'Biến' suối công thành của riêng tại Xuân Lộc (Đồng Nai): Các cơ quan chức năng đang xử lý vi phạm… trên giấy?

Như Báo PLVN đã thông tin về sự việc, con suối tự nhiên chảy vào hồ Gia Măng tại khu vực xã Xuân Hiệp bị gia đình ông Bùi Duy Lộc (thị trấn Gia Ray – Xuân Lộc) tự ý lắp đặt cống, tiến hành san lấp và lấn chiếm sử dụng như của riêng. Mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền, báo chí vào cuộc, thế nhưng các cơ quan chức năng vẫn chỉ xử lý trên giấy tờ. Vi phạm vẫn ung dung tồn tại gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Vi phạm của hộ gia đình ông Lộc vẫn ngang nhiên tồn tại.

Vi phạm của hộ gia đình ông Lộc vẫn ngang nhiên tồn tại.

Vi phạm vẫn tồn tại như một thách thức

Trước đó Báo PLVN đã phản ánh, tại khu vực nằm giữa thửa đất số 26 và 27, tờ bản đồ số 8 trước đây tồn tại một con suối tự nhiên rộng gần 5m chảy vào hồ Gia Mang. Con suối này giáp trực tiếp với Quốc lộ 1A, với nhiệm vụ chính là tiêu nước cho cả khu vực xung quanh mỗi khi mưa lớn.

Thế nhưng, từ năm 2016, khi hộ gia đình ông Lộc mua thửa đất số 26 sát cạnh con suối ngang nhiên tiến hành đặt cống và đổ đất, lấn chiếm toàn bộ khu vực đất suối để sử dụng. Việc làm này của gia đình ông Lộc khiến người dân, cử tri nơi đây vô cùng bức xúc. Họ cũng đã kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri với UBND xã Xuân Hiệp và huyện Xuân Lộc nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Một số người dân cho rằng, việc lấn chiếm suối của ông Lộc đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ. Mỗi khi mưa lớn, nước từ trên dốc thuộc đoạn đường QL1A tràn về khu vực suối, do con suối đã bị lấp, lượng nước này ngưng lại và không được tiêu thoát kịp thời, dẫn đến ngập úng cục bộ.

Bức xúc trước việc lấn chiếm suối của gia đình ông Lộc, một người dân nói: “Tôi không biết gia đình ông Lộc như thế nào, ông ấy ở nơi khác về đây mua đất. Ông ấy mua xong, thấy con suối lớn cạnh thửa đất của mình, liền tiến hành lấp cống và đổ đất lên trên.

Ông ấy chỉ biết cái lợi của mình, vì khi ông đổ đất lên con suối, thì công trình tường bao của gia đình ông ấy sẽ được an toàn, không bị đổ. Thế nhưng những thiệt hại từ việc làm đó, chúng tôi lại phải chịu. Ông Lộc mua đất xong để không, không sử dụng đến. Nếu như ông ấy ở đây mà thấy ngập như vậy, chắc ông cũng sẽ hiểu nỗi khổ của chúng tôi”.

Ông P – một người dân khác ấm ức nói với phóng viên: “Không biết việc làm của ông Lộc này có được cấp phép hay không? Nhưng việc lấp suối công, suối tự nhiên để dùng cho lợi ích cá nhân thì người dân chúng tôi không đồng ý”.

Bà D – người dân sống gần con suối cho biết: “Khi lấp suối, chính quyền họ cũng có đến nhưng không hiểu sao ông Lộc vẫn tiếp tục thi công. Thậm chí xã mời ông ấy lên làm việc ông ấy còn không lên”.

Trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Thị Diệu – Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp xác nhận: “UBND xã đã nhiều lần gửi giấy mời ông Lộc lên để làm việc nội dung này, nhưng ông này nhiều lần lấy lý do bận công tác để từ chối làm việc với chính quyền”.

Việc hộ gia đình ông Lộc ngang nhiên lấn chiếm suối tự nhiên để sử dụng như “tài sản riêng” của mình, xây dựng, lắp đặt cống mà không hề xuất trình bất cứ giấy phép nào nhưng không được các cấp chính quyền xử lý. Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp thừa nhận thiếu sót trong công tác quản lý của mình.

Bà Diệu nói: “Việc ông Lộc tiến hành xây dựng, lấp suối là không có đơn vị nào cấp phép cho ông này hết. Khi ông Lộc tiến hành làm, UBND xã có cử người xuống làm việc với ông này, nhưng không tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Do vậy cũng chưa tiến hành xử phạt hành chính. Đây là thiếu sót của tôi, cũng như chính quyền địa phương. Trách nhiệm này trước hết thuộc về tôi vì đã không thực hiện đầy đủ biện pháp ngăn chặn”.

Chia sẻ thêm về sự việc, bà Diệu cũng cho biết, khu đất của ông Lộc thuộc lộ giới hành lang an toàn đường bộ, nên bên Chi cục Quản lý đường bộ là đơn vị quản lý. Việc xây dựng, lắp đặt cống của ông Lộc UBND xã không đủ thẩm quyền để cấp phép. Bên Chi cục Quản lý đường bộ cũng không phải là đơn vị có thẩm quyền.

Các cơ quan chức năng chậm trễ trong việc xử lý vi phạm?

Trước sự việc san lấp, lấn chiếm, cải tạo suối tự nhiên không hề được cấp phép, cũng như thái độ không hợp tác của ông Lộc với chính quyền địa phương, vậy tại sao các cơ quan chức năng không xử lý vi phạm triệt để?

