Biển tên chữ Trung Quốc gắn ở nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Biển tên có chữ Trung Quốc lớn hơn và nằm trên chữ Việt Nam xuất hiện ở các nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Ban quản lý dự án cho biết tổng thầu đã tự ý dán lên.

Mấy ngày qua, nhiều người đi đường thấy tại các nhà ga trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông gắn biển tên. Đáng chú ý, phần chữ tiếng Trung Quốc lớn hơn và được đặt phía trên chữ tiếng Việt.

Bức ảnh chụp biển tên nhà ga được lan truyền trên mạng. Ảnh: Q.D.

Khi tấm ảnh chụp biển nhà ga Phùng Khoang xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc và đặt câu hỏi tại sao công trình đường sắt của Việt Nam lại gắn biển tên có phần chữ Trung Quốc chiếm quá nửa diện tích.

Theo ghi nhận, đến sáng 7/8, các tấm đề can bằng nylon ghi biển tên nhà ga bị vò nát, gỡ bỏ. Nhân viên bảo vệ công trường cho biết mới nhận được chỉ đạo bóc gỡ toàn bộ số biển này.

Chiều 6/8, các biển tên nhà ga tại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được bóc gỡ. Ảnh: Ngọc Tân.

Trao đổi với Zing.vn, ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT), cho biết Ban đã chỉ đạo tổng thầu gỡ bỏ toàn bộ số biển tên sau khi nhận được thông tin phản hồi từ người dân.

Theo ông Phương, các biển này được tổng thầu dán trên toàn tuyến khoảng vài ngày qua để phục vụ cho các công nhân (gồm cả người Trung Quốc) đang thi công dự án. Việc thiết kế và dán biển do tổng thầu tự ý làm, không hỏi ý kiến Ban quản lý dự án.

Một tấm biển song ngữ khác được đặt tại lối lên nhà ga. Ảnh: Ngọc Tân.

Lãnh đạo Ban quản lý dự án Đường sắt khẳng định đây không phải là biển chính thức. Theo thiết kế, biển tên chính thức tại các nhà ga chỉ có 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Dự án do chủ thầu Trung Quốc thực hiện. Ban đầu dự kiến triển khai dự án từ tháng 11/2008 đến tháng 11/2013 hoàn thành, tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD (trong đó gồm nguồn vốn chính phủ kết hợp với vốn vay ODA của Trung Quốc).

Lộ trình dự án Cát Linh - Hà Đông. Đồ họa: Hữu Nhân.

Tuy nhiên, với tiến độ chậm, đến tháng 10/2011, dự án mới chính thức triển khai và điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỷ đồng).

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu trong tháng 8 năm nay phải chạy thử tuyến đường sắt này và đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2018.

Chạy thử 13 km tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sáng 6/3, đoàn tàu công trình đã chạy thử từ ga Cát Linh đến khu điểm cuối là depot Hà Đông với vận tốc tối đa khoảng 35 km/h.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bien-ten-chu-trung-quoc-gan-o-nha-ga-duong-sat-cat-linh-ha-dong-post866710.html