (Hải Phòng) là cửa ngõ ra biển lớn nhất ở miền Bắc, báo động về ô nhiễm môi trường là nhãn tiền.

Điều đáng lo ngại nhất ở đây là bột giấy, như vậy họ sẽ được nhập phế liệu giấy (theo quy định của Việt Nam, phải đáp ứng QCVN 33 đối với phế liệu giấy nhập khẩu), xử lý sơ bộ rồi xuất trở lại Trung Quốc hoặc xuất đi các nước với giá cao. Nếu được như thế là đúng với mục đích của các doanh nghiệp tái chế Trung Quốc tìm mọi cách có lợi nhuận, còn hậu quả về môi trường thì Việt Nam phải gánh chịu. Trớ trêu là các nhà đầu tư Trung Quốc tìm cách hoạt động ở các nước khác, còn hậu quả là chất thải gây ô nhiễm ở lại nơi "tái chế", là cái điều mà chính ngay tại Trung Quốc đã ra lệnh cấm.

Mới nghe thấy đơn giản nguyên liệu là giấy phế liệu đã qua sử dụng làm sao gây ô nhiễm được!. Sự thật, dù có "sử dụng giấy phế liệu đạt chuẩn môi trường" như thế nào đi chăng nữa thì vẫn cần có công đoạn tẩy mực in trên giấy phế liệu, nước thải chứa mực in chắc chắn sẽ có hàm lượng POPs (chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy mức độ nguy hiểm càng cao).

Ngoài việc phân tích các luận cư khoa học bất cập và tác hại của dự án, người viết phải có hiểu biết về kiến thức chính trị xã hội, đó chính là sức nặng của các bài báo nói trên là biết viện dẫn dựa vào kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 05-8-2003 của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đó Hải Phòng phát triển thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại “ thì không thể chấp nhận phát triển loại hình tái chế phế liệu giấy khủng như nhà máy giấy Cửu Long. Đồng thời, chỉ rõ lãnh đạo Hải Phòng đã cố tình “lách” cầm đèn chạy trước ô tô ủng hộ xây dựng siêu nhà máy giấy và bột giấy Nam Đình Vũ không nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư theo Quyết định 2523/QĐ-UBND của thành phố Hải Phòng.

Vị trí của siêu dự án nhà máy giấy và bột giấy Cửu Long rất gần khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (UNESCO công nhận), với nhiệu hệ sinh thái nhạy cảm. Dự án ở đầu nguồn khu Du lịch Đồ Sơn, đầu nguồn vùng quy hoạch nuôi thủy sản Kiến Thụy, Tiên Lãng, bên cạnh núi Thái Sơn (bã thạch cao) của Công ty cổ phần phân bón DAP (Đình Vũ), gây phản cảm cho khu du lịch Cát Bà - Hạ Long.

Đầu hướng gió chủ đạo đối với khu vực nội thành, nhất là khu hành chính Bắc Sông Cấm đang xây dựng, nơi có cơ quan đầu não của thành phố, khu vực này sẽ “ăn đủ” khí thải của nhà máy giấy này. Đấy là chưa kể nước thải của nhà máy sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước ngọt đã khan hiếm của Hải Phòng trên các sông Đa Độ và sông Họng vv...

Các bài báo nói trên không chỉ đưa ra công khai trên công luận, còn được gửi trực tiếp đến các vị lãnh đạo ở trung ương và thành phố Hải Phòng. Thật may mắn, lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng đã biết lắng nghe, muộn còn hơn không, kịp thời chỉ đạo chính quyền thành phố cho dừng và hủy dự án nói trên.

Tô Văn Trường

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278609/biet-lang-nghe-phan-bien-de-dinh-huong-dung.html