'Biệt dược' chữa bệnh ung thư

Sáng 19/3, Báo Đại Đoàn kết tổ chức buổi giao lưu trực tuyến: 'Biệt dược' chữa bệnh ung thư - nhằm giúp người bệnh tự tin chiến đấu với bệnh ung thư và giúp bạn đọc có một góc nhìn khoa học, lạc quan về căn bệnh này.

Nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn kết chủ trì buổi giao lưu. Các khách mời tham gia chương trình có nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên - “Hoa khôi truyền cảm hứng” đã chiến thắng bệnh ung thư; ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật - Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương; Chị Nguyễn Thu Hương - Chuyên gia tâm lý, người sáng lập Trung tâm Thiền đương đại và ứng dụng Thiền đương đại, một trong những ứng dụng đầu tiên về Thiền bằng tiếng Việt tại Việt Nam; Vợ chồng anh Nguyễn Trọng Hùng (quê Nghệ An) - bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương.

Nhà báo Lê Anh Đạt- Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn kết phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến “Biệt dược” chữa bệnh ung thư. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt- Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn kết phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến “Biệt dược” chữa bệnh ung thư. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tinh thần là yếu tố quyết định

Mở đầu buổi giao lưu, chia sẻ ý nghĩa về tên gọi của buổi giao lưu, nhà báo Lê Anh Đạt cho biết, chữ “biệt dược” có ý nghĩa rằng, ngoài phương pháp chữa trị của y học hiện đại, bên cạnh đó vẫn có một “loại thuốc đặc biệt” khác. Đó có thể là sự chấp nhận, đối mặt, bình tĩnh, lạc quan, vui sống để vượt lên bệnh tật.

Tại buổi giao lưu, nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên - “Hoa khôi truyền cảm hứng” đã chiến thắng bệnh ung thư chia sẻ: “Ở độ tuổi 20, độ tuổi còn rất trẻ, còn nhiều tương lai ở phía trước, khi nhận được tin mình bị ung thư, nhất là căn bệnh ung thư vú, chỉ những người ở độ tuổi trung niên mới có khả năng mắc cao, tôi không nghĩ mình lại bị căn bệnh này. Thời gian đó, bề ngoài tôi vẫn tỏ ra vui vẻ, lạc quan vì không muốn gia đình bị tác động nhưng bên trong tôi cảm thấy rất buồn, có phần tuyệt vọng”.

Đặng Trần Thủy Tiên cho rằng, điều trị ung thư có nhiều yếu tố để vượt qua, như tin tưởng vào khoa học phát triển, yếu tố tài chính, nhưng tinh thần mới chính là yếu tố quyết định để chiến thắng căn bệnh này. “Lúc đầu, tôi cảm thấy hoang mang, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng, mình còn quá nhiều thứ để phải cố gắng, còn gia đình, còn tương lai ở phía trước để mình cần phải vượt qua” - Thủy Tiên cho hay.

Nhà báo Phương Thảo và nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tâm sự về quá trình chiến đấu chống lại căn bệnh, Đặng Trần Thủy Tiên nhớ lại: “Khi đang là sinh viên năm thứ nhất, tôi cảm thấy cuộc sống được tự do vì học ở Hà Nội, không bị gia đình kiểm soát... Thời điểm đó, cùng với việc đi học, tôi cũng đi làm thêm, khi đó, tôi ít quan tâm đến gia đình mình. Lúc đó, tôi cho rằng, những điều mình nhận được đương nhiên là như thế. Nhưng khi bị bệnh, tôi nhận được sự quan tâm của mọi người, của gia đình, tôi mới thấy trân trọng những gì mình đang có. Tôi cảm thấy hạnh phúc ngay khi nhìn thấy, lắng nghe, cảm nhận những gì nhỏ bé, bình dị nhất, như việc đi trên một con đường quen thuộc, ăn một món ăn mình yêu thích”.

