Biết 'đứa trẻ ranh' hiếu thắng, Ngô Quyền diệt địch thế nào?

Trận Bạch Đằng giang không chỉ là chiến thắng cao cả, mà còn xứng với lời 'Việt sử đại toàn' ghi: 'Trận đánh làm nền gốc cho sự khôi phục quốc thống về sau'.

Trong Quốc sử ngâm khi chép về Ngô Quyền, đã dành bốn dòng mà ghi lại chiến công của ông khôi phục lại nền độc lập tự chủ cho giang sơn gấm vóc:

Ngô Vương Quyền ra tay báo phục,

Chém Kiều Công rồi lập giang san.

Chém Hoàng Tháo [Hoằng Thao] ở Đằng Giang,

Ngô Vương nhất thống vẻ vang đến giờ.

Khi Hoằng Thao chỉ là "đứa trẻ ranh"

Dạo đầu thế kỷ 10, họ Khúc dẫu làm Tiết độ sứ nhưng đã bước đầu gây nền tự chủ. Tiếp nối là Dương Đình Nghệ quản việc nước nhưng rồi bị Kiều Công Tiễn giết hại. Ngô Quyền thân là tướng, lại là con rể họ Dương liền đem quân phạt kẻ phản đồ. Kiều Công Tiễn liệu sức không chống được, bèn cầu cứu Nam Hán.

Vua Nam Hán Lưu Cung bấy lâu mộng bá vương nhòm ngó phương nam, nhân đấy mượn cớ sang giúp Kiều Công Tiễn, cho con là Hoằng Thao làm Giao vương lãnh đội thủy quân tiến vào nước ta theo dòng sông Bạch Đằng, còn mình tự làm tướng đóng quân ở trấn Hải Môn để làm thanh viện.

 Lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Lúc ấy, quân Nam Hán chưa đến thì Kiều Công Tiễn đã bị Ngô Quyền tiêu diệt rồi. Theo Đại Việt sử ký tiền biên cho hay, được tin Hoằng Thao sắp đến, Ngô Quyền với tài trí của một nhà quân sự đã bảo với tướng tá rằng:

“Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi; nay ta lấy quân khỏe mạnh để đánh quân mỏi mệt, ắt là phải phá được.

Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy cả”.

Sử ta như Việt sử tiêu án, cho biết tường tận. Ấy là khi nhận lời cứu viện họ Kiều, Lưu Cung bèn tham vấn Tiêu Ích thì được lời khuyên rằng “Đường bể hiểm và xa, Ngô Quyền là người kiệt hiệt, không nên khinh thường”. Khổ nỗi lời nói phải lại không át được dã tâm xâm lược của họ Lưu.

Biết rõ địch ta, Bạch Đằng đại thắng

Ngô Quyền với tố chất của nhà quân sự tài năng “biết địch biết ta”, đã có được sự tự tin vốn có khi nhận định rằng “đứa trẻ ranh” Hoằng Thao chắc chắn là hiếu thắng, vậy nên mới đặt bẫy cho cáo sa vào, dùng quân nhàn mà diệt quân nhọc. Và thế là cọc gỗ bịt sắt được đóng xuống lòng Bạch Đằng, để rồi những gì sau đó đã đi vào lịch sử của dân tộc.

Đến sử phương Bắc là Tân ngũ đại sử cũng phải để lại đôi dòng về trận đánh này: “Quyền cho đóng cọc sắt dưới biển, quân của Quyền nhân nước triều mà tiến, Hồng Tháo đuổi theo, nước triều rút, thuyền trở lại, đâm phải cọc đều lật chìm. Hồng Tháo chiến tử. Nghiễm thu thập tàn quân mà quay về”. Dẫu không ghi cho hào hùng lên được vì ở vị thế kẻ thất trận, nhưng đoạn chép trên so với sử Nam, cho thấy được thực tế thất bại của Nam Hán.

Vẫn Việt sử tiêu án cho hay, khi thuyền địch tới Bạch Đằng thì “đợi nước thủy triều lên, thuyền quân của Tháo vào rồi, lập tức khiêu chiến, giả cách thua chạy, để cho quân địch đuổi theo. Nước thủy triều rút xuống rất chóng, thuyền của địch đều mắc vào gỗ nhọn lật úp cả. Quyền thừa thắng đánh mạnh, bắt giết được Hoằng Tháo, Nghiễm thương khóc, thu nhặt tàn quân bỏ về nước”.

Tranh dân gian thể hiện "Ngô Vương Quyền đánh Nam Hán".

Đã thất trận, lại mất con, vua Nam Hán lúc này như rùa rụt cổ, chỉ còn biết nhỏ lệ thương con, lui quân giữ mình chứ chẳng dám làm “thanh viện” như dự định nữa. Đúng cái cảnh ấy được Đại Nam quốc sử diễn ca mô tả là:

Bạch Đằng một trận giao phong,

Hoằng Thao lạc phách Kiều Công nạp đầu.

Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra chỉ trong một ngày mà giành được độc lập, tự chủ cho dân tộc, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc, ý nghĩa lớn lao đến nhường nào, đúng như lời sử thần Lê Văn Hưu đã nói:

“Tiền Ngô vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang lại nữa. Có thể bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được”.

Trong Thoát Hiên vịnh sử thi tập, Đặng Minh Khiêm viết về Ngô Vương Quyền như sau:

Bạch Đằng chiến thắng lặng phong ba,

Gây nền vương nghiệp, dứt can qua.

Thế mới thấy trận đánh một ngày ấy có ý nghĩa thế nào với cả nghìn năm Bắc thuộc trước đó, và những triều đại về sau. Trận Bạch Đằng ấy thật xứng với lời nhận định trong Việt sử đại toàn: “Trận đánh Bạch Đằng làm nền gốc cho sự khôi phục quốc thống về sau”. Còn cụ Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử bình diễn ca thì đã gọi Ngô Quyền là “Tổ trung hưng thứ nhất” của nước ta.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/biet-dua-tre-ranh-hieu-thang-bach-dang-giang-ngo-quyen-diet-dich-post1074938.html