Biến thể SARS-CoV-2 có đáng lo?

Biến chủng virus lây nhanh hơn chủng cũ nhưng chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn, tỉ lệ tử vong cũng không có sự khác biệt

Đánh giá nguy cơ lây lan từ chủng virus biến thể của Anh, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn so với biến thể cũ với tốc độ lây lan nhanh hơn 70%.

Nguy hiểm hơn chủng ban đầu

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết các mẫu giải trình tự gien virus SARS-CoV-2 trên các bệnh nhân ở khu vực phía Bắc cho thấy gien tương tự virus B.1.1.7 được phát hiện tại Anh. Theo ông Đức Anh, biến chủng B.1.1.7 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây. Biến chủng đang khiến dịch bùng phát mạnh mẽ tại nhiều nước châu Âu. Hiện biến chủng B.1.1.7 đã xuất hiện ở hơn 70 nước.

Bệnh nhân 1660 (Hải Dương) đến TP HCM hôm 28-1. Đây là bệnh nhân đầu tiên tại TP HCM liên quan đợt dịch từ Hải Dương - Quảng Ninh và cũng là trường hợp đầu tiên tại TP HCM, thứ hai tại Việt Nam nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh.

Trước đó, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã giải trình tự gien virus SARS-CoV-2 và phát hiện biến thể virus của Nam Phi trên bệnh nhập cảnh là chuyên gia từ Nam Phi. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Chủng virus này cũng được khuyến cáo lây lan nhanh hơn chủng cũ và là 1 trong 2 chủng biến thể (cùng với chủng biến thể từ Anh) đang lan nhanh sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

"Hiện chưa thể khẳng định biến thể mới của SARS-CoV-2 làm cho bệnh nặng lên nhưng tốc độ lây lan nhanh chóng sẽ khiến nguy cơ số lượng bệnh nhân tăng lên gây quá tải cho hệ thống y tế. Thêm vào đó, nếu dịch lây lan vào bệnh viện sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và tỉ lệ tử vong sẽ tăng lên" - PGS Trần Đắc Phu nhận định.

Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng tại TP HCM (Ảnh: HCD)

Hoạt động lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng tại TP HCM (Ảnh: HCD)

Chưa ghi nhận bệnh nặng

GS Đặng Đức Anh cho biết: "Một số vắc-xin ngừa Covid-19 được sản xuất với công nghệ sản xuất là vắc-xin vector Newcastl, gắn gien biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Protein S này được các nhà khoa học sử dụng làm kháng nguyên. Tuy nhiên, đoạn protein S khá dài trong khi đột biến chỉ trên một số điểm, toàn bộ đoạn protein S không bị ảnh hưởng nên nhìn chung biến chủng của SARS-CoV-2 sẽ không ảnh hưởng".

Cũng theo GS Đặng Đức Anh, các nghiên cứu chỉ ra biến chủng virus lây nhanh hơn chủng cũ nhưng về lâm sàng chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn. Tỉ lệ tử vong cũng không có sự khác biệt.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực xét nghiệm cho rằng nếu tới đây quá trình đột biến virus dẫn đến sự thay đổi rất nhiều điểm trên một đoạn gien thì có thể ảnh hưởng đến kháng nguyên. "Khi đó cần có sự điều chỉnh nhưng để có sự thay đổi này có thể sẽ cần một thời gian nhất định" - một chuyên gia nhận định.

Liên quan đến bệnh nhân 1660, ngành y tế TP HCM đã truy vết 19 trường hợp tiếp xúc, trong đó 18 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, một người đang đợi kết quả. 114 hành khách và tổ bay trên chuyến bay chung với bệnh nhân cũng đã được cách ly tại TP HCM. Trong đó 20 người gồm tổ bay và hành khách ngồi trong vòng 5 hàng ghế gần bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Các hành khách ngồi hàng ghế khác là 94 người, trong đó 36 đã có kết quả âm tính, 58 đang chờ kết quả.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho hay TP HCM đã tăng cường hoạt động giám sát tại khu dân cư, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực nguy cơ như mật độ dân cư cao, các khu nhà trọ... HCDC đã triển khai giám sát tại các quận, huyện: 7, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và TP Thủ Đức (TP HCM) với khoảng 2.000 mẫu xét nghiệm. Tính đến ngày 2-2, đã tổ chức lấy được 1.441 mẫu chuyển về phòng xét nghiệm của HCDC. Kết quả: 853 mẫu âm tính, 588 mẫu đang đợi kết quả.

"Trong tình hình hiện nay, với sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới, người dân không nên quá hoang mang lo lắng, cần tăng cường cảnh giác, tuân thủ nghiêm phòng bệnh theo thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khoảng cách - Khai báo y tế" - BS Dũng khuyến cáo.

Không ảnh hưởng tới vắc-xin

Theo các chuyên gia dịch tễ, bản chất của virus là thường xuyên xảy ra đột biến. Đơn cử như virus cúm hằng năm đều có sự đột biến, thay đổi. Do đó, hằng năm, các nhà sản xuất đều có sự điều chỉnh trong sản xuất vắc-xin cúm mùa cho người dân, vắc-xin cúm cũng được khuyến cáo tiêm hằng năm. Trước những lo ngại virus biến thể SARS-CoV-2 sẽ vô hiệu hóa vắc-xin Covid-19, GS Đặng Đức Anh cho rằng biến chủng này chỉ đột biến trên một số điểm nên không ảnh hưởng tới vắc-xin phòng Covid-19.

DIỆU THU - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/bien-the-sars-cov-2-co-dang-lo-20210203212146058.htm