Khi được hỏi về lời khuyên cho những người bệnh đang trong tâm trạng tuyệt vọng vì mắc bệnh ung thư, Đặng Trần Thủy Tiên chia sẻ: “Thời gian qua, điều mà tôi học được trong quá trình điều trị căn bệnh này chính là sự bình thản, bình tĩnh. Có lẽ hai chữ quan trọng nhất đối với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào chính là hai chữ “chấp nhận”. Tôi chấp nhận thực tại, khó khăn đến với cuộc sống của mình. Điều quan trọng không phải là cuộc sống dài hay ngắn, mà quan trọng là sống ý nghĩa. Mọi thứ đều có thể xảy ra và mình bình thản chấp nhận nó. Khi đó, mình sẽ thấy cuộc sống nhiều màu sắc vui vẻ, hạnh phúc hơn”.

Bên nhau để chiến thắng bệnh tật

Vừa trải qua một buổi điều trị xạ trị kéo dài, anh Nguyễn Trọng Hùng - đang điều trị tại Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho biết: “Khi biết được tin mắc căn bệnh này, bản thân tôi cùng gia đình rất bàng hoàng, bởi không thể tưởng tượng được rằng căn bệnh nguy hiểm này lại đến với bản thân tôi. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng sớm nhận ra rằng, đó là một thực tế - dù rằng đau khổ và cần làm sao để đối diện với thực tế đó và giải quyết những khó khăn trước mắt”.

Dù có những lúc sợ hãi, có những lúc đau đớn dường như không thể đứng vững và nghĩ tới bỏ cuộc, nhưng anh Nguyễn Trọng Hùng vẫn có thể vượt qua tất cả với gia đình bên cạnh. “Những lúc như vậy, tôi có vợ ở bên với những lời động viên: Ba cố gắng lên, rồi mọi việc sẽ qua. Chúng ta chỉ cần cố gắng thì chắc chắn mọi khó khăn sẽ vượt qua được. Mỗi lần tôi mệt mỏi, vợ tôi luôn nói: Ba cố lên, hai mẹ con yêu ba rất nhiều”.

Với niềm hy vọng không bao giờ tắt, anh Nguyễn Trọng Hùng chia sẻ: “Để đối đầu với ung thư, đối với tôi, việc quan trong nhất là giữ được tinh thần tốt để điều trị bệnh. Tôi muốn gửi gắm đến những người bị bệnh như tôi, tinh thần rất quan trọng, chúng ta hãy cố gắng tìm những điều vui vẻ nhất, những nụ cười. Hãy tiếp xúc với nhân viên y tế, bạn bè của mình bằng tinh thần sảng khoái và thoải mái nhất có thể, khi đó những người xung quanh cũng sẽ cảm nhận được năng lượng và tinh thần thoải mái của bản thân. Như vậy, mọi việc sẽ tốt đẹp và nhẹ nhàng hơn rất nhiều”.

Tại buổi giao lưu, chị Thiên Thiên - vợ của anh Nguyễn Trọng Hùng tâm sự: “Nói về căn bệnh ung thư từ trước đến nay tôi chưa bao giờ hình dung và nghĩ mình hay người thân của mình mắc căn bệnh mà tất cả mọi người đều sợ. Trước đây tôi cũng làm truyền thông, nhưng không bao giờ đọc các bài viết về ung thư bởi nó ám ảnh vô cùng. Ngày chúng tôi được bác sĩ thông báo chồng tôi bị ung thư máu, hai vợ chồng lặng đi, chúng tôi nắm tay nhau và không nói gì cả. Ngay lúc đó, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là mình phải cứng rắn, tuyệt đối không biểu lộ lo lắng. Tôi không thể để chồng mình suy sụp thêm. Anh Hùng cũng không muốn vợ phải lo lắng, chịu đựng nỗi đau lớn này. Cũng may hai vợ chồng trong cuộc sống trải qua nhiều khó khăn, biến cố nên rất hiểu nhau. Sau khi thông tin anh bị bệnh, hai vợ chồng cùng cười và cùng khóc”.