Phải chăng có sự bao che cho vi phạm của chính quyền nơi đây? Khi phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng chỉ biết họp và lại họp, sau đó ra một số văn bản như để “cho có” bất chấp công trình vi phạm vẫn thản nhiên tồn tại. Vậy trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong việc xử lý vi phạm này?

Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã làm việc với các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, mỗi đơn vị chức năng lại có cách trả lời khác nhau. Thậm chí họ còn cho rằng việc giải quyết vi phạm đó không phải là trách nhiệm của mình hoặc đang chờ cấp trên chỉ đạo.

Trong khi đó, UBND huyện Xuân Lộc lại chỉ biết ra văn bản đề nghị các đơn vị khác phối hợp xử lý vi phạm, mặc dù thẩm quyền xử lý vi phạm lại của chính UBND huyện này. Một số đơn vị liên quan được đề nghị phối hợp lại chậm trễ thực hiện theo yêu cầu của UBND huyện Xuân Lộc. Do vậy, việc xử lý vi phạm trên của ông Lộc vẫn cứ bị bỏ ngỏ.

Cụ thể, sau khi Báo PLVN phản ánh thông tin, UBND huyện Xuân Lộc cùng với Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 và Tổng công ty 319 – Chi nhánh BOT Sông Phan tổ chức cuộc họp vào ngày 28/10 để xử lý thông tin Báo PLVN phản ánh. Sau đó, ngày 4/10/2019, UBND huyện này đã ban hành 2 văn bản liên quan đến việc xử lý vi phạm của hộ gia đình ông Lộc.

Văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm của UBND huyện Xuân Lộc vẫn chưa phát huy tác dụng.

Theo Văn bản số 6914/UBND-KT ngày 4/10/2019 của UBND huyện Xuân Lộc gửi các Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Xuân Hiệp về việc lập hồ sơ xử lý trường hợp đặt cống, san lấp mặt bằng chiếm dụng suối tại thửa đất số 26 và 27 tờ bản đồ số 8 xã Xuân Hiệp thì UBND huyện giao cho UBND xã Xuân Hiệp chủ trì, phối hợp với các phòng ban để lập hồ sơ xử lý trường hợp vi phạm của ông Bùi Duy Lộc và báo cáo UBND huyện trước ngày 10/10/2019.

Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện Xuân Lộc là vậy, thế nhưng đến nay vi phạm của ông Lộc vẫn chưa bị xử lý. Sự chậm trễ, phối hợp chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả giữa các đơn vị, cơ quan liên quan và sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương đang tạo điều kiện cho vi phạm kéo dài.

Trao đổi với bà Diệu về vấn đề này, bà Diệu cho biết: “UBND xã đang chờ chỉ đạo của UBND huyện. Xã cũng đã làm báo cáo gửi huyện về việc xử lý vi phạm của ông Lộc. Tuy nhiên, phần vi phạm của ông Lộc bao gồm cả phần quản lý của Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 và phần quản lý của UBND huyện. Nên huyện và xã cũng đang chờ đơn vị này phối hợp cùng xử lý.”

Liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với gia đình ông Lộc của Chi Cục Quản lý đường bộ IV.2, phóng viên có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Lê Huy Triển – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.2. Ông Triển cho biết: “Chi cục đã nắm được vi phạm, thế nhưng chưa thấy bên UBND huyện phối hợp gì cả”. Sau đó, ông Triển cáo bận và hẹn sẽ thông tin sau.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Triển khẳng định đoạn cống ông Lộc lắp đặt trái phép lên tới 44m, trong đó có 15m thuộc hành lang an toàn đường bộ do Chi cục Quản lý và chịu trách nhiệm, phần còn lại thuộc về địa phương. Việc lắp đặt cống trên hành lang an toàn đường bộ phải được Tổng cục Đường bộ cấp phép. Đoạn cống do ông Lộc lắp đặt chưa hề được cấp phép.

Để làm rõ hơn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc xử lý vi phạm, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc. Ông Linh cho biết: “Phần vi phạm thuộc khu vực quản lý của chính quyền huyện sẽ chắc chắn xử lý. Sắp tới UBND huyện sẽ tiến hành cưỡng chế, móc cống đó lên. Còn huyện cũng đã đề nghị Chi cục IV.2 phối hợp xử lý vi phạm thuộc phần quản lý của Chi cục này.”

Có thể nói, vi phạm của ông Lộc đã được chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan làm rõ, trách nhiệm xử lý vi phạm cũng đã được xác định cụ thể cho từng đơn vị. Kể từ khi vi phạm được người dân, cử tri cũng như các đơn vị báo chí phản ánh đã rất lâu, thế nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, thậm chí có sự lúng túng trong việc xử lý của các cơ quan này.

Điều này đặt ra nhiều vấn đề như: Phải chăng các cơ quan chức năng đang cố tình kéo dài sự việc, không cương quyết xử lý dẫn đến vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại? Sự việc này khiến người dân địa phương cũng như dư luận không khỏi băn khoăn về khả năng quản lý của các cấp chính quyền cũng như các đơn vị có liên quan.

Dẫu sao thì vi phạm vẫn còn đó, thế nên, thiết nghĩ các đơn vị sớm tiến hành xử lý triệt để vi phạm tránh bức xúc trong nhân dân địa phương nói riêng và dư luận nói chung.

Sinh Nguyễn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/bien-suoi-cong-thanh-cua-rieng-tai-xuan-loc-dong-nai-cac-co-quan-chuc-nang-dang-xu-ly-vi-pham-tren-giay-478845.html