Biến tướng, lạm dụng nhưng không nên cấm 'kinh doanh dịch vụ đòi nợ'

Theo Ủy ban Kinh tế, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, phù hợp với các quy định của pháp luật. Ủy ban thẩm tra đề nghị không cấm, đồng thời bổ sung quy định, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Sáng 15/11, báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư sửa đổi, liên quan đến chính sách về đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để tránh trường hợp lạm dụng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp với quy định Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.

“Những quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, tách bạch rõ trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đầu tư, không chấp thuận chủ trương đầu tư và trường hợp tạm dừng, đình chỉ hoạt động đầu tư”, ông Thanh lý giải.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Ủy ban Kinh tế cho biết, vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến, đề nghị giữ các phụ lục 1, 2 và 3 Luật Đầu tư năm 2014 quy định Danh mục các chất ma túy, các hóa chất, khoáng vật cấm kinh doanh và động, thực vật hoang dã bị cấm ban hành kèm theo Luật, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên phải quy định trong luật.

Liên quan đến việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, theo ông Thanh, hiện có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật.

Loại ý kiến thứ hai, không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân.

“Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này”, ông Thanh cho hay.

Đối với ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Kinh tế tán thành bổ sung quy định này, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị. Cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tác động, rà soát bảo đảm tính tương thích với các cam kết quốc tế có liên quan và có báo cáo nghiên cứu pháp luật đầu tư một số quốc gia về nội dung này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc ban hành danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo hướng chọn bỏ như quy định của dự thảo Luật sẽ dẫn đến việc mở cửa thị trường sâu, rộng hơn mức đã cam kết tại Hiệp định CPTPP. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Quản lý ngoại thương về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, theo đó có sự khác biệt cơ bản về quyền được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế trong nước và của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trước nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Kinh tế đề nghị xây dựng danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường ngay trong phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật, nhất là danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường, bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách đầu tư.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bien-tuong-lam-dung-nhung-khong-nen-cam-kinh-doanh-dich-vu-doi-no-1486798.tpo