Nhà báo Tú Uyên và chị Thiên Thiên. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Không cầm được nước mắt khi chia sẻ về quá trình 2 vợ chồng chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, chị Thiên Thiên kể: “Thú thật, lúc anh Hùng bị hóa chất làm cho mệt mỏi, rụng tóc, tác dụng phụ, tôi rất sợ. Chồng tôi không than vãn kêu ca, mệt đến đâu cũng chỉ im lặng. Tôi nhìn chồng như thế, ruột quặn thắt mà chỉ biết nuốt chặt nước mắt vào trong. Bởi tôi biết, nước mắt của mình sẽ làm cho tâm trạng của anh xấu đi, làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Trong thâm tâm tôi nghĩ anh phải chịu đau đớn như thế không kêu ca gì thì mình là vợ càng phải vững vàng hơn. Lúc nào tôi cũng cố gắng giữ tinh thần vui vẻ. Tôi thường nắm chặt tay anh và nói: Anh hãy cố lên, Bờm ơi cố lên. Chúng tôi cùng thêm năng lực cho nhau để sớm chiến thắng căn bệnh này”.

Chị Thiên Thiên cho biết: “Hiện hai vợ chồng tôi đã chiến đấu với căn bệnh này được hơn 1 năm. Quan trọng nhất trong quá trình chiến đấu chính là tinh thần. Tinh thần để vượt qua nghịch cảnh khó khăn nhất. Tinh thần của người bệnh và cả người nhà. Không nên tách biệt mình với cộng đồng và xã hội. Tốt nhất là nên tiếp xúc với những nguồn năng lượng tích cực. Ví dụ mỗi lần tôi xuống tinh thần tôi lại vịn vào câu nói của chồng để đứng dậy: “Có hai thứ không tồn tại, đó là quá khứ và tương lai, chỉ có hiện tại. Ngày mai không biết ra sao, vậy hãy cứ sống cho hôm nay. Buồn cũng qua một ngày, vui cũng qua một ngày. Vậy hãy sống một ngày cho thật có ý nghĩa.”

Ung thư không phải dấu chấm hết

Tại buổi giao lưu, ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật - Phó Trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương cho hay: Tôi tuổi nghề chưa nhiều, hơn 10 năm, tuy nhiên từng ấy năm tôi từng chứng kiến tâm trạng của nhiều bệnh nhân tiếp nhận chẩn đoán bệnh. Thâm tâm tôi vẫn suy nghĩ, trước đây mọi người nghĩ bệnh nhân ung thư là dấu chấm hết. Quan điểm bây giờ đã khác, còn rất nhiều cơ hội, cần chiến đấu, cần đối đầu với bệnh tật. Vì vậy, không bao giờ được từ bỏ, cho dù theo cách nào thì cũng có cách giải quyết tốt nhất cho từng người bệnh. Tuy nhiên để chiến đấu, đối đầu trực tiếp với bệnh không phải ai cũng có thể làm được.

Thực tế, về mặt tinh thần, về mặt chuyên môn, có người đủ tiêu chuẩn để chiến đấu với bệnh tật, có người không đáp ứng được. Chúng tôi sẽ có những phương án phù hợp để có mục tiêu với người bệnh. Đó là những mục tiêu khác hơn, đó không phải sự lui bệnh hoàn toàn mà cải thiện thời gian và chất lượng cuộc sống, đó cũng là mục tiêu cần đạt được. Cho nên, suy nghĩ ung thư là dấu chấm hết cần thay đổi, theo hướng tích cực hơn, phải chiến đấu, đối đầu, có nghị lực quyết tâm chiến thắng nó theo mức độ, cách thức khác nhau.

Hãy sống lạc quan và bình an

Bà Nguyễn Thu Hương - chuyên gia tâm lý, người sáng lập ứng dụng Thiền đương đại, một trong những ứng dụng đầu tiên ứng dụng thiền tiếng Việt tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta đều biết là sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng. Không chỉ với bệnh nhân ung thư mà bất cứ với căn bệnh nào, sự lạc quan và bình an của bệnh nhân cũng sẽ ảnh hưởng tích cực lên quá trình điều trị”.

