Biên tập viên... với du ca trên phố Trịnh

Lặng lẽ ở một góc nhỏ khiêm nhường, từng giọng ca mộc ngọt cất lên những bản tình ca thế kỷ của người nhạc sĩ trên chính con đường mang tên ông. Không biết đến thời gian, không kể mưa hay bão, những kẻ du ca mê mải theo những ca từ, giai điệu mật ngọt mà Trịnh Công Sơn đã viết nên bằng cả cuộc đời của mình.

Một góc Du ca quán

Quán Du ca trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội) được các nghệ sĩ không chuyên khao khát sẽ tạo nên một góc nhỏ quen thuộc cho khán giả yêu nhạc Trịnh. Nơi ấy, sẽ là không gian của những giọng ca mộc mạc, trong ánh đèn đỏ xa xôi mà gợi nhớ về cái thủa ban đầu của một dòng nhạc trĩu nặng yêu thương.

Ngồi “chiếu làng”, nghe nhạc Trịnh

Đã từng nghe nhiều ca sĩ nổi tiếng hát nhạc Trịnh trên những sân khấu lớn nhỏ khác nhau, nhưng tôi dám chắc sẽ không có đêm nhạc Trịnh nào đặc biệt hơn góc nhỏ này. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn mở cửa chưa lâu, nhưng cái góc nhỏ duy nhất đậm sắc màu nhạc Trịnh ấy đã kịp có được những khán giả hết mực đam mê của mình. Quán Du ca là nơi gặp không hẹn trước của những giọng ca chung niềm yêu các bản tình ca có sức sống vượt thời gian. Họ, tự nhận mình là những kẻ du ca, chỉ biết yêu thương mà mê mải.

Linh hồn của Quán Du ca, ít ai ngờ là một phụ nữ đã ở tuổi 54, yêu nhạc Trịnh từ thời con gái và chung thủy cho đến tận bây giờ. Nghệ sĩ không chuyên Trần Thanh Mai, nghệ danh ở Quán Trịnh là Ngọc Mai, thật bất ngờ lại từng là biên tập viên của Báo Văn Hóa, thời kỳ nhà báo Mai Thúc Luân là Tổng Biên tập. Cuộc đời nhiều bôn ba vất vả, sau khi hết gắn bó với nghề báo là quãng thời gian mà bà Mai đã đi qua hơn 20 nước để làm nhiều công việc. Nhưng sau chừng ấy năm, trong bà vẫn còn mãi sự ấm nóng của một trái tim mẫn cảm, sự bền bỉ của một giọng hát giàu nội lực, và trên tất cả là niềm đam mê không thay đổi với âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Trong tiếng đàn ghi ta mộc mạc, người đàn bà hát nhạc Trịnh nhìn tôi và nói: “Cô sẽ hát tặng em ca khúc Chiều một mình qua phố, như cô đã từng hát ở cái tuổi 16 của mình”. Và cứ thế, những giai điệu, ca từ mộc ngọt: “Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em. Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím...” cất lên, cao thanh mà trong trẻo. Đây là lần đầu tiên, tôi được nghe một ca khúc yêu thích trong một sắc màu cảm xúc khác lạ đến vậy. Nhìn người nghệ sĩ mơ màng hát như để nhớ lại cái thủa 16 của mình, khán giả của đêm nhạc vốn không lộng lẫy, chẳng phấn hoa này đều rưng rưng cảm động.

Nghệ sĩ Ngọc Mai

“Em biết không, đây là bài hát đầu tiên mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dạy cho tôi. Ông đã nghe tôi hát trong một lần gặp gỡ đặc biệt và nói: “Em hát hay lắm, giọng rất mộc và không kiểu cách...”. Tôi hiểu như thế nghĩa là nhạc sĩ khen giọng hát của mình. Và từ đó, niềm đam mê, yêu thích nhạc Trịnh mỗi ngày một lớn”, nghệ sĩ Ngọc Mai kể chuyện.

Biển nhớ, Như cánh vạc bay, Ru ta ngậm ngùi, Diễm xưa, Tình nhớ, Lặng lẽ nơi này, Tuổi nào cho em..., giọng ca mộc mạc đầy cảm xúc của người nghệ sĩ chưa từng một lần đứng trên sân khấu hào nhoáng nào lại dường như ủ chất men say, khiến người nghe cũng mê mải mà cuốn theo. Cũng năm 16 tuổi, độ tuổi lãng mạn và dễ thương nhất cuộc đời, tôi nhớ mình đã từng yêu nhạc Trịnh đến độ một mình trước biển Đồ Sơn để hát bài Biển nhớ. Lúc đó, tôi nghĩ sóng biển sẽ là khán giả và mê mải hát, đến khi dừng lại thì phía sau lưng đã có rất nhiều người đứng nghe. Đó là một kỷ niệm mà tôi mãi mãi không thể nào quên”, nghệ sĩ du ca nhớ lại.

