'Biệt đội' đặc biệt ở núi Cấm

Cuộc sống khó khăn, không hưởng lương hay bất cứ chế độ gì nhưng 25 thành viên (ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lại đảm nhận công việc 'vạn người chê', đó là… nhặt xác.

Thi thể người xấu số thường nằm ở độ cao hàng chục mét, nên việc tìm kiếm hết sức vất vả. Đối với những cái xác không có thân nhân đến nhận, họ sẽ tiến hành tổ chức tẩm liệm, chôn cất với đầy đủ lễ nghi.

Chọn việc không ai dám làm

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Trọng Hiếu (51 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) xã An Hảo, An Giang) - người có nhiều năm làm việc từ thiện, đặc biệt là nhặt xác.

Ông Hiếu kể, trước đây, ông có 6 người anh em sống trên núi Cấm bằng nghề trồng su su. Thời kỳ đó có 3 nóc nhà và nằm vỏn vẹn trong một ấp, nên việc đi học rất vất vả. Học hết lớp 9, chàng thanh niên ấy nhập ngũ, rồi tham gia chiến trường ở Campuchia. “Thời kỳ đó đi ngày nào cũng có thương tử. Cứ 10 ngày là địch nã pháo một lần, nên việc chết sống không ai biết trước được. Lúc đó, tôi có tâm nguyện nếu sống trở về quê hương sẽ đi làm việc thiện”, ông Hiếu nhớ lại.

Sau ngày xuất ngũ trở về, ông Hiếu tham gia vào HCTĐ xã An Hảo, nối nghiệp người cha. Nhớ lại những ngày đầu, ông Hiếu chia sẻ: “Trong một lần đi chơi về, tôi thấy rất nhiều người bu dưới ánh đèn dầu leo lét. Tôi ghé lại xem thấy một thanh niên bị nổ lựu đạn, miểng dính đầy mình, nhưng người dân chỉ biết nhìn, vì… ai cũng sợ! Thấy vậy, tôi chạy vào lấy rượu tiến hành sát trùng, bạt mùi tanh của máu tạo cảm giác tự tin để trợ giúp anh này”.

Thấy chàng trai trẻ sơ cứu vết thương cho người bị nạn rất “mát tay”, ông Tám Cứng (lãnh đạo HCTĐ khi đó) hỏi: “Mày chịu làm lính tao không?”. Ông Hiếu thắc mắc: “Làm lính là thế nào hả bác?”. Tám Cứng liền đáp: “Là vệ sinh vết thương như mày vừa làm vậy đó”. Thế là ông Hiếu được bố trí làm việc ở đội mai táng (hay còn gọi đội nhặt xác) của HCTĐ.

Những năm 1990, ông Hiếu bắt đầu làm quen với công việc nhặt xác. Ông cho biết: “Vì nhiều chuyện buồn phiền nên một số người lên núi tự tử. Có lẽ họ cho rằng kết liễu trên đây sẽ thoát được phiền toái cuộc đời, lại gột rửa được linh hồn trên núi thiêng (!). Từ ngày tham gia công việc này đến khi nghỉ, tôi chứng kiến khoảng 50 vụ, đa phần chọn cách nhảy vách núi hay treo cổ”.

Theo lời ông Hiếu, cứ nhận được tin có người tự tử là anh em trong đội chạy bộ lên núi. Đường núi hiểm trở, luồn lách qua những cánh rừng, nên khi lên tới địa điểm cũng mất nửa ngày. “Trước đây có chuyện là phải chạy lại từng nhà kêu. Hồi đó anh em tham gia nhặt xác cũng ít lắm, chỉ từ 5 – 10 người; còn lại là dân hiếu kỳ chạy theo mới nhiều”, ông Hiếu nói.

Nguyên Chủ tịch HCTĐ cho biết, những người nhặt xác gồm nhiều thành phần như: Người chạy xe ôm, các chú thợ chụp hình hay những lão nông sống dọc triền núi. Kinh tế của của họ phần lớn thuộc diện khó khăn. Nhiều người tham gia sau vài năm vì cuộc sống mưu sinh đã lên thành phố. Dù vậy lực lượng trong đội vẫn được duy trì sĩ số, bởi người này nghỉ có anh em khác vào thay thế.

Ông Hiếu cho biết thêm, niềm vui của bản thân là đưa nhiều thanh niên bất hảo ở xóm thành công dân tốt bằng việc tham gia nhặt xác. “Ban đầu, tôi nhận họ vô làm, nhiều người bảo sao thu phục toàn “Sa Tăng, Bát Giới” không vậy? Thế nhưng khi đi nhặt xác và mai táng chừng vài đám là dù sừng sỏ cỡ nào cũng đổi nết. Chẳng hạn như một đứa cháu ở xóm từng đâm chém, quậy phá nhưng được dẫn theo vài vụ đã chuyển thành con người khác. Những người này họ làm rất xông xáo, chịu thay đổi và được hàng xóm khen ngợi”, ông Hiếu lý giải.

Làm việc nghĩa không nghĩ công lao

Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Cường - (46 tuổi, đội phó Đội Mai táng xã An Hảo), người làm nghề chạy xe ôm hơn 20 năm ở núi Cấm. Anh Cường cho biết, nhà anh không đất vườn, có đứa con gái làm ở Bình Dương, còn người con trai vẫn đang đi học. Từ ngày chạy xe ôm là anh tham gia công tác từ thiện ở địa phương cho đến nay. Anh làm rất đa hệ nhưng chuyên về công việc nhặt xác và mai táng. “Cách nay không lâu, tôi cùng các thành viên trong nghiệp đoàn xe ôm phải bỏ công ăn chuyện làm để đi nhặt 2 cái xác ở điện Cây Quế”, anh Cường nói.

Theo lời anh, khoảng 10 giờ sáng hôm đó, người dân báo có 1 nam, 1 nữ uống thuốc sâu tự tử trong phòng trọ. Nhận được tin, 17/25 thành viên trong đội lên núi hỗ trợ cho ban ấp và công an. Đến khi tiếp cận mới xác định nạn nhân là 2 người nam. Do chết ở nơi có địa hình hiểm trở nên việc đưa xác xuống hết sức vất vả.

Các thành viên trong đội cho biết, nhiều hôm đã bắt số (tài) chạy xe ôm; tuy nhiên nhận được “lệnh” có người tự tử hay nhà nào cần người chôn cất là bỏ đi làm ngay, xong việc về chạy tiếp. “Công việc anh em làm ở đây không có trợ cấp. Trước giờ anh em làm vì lương tâm dù kinh tế còn nhiều eo hẹp. Mới đây, UBND xã “treo” thưởng mỗi vụ nhặt xác và mai táng các thành viên trong đội sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng; cũng vui, nhưng đó không phải là mục tiêu chính của chúng tôi trong việc làm này”, anh Cường chia sẻ.

Kim Thoa

Kim Thoa

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ky-nang-song/biet-doi-dac-biet-o-nui-cam-3929835-b.html