Biển xâm thực ngày một dữ dội

Trong thời gian gần đây, nhiều khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt tại các vùng ven biển trên địa bàn TP.Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc.

Bờ biển Lộc An 2 (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) sạt lở nghiêm trọng.

Bờ biển Lộc An 2 (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) sạt lở nghiêm trọng.

MẤT ĐẤT, MẤT NHÀ VEN BIỂN

Hơn 1 tháng qua, người dân sống ở khu vực ven biển ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc thấp thỏm nỗi lo sạt lở mỗi lúc triều cường. Ông Nguyễn Văn Linh, trưởng ấp Bình Hải cho biết, biển xâm thực sâu vào đất liền và diễn ra với tốc độ nhanh hơn trước. Nhiều dải đất ven biển bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. “Có nhiều ngôi nhà của người dân ở ấp Bình Hải đã hư hại, sụp đổ vì biển xâm thực”, ông Linh nói.

Ông Trần Đình Ngọc (nhà ở ấp Bình Hải) cho biết, 3 năm trước, biển cách nhà khoảng 50m, nhưng nay chỉ còn cách chưa đến 20m. “Chỉ cần thêm vài đợt triều cường, mưa to gió lớn nữa là sóng biển vào đến nhà. Cứ tình hình này thì sớm muộn gì cũng phải chuyển nhà đi”, ông Ngọc bày tỏ.

Đoạn bờ biển 1,5 km ở Lộc An, huyện Đất Đỏ (đoạn từ nhà hàng Phương Trang về phía Nam) là khu vực xói lở nghiêm trọng suốt nhiều năm qua. Dãy đồi dương xanh mát cách nay hơn 3 năm ở cửa biển Lộc An 2 nay đã bị biển nuốt chửng. Bờ biển ngổn ngang gốc cây, thân cây và dấu vết của những công trình từng được xây dựng lên chưa được bao lâu để phục vụ du lịch.

Chỉ tay về chiếc thuyền đang ở cách bờ hàng trăm mét, ông Hồ Trần Nguyễn, cán bộ địa chính, môi trường xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) thừa nhận tình trạng sạt lở ở khu vực ven biển trên địa bàn xã Lộc An thời gian qua diễn ra khá nhanh, đặc biệt là khu vực gần nhà hàng Phương Trang. Sạt lở nghiêm trọng nhất là những tháng cuối năm 2020, thời điểm mùa gió bấc về. “Trong 2 năm gần đây nhất, tình trạng sạt lở bờ biển khá là mạnh. Có nơi biển ngoạm sâu tới hàng chục mét”, ông Nguyễn thông tin thêm.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng sạt lở tại các khu vực ven bờ đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. 15 năm trước, tốc độ biển lấn hàng năm vào khoảng 2m/năm, nay đã lên hơn 30m/năm. Có những khu vực biển lấn sâu vào đất liền 80m chỉ trong vòng 1 năm. Ảnh hưởng nặng nề nhất là các dải đất ven cửa sông, những nơi có dòng chảy phức tạp, như: xã Phước Thuận, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Lộc An (huyện Đất Đỏ), Trại Nhái (TP. Vũng Tàu). Riêng, tại 2 xã Bình Châu và Phước Thuận, theo thống kê, có gần 18.000m bờ biển bị xói lở trong mấy năm trở lại đây.

CẦN CÓ HÀNH LANG BẢO VỆ HIỆU QUẢ HƠN

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, việc biển tiến nhanh vào đất liền là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Năm 2019, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là chống xói lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư; đồng thời bảo vệ vùng sản xuất, cơ sở hạ tầng, các công trình bên trong. Theo đó, khu vực bị xói lở nghiêm trọng hoặc đang có nguy cơ xói lở được đưa vào danh mục bảo vệ khẩn cấp. Cụ thể là toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển là hơn 48.618m. Hiện, tỉnh cũng đang triển khai nhiều dự án xây kè, thiết lập hành lang bảo vệ các khu vực ven biển, cấp bách thực hiện giải pháp nghiên cứu xây dựng công trình bảo vệ bờ biển, gia cố các tuyến đê biển, ngăn chặn xâm nhập mặn, phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển…

Được biết, để ngăn chặn tình trạng sạt lở tại khu vực ven biển, nhiều công trình đã được xây dựng nhưng chưa thực sự hiệu quả. Tại khu vực cửa biển Lộc An (huyện Đất Đỏ), công trình chống xói lở stabiplages đã được thí điểm vào năm 2005 và năm 2011. Đây từng là giải pháp chống xói lở được kỳ vọng nhất cho khu vực bờ biển Lộc An lúc bấy giờ. Tuy nhiên, hiện nay, công trình này đã có một số đoạn bị rách và một số đoạn chìm vào nước biển. Lý giải về tình trạng này, ông Đỗ Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, do cơ chế biến đổi đường bờ phức tạp vùng cửa biển, kết hợp dòng chảy và các đợt sóng rất mạnh từ cửa biển, hoạt động nạo vét, thông luồng cho tàu thuyền ra vào thường xuyên đã cuốn trôi lớp cát nền bồi dọc theo đường bờ, gây hở chân các stabiplages và làm sụt, lún công trình stabiplages này.

Mới đây, Sở KH-CN đã tổ chức hội nghị phản biện dự án “Thí điểm ứng dụng công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ, đê biển” của Công ty CP Khoa học công nghệ Việt Nam (BUSADCO). Dự án này đã triển khai và hoàn thành đưa vào sử dụng 100m bảo vệ bờ Sông Dinh và 200m bảo vệ bờ biển Hồ Cốc. Qua triển khai cho thấy công nghệ này nhiều ưu điểm vượt trội như: chống ăn mòn, chống xâm thực, khắc phục được những bất lợi về thời tiết, khí hậu, kiểm soát được xói lở. Hi vọng, với nền tảng công nghệ mới, khi triển khai, dự án sẽ là giải pháp hiệu quả trong bảo vệ khu vực bờ biển.

BR-VT có 40 khu vực bờ biển được thiết lập hành lang bảo vệ có tổng chiều dài 48.618m. Trong đó, phần đất liền có 27 khu vực với tổng chiều dài 36.744m, bao gồm: 5 khu thuộc TP. Vũng Tàu, 6 khu vực thuộc huyện Long Điền, 6 khu vực tại huyện Đất Đỏ và 10 khu vực thuộc huyện Xuyên Mộc. 13 khu vực còn lại được thiết lập hành lang bảo vệ nằm trên địa bàn huyện Côn Đảo với tổng chiều dài 11.874m, bao gồm các hòn: Côn Sơn, hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, hòn Tài, hòn Bà, hòn Tre Lớn.

Biển lấn sâu gây sạt lở nham nhở ở khu vực ấp Bình Hải (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc).

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202102/bien-xam-thuc-ngay-mot-du-doi-920454/