Phân tích kỹ hơn về tác dụng của tinh thần, bà Nguyễn Thu Hương nói: “Chúng ta có thể thấy bình thường khi chúng ta mệt, nhức đầu, hay khó chịu một chút trong người thôi, thì chúng ta cũng đã dễ cáu kỉnh hơn rồi, hay khi bị ốm thì hay có cảm giác tủi thân. Thế thì với bệnh nhân ung thư, quá trình chữa trị có những đau đớn và mệt mỏi rất nhiều và lại còn kéo dài, chắc chắn sẽ khiến tinh thần của họ bị ảnh hưởng. Giữ được sự lạc quan là điều không dễ dàng. Những lúc như vậy thì theo tôi, “niềm tin” có ý nghĩa rất lớn. Tin tưởng vào y bác sĩ, tin tưởng vào liệu pháp, tin tưởng bản thân và người thân, tin tưởng vào cuộc sống và hành trình cuộc đời của mỗi người sẽ là động lực để người bệnh nhân bước tiếp. Thay vì nói hãy vui lên, lạc quan lên - điều này thực sự khó khi người bệnh đang đau đớn, hãy nói: Chúng ta hãy tin tưởng, tin mọi điều diễn ra đều có một ý nghĩa nào đó, và tin những người đang hỗ trợ mình”.

Trân trọng giá trị bản thân để truyền năng lượng sống tích cực

Phát biểu kết thúc buổi giao lưu trực tuyến, nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn kết chia sẻ thêm: Với người bệnh ung thư có rất nhiều cung bậc, những đau khổ cuộc đời chúng ta không tính bằng độ dài. Hạnh phúc là gì, là khi mất đi chúng ta mới thấy. Thủy Tiên khi trải qua bạo bệnh cảm thấy yêu bản thân hơn, cảm thấy yêu bố mẹ hơn, yêu cuộc đời hơn. Có lẽ trong con người của Thủy Tiên bây giờ chỉ có tình yêu thôi. Tôi nghĩ là như vậy, và với những thông điệp như vậy chúng ta phải trân trọng sức khỏe mình hơn, yêu những người xung quanh hơn và trân trọng giá trị bản thân mình. Đến như Thủy Tiên chiến đấu với bệnh tật như vậy, nhưng luôn thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người. Vì vậy, không có lý do gì chúng ta hôm nay không hạnh phúc.

Cuộc giao lưu mở ra một cách nhìn mới trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Mỗi người có một hoàn cảnh, có một cách tiếp cận thông tin và cũng có cho mình một chìa khóa để giữ gìn sức khỏe để chiến đấu với bệnh tật.

Nhà báo Lê Anh Đạt cho biết, sau chương trình này, Báo Đại Đoàn kết sẽ có chương trình “Nụ cười cho bệnh nhân ung thư”. Chương trình sẽ quy tụ những người có thế mạnh trong đời sống xã hội để có thể tạo ra sức mạnh tập thể, tiếp sức, chia sẻ, truyền năng lượng. Ở đây không hoàn toàn là người khỏe mạnh truyền năng lượng cho người bệnh, mà là câu chuyện truyền năng lượng qua lại như hôm nay chúng ta đã được bạn Thủy Tiên, được vợ chồng anh Hùng, BS Nhật truyền năng lượng cho chúng ta.

Chương trình “Nụ cười cho bệnh nhân ung thư” là chương trình tiếp sức, truyền năng lượng tích cực trong đời sống. Sau đây báo Đại Đoàn kết sẽ kết hợp với một số tổ chức, các mạnh thường quân, những người khởi tâm, những người chia sẻ yêu thương cùng đồng hành để tiếp tục thực hiện chương trình này ở quy mô rộng rãi, mang hiệu quả cao.

Nhà báo Lê Anh Đạt. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu

Trên thực tế, các liệu pháp tinh thần đã giúp không ít người khỏi bệnh trước sự ngỡ ngàng của khoa học, y học. Cuộc sống vẫn vậy, luôn ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu chờ đợi chúng ta khám phá. Có một quy luật, đó là tận cùng của đêm đen là bình minh. Tận cùng của đau khổ có thể hạnh phúc đã cận kề. Điều đó luôn nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực hết mình, đi hết, đi tận cùng con đường của mình. Bất ngờ nằm ở phía cuối con đường. Có một điều chắc chắn rằng, luôn có một đáp án cho mỗi bài toán khó, bài toán hóc búa của cuộc đời. Không có bài toán nào là không có lời giải, chỉ là chúng ta chưa tìm ra. Nữ sinh Đại học Ngoại thương - Hoa khôi truyền cảm hứng Đặng Trần Thủy Tiên, người vừa chữa lành ung thư là minh chứng sống động nhất cho chúng ta cảm nhận về điều đó.

Nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nữ sinh Đặng Trần Thủy Tiên: Động lực giúp tôi vượt qua, tuyên chiến với bệnh tật chính là nụ cười của những người thân yêu

Trở lại với cuộc sống bình thường, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì đã được sống một cuộc sống mới, với gia đình, bè bạn. Hàng ngày, mỗi sáng mở mắt ra được hít thở không khí trong lành, được mọi người yêu thương, hay đơn giản chỉ được ăn một bát bún ốc thôi tôi cũng thấy mình là người hạnh phúc. Căn bệnh đã làm thay đổi cuộc sống của tôi. Động lực giúp tôi vượt qua, tuyên chiến với bệnh tật chính là nụ cười của những người thân yêu. Tham gia cuộc thi Hoa khôi Đại học Ngoại thương và đạt Giải “Hoa khôi truyền cảm hứng”, tôi không nghĩ mình làm được nhiều như thế. Giờ đây, tôi cảm thấy ung thư không còn đáng sợ nữa, mà thứ đáng sợ nhất chính là việc bản thân mình coi nó là dấu chấm hết.

“Khi tham gia các tổ chức xã hội với mong muốn mang đến niềm vui sống cho nhiều người hơn, tôi nghĩ những thứ mình nhận được nhiều hơn mất” - Thủy Tiên chia sẻ.

BS Nguyễn Quốc Nhật. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

BS Nguyễn Quốc Nhật: Hãy nuôi dưỡng tinh thần lạc quan

Tinh thần chiếm bao nhiêu % giúp chiến thắng bệnh ung thư? Chúng tôi không dám chắc, nhưng có thể khẳng định, tinh thần người bệnh chiếm tỉ lệ thành công rất lớn trong chiến đấu với bệnh ung thư. Bệnh nhân sợ rất nhiều thứ và sợ cơ thể mình bị bào mòn vì hóa chất. Nhiều bệnh nhân từ chối chỉ đơn giản với lý do họ hỏi bác sỹ rằng khi hóa trị tôi có bị rụng tóc không? Chỉ đơn giản mỗi vấn đề rụng tóc cũng đã là một áp lực khiến họ không chấp nhận được. Vì vậy, tinh thần rất quan trọng, có tinh thần mới có nghị lực để người bệnh phối hợp bác sĩ chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hương.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hương: Hãy cười và lạc quan lên, bởi ung thư không phải là án tử hình

Chúng ta đều biết là sức khỏe tinh thần vô cùng quan trọng. Không chỉ với bệnh nhân ung thư mà bất cứ với căn bệnh nào, sự lạc quan và bình an của bệnh nhân cũng sẽ ảnh hưởng tích cực lên quá trình điều trị. Điều tôi muốn đề cập ở đây chính là lối sống thiền, lối sống bình an. Khi thay đổi góc nhìn về một biến cố trong cuộc sống, chúng ta sẽ đón nhận nó một cách tích cực hơn và thay đổi cách ứng xử của mình. Khi mắc phải một căn bệnh nan y, thay vì lo lắng khiến sức khỏe và tinh thần suy sụp thì hãy cười và lạc quan lên, bởi ung thư không phải là án tử hình. Hàng triệu người bị ung thư vẫn có thể có cuộc sống năng động, tích cực như mọi người bình thường. Cơ hội sống ổn định cùng bệnh thậm chí vượt qua chiến thắng bệnh ung thư giờ đã cao hơn trước rất nhiều.

Chị Thiên Thiên. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Chị Thiên Thiên (vợ bệnh nhân Nguyễn Trọng Hùng): Chỉ dành 3 ngày để khóc

Chúng tôi cho phép mình khóc thoải mái trong 3 ngày rồi sau đó lấy tinh thần để chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Bản thân tôi rất lo lắng và sợ vì anh Hùng là trụ cột cho cả gia đình nhưng tôi vẫn bảo anh ung thư không phải là dấu chấm hết, không phải không chữa được, ung thư chỉ là bệnh hiểm nghèo và mình cùng nhau tìm cách chữa bệnh.

Vài ngày sau hai vợ chồng tôi cùng dắt nhau ra Bệnh viện Huyết học và Truyền máu trung ương…

Tú Uyên - Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/biet-duoc-chua-benh-ung-thu-556670.html