Biệt kích Mỹ bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Iraq

Edward Gallagher, thành viên lực lượng biệt kích hải quân Mỹ, bị chính các đồng đội cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Iraq.

Theo AFP, Gallagher được cho là đã đâm chết một tù binh thiếu niên, dùng súng ngắm quấy rối thiếu nữ và người già, thậm chí là dùng súng máy hạng nặng bắn bừa bãi vào khu dân cư trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Iraq.

Sĩ quan lực lượng đặc biệt Edward Gallagher năm nay 39 tuổi, là lính biệt kích có nhiều kinh nghiệm tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Người này vẫn được nhiều người Mỹ coi là anh hùng, và trường hợp của Gallagher có thể sẽ được nhắc tới nhiều trong cuộc bầu cử tổng thống sang năm.

Khoảng 40 thành viên đảng Cộng hòa ở quốc hội đã gửi một lá thư, kêu gọi quân đội thả tự do cho Gallagher trước khi binh sĩ này ra tòa. Một nhân vật thậm chí còn yêu cầu Tổng thống Donald Trump can thiệp để bãi bỏ cuộc điều tra đối với Gallagher.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng tận dụng trường hợp của Gallagher để lấy lòng các cử tri Cộng hòa. Ảnh: Chụp từ màn hình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng tận dụng trường hợp của Gallagher để lấy lòng các cử tri Cộng hòa. Ảnh: Chụp từ màn hình.

Ông Trump đăng trên Twitter hôm 30/3, cho biết ông đã vào cuộc để đảm bảo Gallagher "sớm được chuyển tới một nhà tù với tình trạng tốt hơn" trong thời gian chờ đợi vụ việc được đưa ra tòa.

Gallagher là chỉ huy Trung đội Seal số 7, từng được đề cử huy chương Ngôi sao Bạc cho thời gian phục vụ trong quân ngũ vì lòng dũng cảm và khả năng chỉ đạo bình tĩnh khi đang gặp nguy hiểm. Biệt kích 39 tuổi có khả năng làm lính cứu thương, bắn tỉa và chuyên gia chất nổ, người này cũng là giáo viên giảng dạy chương trình BUDS, khóa huấn luyện căng thẳng nhất của lực lượng Seal.

Binh sĩ này cũng phủ nhận mọi cáo buộc nêu trên nhưng đã bị tạm giam từ tháng 9 năm ngoái. Phiên tòa xét xử dự kiến sẽ diễn ra tại căn cứ hải quân ở San Diego vào ngày 28/5 tới.

Gallagher bị bắt sau khi các cấp dưới cảm thấy ghê rợn với tội ác mà binh sĩ này gây ra, họ đã đem vấn đề lên cấp trên nhưng lại nhận được cảnh báo rằng những cáo buộc như vậy có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp trong quân ngũ, theo phóng sự của New York Times.

Giết người theo ý thích

Các cáo buộc với Gallagher bao gồm giết người có kế hoạch, giết người có chủ ý và cố tình cản trở công lý. Nếu bị kết tội, binh sĩ này có thể phải nhận án chung thân.

Những tội ác này được cho là xảy ra trong năm 2017, khi lực lượng đặc biệt của Gallagher được chỉ đạo đồng hành với quân đội Iraq giành lại thị trấn Mosul từ tay các chiến binh IS.

Theo cáo trạng của phiên điều trần sơ bộ diễn ra tháng 11/2018, các thành viên trong đội của Gallagher cảm thấy ghê rợn với hành vi của binh sĩ này tới mức họ cố tình can thiệp vào súng ngắm của Gallagher để làm giảm độ chính xác của nó. Họ cũng cố gắng bắn chỉ thiên để dân thường tháo chạy trước khi Gallagher xả súng vào những người này.

Edward Gallagher trong lần thực hiện nhiệm vụ ở Iraq. Ảnh: Facebook.

"Họ nói rằng họ phải dành thời gian bảo vệ dân thường nhiều hơn là thời gian chiến đấu với IS", Điều tra viên Đặc biệt Joe Warpinski đến từ Cơ quan Điều tra Tội phạm Hải quân cho biết.

Theo New York Times, Gallagher cũng rêu rao một cách tự hào về số người mà binh sĩ này đã giết hại, trong đó có cả phụ nữ. Hồi tháng 5/2017, các binh sĩ Iraq bắt giữ một chiến binh IS bị thương, người này được cho là chỉ khoảng 15 tuổi.

Hai thành viên đội Seal số 7 kể lại rằng khi bác sĩ đang chăm sóc vết thương cho thiếu niên này, Gallager bước tới, không nói gì và cầm dao đâm thẳng vào cổ tù binh.

Gallager sau đó còn tạo dáng, một tay cầm dao và tay còn lại túm tóc nạn nhân. Sau đó binh sĩ này dẫm lên người cậu bé và diễn lại lễ nhập ngũ.

Hai lính bắn tỉa trong đội cho biết họ chứng kiến Gallagher dùng súng bắn vào một thiếu nữ Iraq đang đi bộ trên đường cùng bạn. Họ kể lại cảnh nhìn qua ống nhòm, thấy cô gái ôm bụng gục xuống và được bạn mình kéo đi.

Quá trình tố cáo khó khăn

Các thành viên trong đội đã vài lần tố giác hành vi của Gallagher với cấp trên, nhưng không nhận được phản ứng nào. 7 người trong số họ thậm chí còn nhận lời cảnh báo rằng sẽ bị trả thù nếu công khai điều này, nhưng cuối cùng họ cũng thành công trong việc đem vấn đề tới một chỉ huy cấp cao hơn.

Cấp trên trực tiếp của Gallager, Trung úy Jacob Portier, được cho là người đã chụp bức ảnh của Gallagher bên cạnh thiếu niên 15 tuổi. Người này cũng phải đối mặt với cáo buộc không báo cáo tội phạm và phá hủy chứng cứ. Cuộc điều tra nhắm vào cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh của Gallagher cũng được cho là sẽ chấm dứt sự nghiệp của nhiều chỉ huy khác có liên quan.

Thị trấn Mosul hồi tháng 2/2017, thời điểm các biệt kích Seal được điều động để hỗ trợ binh sĩ Iraq giành lại nơi này từ tay IS. Ảnh: AP.

Công tố viên Hải quân Chris Czaplak nhận định Gallagher đã "tạo một sản phẩm tuyệt vời cho công cụ tuyên truyền của IS" bằng cách "hành động như ác quỷ, giống với thứ mà bọn khủng bố bị so sánh với".

Ông Timothy Parlatore, luật sư của Gallagher, cho rằng bản báo cáo điều tra của hải quân không đưa ra được cái nhìn chính xác về những gì xảy ra ở Iraq. Luật sư này cho biết trong số hàng trang văn bản đang được tòa án giữ làm tài liệu mật, có cả các buổi phỏng vấn với những binh sĩ khác, trong đó những người này nói rằng Gallagher chưa từng giết bất kỳ ai.

Sơn Trần
(Theo AFP)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/biet-kich-my-bi-cao-buoc-pham-toi-ac-chien-tranh-o-iraq-post940710.html