Biến tình yêu bóng đá thành ý thức bảo vệ môi trường

Mong rằng, từ tình yêu bóng đá, hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều người nán lại sân vận động gọn rác sẽ cảm nhận rồi biến tình yêu bóng đá thành ý thức bảo vệ môi trường.

Dư luận đang dõi theo tính hình xúc tiến, tái ký hợp đồng giữa huấn luyện viên HLV Park Hang Seo với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Ở nước ta, những câu chuyện liên quan đến bóng đá từ sinh hoạt các cầu thủ đến huấn luyện viên, qua các trận đấu của đội tuyển đều nhận được sự quan tâm của rất nhiều người hâm mộ.

AFF Suzuki Cup 2018, Việt Nam khép lại hành trình với chức vô địch, nhiều người sung sướng hò hét đổ ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển. Trên khán đài sân vận động Mỹ Đình, sau khi cổ động viên rời đi, rác ở lại nào giấy, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa, bao nilông, hộp xốp đựng thức ăn…

Khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số ít cổ động viên nán lại, thu dọn rác. Hình ảnh này được lan truyền trên mạng xã hội đã để lại ấn tượng lớn với cộng đồng, bạn bè quốc tế bằng thông điệp thiết thực và ý nghĩa về trách nhiệm bảo vệ môi trường, thu gọn rác nơi công cộng.

Tôi là một trong nhiều người xuống đường chia vui, reo hò trong sung sướng thắng trận, khóe mắt cảm thấy cay cay khi ngắm nhìn đoàn người di chuyển và hô vang “Việt Nam chiến thắng”, “Việt Nam vô địch”. Đường phố lúc này rất đông xe, hầu hết đều lưu thông trong trật tự, có sự thay đổi rất lớn trong niềm vui cổ vũ bóng đá.
Hình như đây còn là dịp thể hiện khát khao trong lòng của nhiều thành phần, lứa tuổi từ những thanh niên chàng trai cô gái mới lớn đến người già. Khao khát thắng trận, vô địch bấy lâu. Phải chăng, khao khát thêm cái gì tử tế và lớn lao hơn nữa.

Từ đó làm tôi nhớ lại vấn nạn xả rác bừa bãi ở nước ta. Dễ thấy nhất tại các đô thị lớn sau mỗi lần tổ chức sự kiện, lễ hội hay ở nơi công cộng tập trung đông người như phố đi bộ, hội sách, đường hoa, công viên, rạp chiếu phim… Trong cống thoát nước có đủ loại rác nào là đất cát, thức ăn thừa, đồ gỗ phế thải, áo mưa tiện lợi, kể cả chăn màn nệm...

Trên đường phố tại nút giao thông, ngã tư thường xuất hiện cảnh phát tờ rơi quảng cáo, nhiều người đọc xong vứt ra thành rác gặp lúc trời mưa cuốn theo dòng nước đọng lại ở cửa thu hố ga làm tắc ngẽn dòng chảy gây ngập. Ở ngoại thành, vùng nông thôn, nạn xả rác làm ô nhiễm các cánh đồng, sông, kênh, rạch, ao, hồ.

Nạn xả rác bừa bãi ở nước ta tác động xấu đến chất lượng sống, hình ảnh đất nước, môi trường, gây ngập, mất mỹ quan nhưng không ít người mặc kệ và xem như không phải chuyện của mình.

Thời gian qua, nhiều người từng nhói lòng khi xem chương trình truyền hình thấy anh công nhân Ngô Chí Hùng kể về hiểm nguy trong công việc nạo vét cống thoát nước tại TP.HCM: "Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm, vật kim loại tứa máu, đau đến thấu tim. Rồi có khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài thì nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu… Nhưng vì công việc tui tôi cắn răng mà chịu, mong sao bà con mình để rác đúng nơi đúng chỗ, đừng xả hết xuống cống nữa".

Đây là hình ảnh đáng buồn cho thấy nhiều người chưa ý thức bảo vệ môi trường, không còn là chuyện riêng vì đã ảnh hưởng đến cộng đồng, làm xấu hình ảnh đất nước.

Bóng đá Việt Nam có cái kết viên mãn trong năm 2018, vào bán kết Asiad, vị trí á quân U-23 châu Á, vô địch AFF Cup 2018. Hẳn ai cũng phải tự hào với những thành tích vang dội, thành công của bóng đá Việt Nam. Cả nước rộn ràng, hàng triệu người đổ ra đường vui mừng cả đêm với cái gì đó cảm thấy thiêng liêng lắm.

Bóng đá có sức lan tỏa quá lớn, gắn kết hàng chục triệu tấm lòng chung một hướng, toàn dân tham gia cổ vũ đội tuyển nước nhà và thể hiện tinh thần dân tộc, tình yêu với trái bóng tròn. Nhân đó, nhiều người đề xuất nâng vị thế của bóng đá lên thành môn thể thao quốc gia, hơn nữa là một thứ gì đó làm biểu tượng như “quốc hồn”, “quốc túy”, “quốc hoa”, “quốc phục” của Việt Nam.

Bóng đá làm cho người dân hân hoan, hưởng ứng, cổ vũ nồng nhiệt, kết nối hàng chục triệu con người cùng nhau nhìn về một hướng, tạo động lực tích hơn để giải quyết các vấn đề cuộc sống.

Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Dẫu biết tính tự giác phải trải qua giáo dục, rèn luyện. Vẫn mong từ tình yêu bóng đá, hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều người nán lại sân vận động gọn rác sẽ cảm nhận rồi biến tình yêu bóng đá thành ý thức bảo vệ môi trường.

Nên chăng có thể biến động lực ấy thành cơ hội loại bỏ những hành vi chưa đẹp trong xã hội, chẳng hạn nạn xả rác bừa bãi hay vi phạm luật giao thông... Mỗi người thấy rác đều tự giác nhặt lên bỏ đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi để nước ta còn có môi trường xanh - sạch - đẹp, nếp sống văn minh, văn hóa nơi công cộng chứ không chỉ có đội tuyển bóng đá đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018.

Hơn nữa, biến tình yêu bóng đá thành sức mạnh vô bờ bến. Dùng hình ảnh bóng đá tuyên truyền, vận động, khơi gợi động lực phát triển đất nước. Cũng như đánh thức các tài năng, làm cho khát vọng trở thành động lực có tổ chức ngăn chặn cái xấu và phát triển cái tốt hướng đến sự tử tế.

Đỗ Ngô Trần (TPHCM)

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/bien-tinh-yeu-bong-da-thanh-y-thuc-bao-ve-moi-truong-153805.html