Biển trời ta là của ta

Cánh đây khoảng 944 năm, trong bài 'Nam Quốc Sơn Hà' một bài hịch được cho là Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, do tướng quân Lý Thường Kiệt soạn, đã khẳng định: 'Sông núi nước Nam, Vua Nam ở/ Rành rành địa phận bởi sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời'!

Là một quốc gia nằm ven bờ biển Đông, có chiều dài bờ biển lên tới hàng nghìn ki-lô-mét và diện tích biển cả triệu km2, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, biển luôn có vai trò đặc biệt quan trọng với quân và dân đất Việt.

Từ truyền thuyết Mẹ Âu Cơ đưa 50 người con lên núi, Cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con bám biển, đến truyền thuyết về chàng Mai An Tiêm, một mình ở đảo hoang giữa biển… điều này chứng minh chủ quyền biển đảo đã được tổ tiên ta xác lập từ lâu.

Nhà giàn DK1

Nhà giàn DK1

Từ các thời Lý, Trần, Lê… mà đỉnh cao là thời Nguyễn, Vua Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh (1762 -1820) đã cho quân ra thiết lập chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ các thời Nhà nước phong kiến Việt Nam xa xưa đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác các quần đảo nói trên. Hiện nay, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn bia, đền thờ các hùng binh hải đội Hoàng Sa là minh chứng.

Đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Đông Dương và đô hộ Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ địa giới hành chính của chính quyền Pháp đều ghi rõ chủ quyền thuộc về Việt Nam… Trải qua biến thiên của lịch sử, thời đại, đến nay quân và dân vẫn cương quyết bám biển bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc mến yêu.

Một góc Đảo Song Tử Tây. Ảnh: L.H.Q

Để cụ thể hóa chiến lược bảo vệ, phát triển biển của nước ta, ngày 22/10/2018, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh: “Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”.

Là thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp quốc, đối với vấn đề Biển Đông, Việt Nam kiên quyết giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình theo đúng tinh thần Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc; Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN ký năm 2002.

…Một mùa Xuân nữa lại về, thay vì vui Tết sum vầy bên gia đình, các chiến sĩ ở những tuyến đảo tiền tiêu của đất nước vẫn ngày đêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Những chuyến tàu cuối năm ra đảo, đưa nào đào, nào mai, nào quất, đặc biệt là gửi tấm lòng của đất liền ra đảo như muốn nhắn nhủ với quân và dân các đảo rằng: “Biển trời ta là của ta”. Đất liền sẽ luôn sát cánh cùng quân và dân biển đảo bảo vệ từng tấc đất, hải phận, khoảng trời của Tổ quốc mà tổ tiên để lại.

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bien-troi-ta-la-cua-ta-102214.html