Biến thể mới của SARS-CoV-2 tại Nam Phi có nguy cơ gây tái nhiễm

Trong một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí bioRxiv, các nhà khoa học đến từ các trường đại học và Viện Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NICD) của Nam Phi cho biết biến thể virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại nước này có 'nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt', làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của vaccine.

Cấp cứu bệnh nhân tại bệnh viện Steve Biko, thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng/TTXVN

Cấp cứu bệnh nhân tại bệnh viện Steve Biko, thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng/TTXVN

Nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2, chứa các đột biến gene khác nhau, đã xuất hiện trong vài tuần trở lại đây, làm gia tăng lo ngại về khả năng lây nhiễm cao hơn, cũng như nguy cơ virus này có thể tránh được kháng thể sinh ra do lây nhiễm từ trước hoặc do tiêm vaccine.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học ở Nam Phi đã kiểm tra khả năng kháng huyết tương của biến thể mới được phát hiện tại nước này, có tên gọi 501Y.V2, đối với các bệnh nhân đã khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nghiên cứu cho thấy chúng có thể chống chịu được các kháng thể trung hòa được tạo ra từ lần lây nhiễm trước đó. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về hiệu quả trong các giai đoạn khác của phản ứng miễn dịch.

Phát hiện trên đồng nghĩa với việc dù nhiều người từng nhiễm SARS-CoV-2 và được cho là đã tích lũy khả năng miễn dịch ở mức nhất định, thì các biến thể mới như 501Y.V2 vẫn có nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt.

Các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả này cũng ảnh hưởng đến việc sử dụng huyết tương của người bệnh đã hồi phục trong điều trị COVID-19 và cả các loại vaccine được phát triển dựa trên phản ứng miễn dịch với protein gai của virus.

Trên mạng xã hội Twitter, chuyên gia Trevor Bedford tại Trung tâm Nghiên cứu Fred Hutchinson cảnh báo biến thể mới này có thể "lây lan rộng hơn trong vài tháng tới". Ông cho biết nếu kết quả nghiên cứu tại Nam Phi được xác nhận, việc phát triển vaccine ngừa biến thể mới này sẽ cần được tiến hành trong mùa Thu năm nay.

Ông James Naismith, giám đốc Viện Rosalind Franklin cho rằng phát hiện mới "không phải là tin tốt nhưng cũng không nằm ngoài dự tính". Các phản ứng miễn dịch trong thực tế phức tạp hơn so với các kháng thể trung hòa của huyết tương. Theo ông James, mặc dù các loại vaccine có thể kích thích phản ứng rất mạnh, nhưng quá trình miễn dịch có cơ chế thay đổi dần về quy mô, chứ không phải là cơ chế bật/tắt.

Cùng ngày, hai nghiên cứu sơ bộ khác của các nhà nghiên cứu tại Anh và Hà Lan được đăng tải trực tuyến cho thấy các kháng thể của bệnh nhân từng mắc COVID-19 có hiệu quả mạnh đối với biến thể mới của SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh, đồng thời vaccine do BioNTech và Pfizer phối hợp sản xuất có thể bảo vệ con người khỏi biến thể này.

Các nhà nghiên cứu cho biết các phát hiện ban đầu với biến thể B.1.1.7 có khả năng lây lan nhanh cho thấy biến thể này không có khả năng làm giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện tại.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra biến thể ở Anh trong phòng thí nghiệm với huyết tương giàu kháng thể của 36 bệnh nhân COVID-19 ở các mức độ khác nhau đã hồi phục và phát hiện phần lớn kháng thể đều trung hòa được biến thể mới này.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học tại BioNTech và Pfizer đã so sánh hiệu quả của huyết tương từ 16 tình nguyện viên trong các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa biến thể SARS-CoV-2 ở Anh và loại virus ban đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc). Kết quả cho thấy biến thể này có thể vượt qua phản ứng miễn dịch của vaccine.

Các biến thể được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil chứa các đột biến gene của protein gai - loại protein gắn ở vỏ ngoài của virus, giúp chúng "lẩn trốn" hệ miễn dịch - cho phép virus bám vào tế bào của người, do đó loại protein này đóng vai trò quan trọng đối với khả năng lây nhiễm.

Biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan cao hơn 50% so với các loại biến thể trước đó. Kể từ khi được báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối tháng 12, biến thể này đã lan sang ít nhất 20 quốc gia.

Minh Tuấn - Trà Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-the-moi-cua-sarscov2-tai-nam-phi-co-nguy-co-gay-tai-nhiem-20210121153941368.htm