Cũng chính từ tình yêu đó, khi phố đi bộ Trịnh Công Sơn bắt đầu mở cửa, ngay trong ngày khai trương mưa gió, nghệ sĩ Ngọc Mai đã tìm đến đây. Ấp ủ ý tưởng đi trên phố Trịnh và cất lên những giai điệu tự tình quyến luyến của bà đã gặp được sự đồng tình của những giọng hát chung niềm đam mê. Quán Du ca đã ra đời như thế, tại một góc nhỏ khiêm nhường, trong ánh đèn đỏ mơ màng, với vài chiếc chiếu trải và những bộ bàn ghế đơn sơ... Ở góc nhỏ giản dị đó, khán giả yêu mến những bản tình ca bất hủ đã có một sân khấu tuyệt vời nhất, để được sống cùng những giai điệu mộc mạc của dòng nhạc Trịnh một thời đã xa.

600 tình khúc để du ca

Những đêm nhạc của Du ca còn đặc biệt hơn bởi sự có mặt của những giọng ca “mẹ truyền con nối”. Đan Sâm, con gái của nghệ sĩ Ngọc Mai tâm sự: “Nghe nhạc Trịnh Công Sơn từ trong bụng mẹ, tôi cũng đã lớn lên trong những lời ru bằng nhạc Trịnh. Biển nhớ, Diễm xưa, Ru ta ngậm ngùi..., mẹ đã hát và nuôi tôi khôn lớn bằng những giá trị tinh thần như thế. Sau này, khi đã có gia đình riêng, tôi lại hát những bản tình khúc đó cho con mình nghe. Các con tôi gọi sân khấu Du ca là “gánh hát của bà ngoại”. Ở đó, chúng tôi được nhìn thấy mẹ của mình trong một niềm đam mê mãnh liệt. Mẹ hát bằng tất cả trái tim, bằng tình yêu và niềm đam mê mà một thời tuổi trẻ bà đã phải lãng quên để nuôi con khôn lớn, trưởng thành”.

Có lẽ vậy mà kể từ khi Quán Du ca khai màn, khán giả không lạ khi gặp trên sân khấu mộc mạc, đơn sơ ấy cả hai giọng hát mẹ và con. Có những hôm trời mưa, khán giả che ô, mặc áo mưa đứng ở sân nghe hát khiến những kẻ du ca như quên hết mọi bộn bề. Mẹ ôm con, bà ôm cháu, lãng đãng trong mưa tiếng đàn ghi ta và những giọng ca ngọt lịm. Có khán giả cũng hát, không có người nghe cũng hát. Hát giữa trời mưa tầm tã, hát kể cả khi điện tắt chỉ còn ánh nến mờ mờ. Nhiều khi con cái khuyên tôi giữ sức khỏe, nhưng cứ nhạc lên là tôi lại hát, có đêm hát liền một lúc hơn 20 bài mà không thấy mệt”, nghệ sĩ Ngọc Mai chia sẻ.

Tự nhận mình là kẻ hát rong chỉ biết hướng đến đam mê là bến bờ, cây ghi ta cùng chất giọng nam cực đẹp của nghệ sĩ không chuyên Ngọc Bình cũng khiến cho bao bước chân du khách trên con phố đi bộ mang tên người nhạc sĩ tài danh phải dừng lại. Rất thú vị khi biết ông là một chuyên gia Đông Y của Hiệp hội Dược liệu Việt Nam. Người đàn ông có gương mặt hiền hiền mà cuốn hút cười nói: Không có một lý do nào đặc biệt dành cho Quán Du ca. Chỉ đơn giản là những kẻ hát rong này đều mong muốn bằng một cách thức nào đó tiếp tục đưa nhạc Trịnh đi vào lòng công chúng. Gia tài âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho người nghe rất nhiều, tới trên 600 ca khúc, nhưng thực tế chỉ có khoảng vài chục đến hơn 100 ca khúc được hát thường xuyên. Bởi thế, nhóm Du ca sẽ hát cho đến khi không còn được hát, để đưa được toàn bộ hơn 600 ca khúc này đến với người nghe...”.

Vì lẽ đó mà mỗi cuối tuần, góc nhỏ Du ca vẫn vút cao tiếng hát của những nghệ sĩ không chuyên bình dị. Không phấn son lộng lẫy, không cát sê, thù lao..., tất cả đều hát chỉ với niềm đam mê với những bản tình ca và sự trân trọng người nhạc sĩ có trái tim đa cảm.

Nghệ sĩ Trần Thanh Mai, nghệ danh ở Quán Trịnh là Ngọc Mai, thật bất ngờ lại từng là một biên tập viên của Báo Văn Hóa, thời kỳ nhà báo Mai Thúc Luân là Tổng Biên tập. Bà Mai kể, năm 1986, Báo Văn Hóa là địa chỉ trải nghiệm đầu tiên với nghề báo của bà sau khi tốt nghiệp Khoa Lý luận Phê bình sân khấu Điện ảnh (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh).

Dù ở lại báo không lâu nhưng đây là mái nhà đầu tiên đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm khó quên. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm và có được nhiều người bạn ở Báo Văn Hóa từ ngày đó...”, bà Mai tâm sự.

Nga Ngân; ảnh: Trần Huấn

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-nghe/artmid/616/articleid/8395/bi234n-t%E1%BA%ADp-vi234n-v%E1%BB%9Bi-du-ca-tr234n-ph%E1%BB%91-tr%E1%BB%8Bnh