'Biên sử nước' - phận người dưới dáng hình của nước

Sau 8 năm ra mắt tiểu thuyết đầu tay, có thể nói, Nguyễn Ngọc Tư của 'Biên sử nước' đã thăng hạng trong chính sự nghiệp văn chương của mình bằng chất liệu trước đó ở 'Sông'.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới mang tên Biên sử nước. Sách do Phan Book và NXB Phụ Nữ phát hành.

Dấu chân của những người đàn bà trên hành trình đi tìm Đức Ngài

"Ngày hai nghìn không trăm bốn mươi sáu, Đức Ngài chỉ còn mỗi trái tim. Người đàn bà sẽ lấy nó, đã tới bên kia sông tay bồng đứa nhỏ".

Biên sử nước bắt đầu ở một mốc thời gian không xác định rõ ràng, khi người đàn bà sẽ đến lấy trái tim Đức Ngài mà theo lời đồn đại có thể chữa lành căn bệnh hiểm nghèo cho đứa con của mình.

 Biên sử nước - cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: Ngô Vinh.

Biên sử nước - cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: Ngô Vinh.

Trái tim trở thành một phương thuốc độc đáo, khơi gợi sự tò mò pha lẫn bứt rứt và trùm phủ nỗi bất an nơi độc giả. Biên sử nước phân tán ở từng câu chuyện như những nhánh sông chằng chịt và hội tụ đổ về cùng một điểm sau những cơn cuồng nộ chảy xiết của thực tại.

Câu chuyện chứa đựng nhiều số phận biến dạng với lớp màn sương mỏng mà khi độc giả bước vào, chấp nhận sự quyện đặt giữa hiện thực và hư ảo; để rồi khi bước ra với những tên nhân vật rõ ràng nhưng không thể bóc tách đúng mỗi một hành trình trong Biên sử nước.

Nước - biến hóa trong những dáng hình

Xuyên suốt câu chuyện, nước trở thành một biểu trưng với đầy đủ "hỷ nộ ái ố", biến hóa trong những dáng hình nơi số phận chấp chới bay giữa đêm vô định.

Đó là Phúc (cái tên không phân biệt gái hay trai) người lấy trái tim Đức Ngài bởi tin rằng có thể làm cho đứa nhỏ cười hay Phúc nào đó tuổi 13 bị "mắc kẹt" dòng máu hòa lẫn với nước mưa đẹp đến lạ lùng.

Và cũng có thể là Phúc đi tìm người đàn bà - giới tính thật trong mình, để rồi bị chính mẹ mình sai đám thợ gỗ hãm hiếp tập thể. Phúc nằm thoi thóp giữa đống dăm bào ướt nhẹp mồ hôi pha với máu.

Nước còn là dáng hình của cơn lũ lút đồi Tro, là hành trình đi tìm người đàn bà lỡ mở vòi nước phong thủy của làng và gây ngập lụt. Người đàn bà đó ẵm đứa nhỏ chảy nước và đi lấy trái tim Đức Ngài để chữa bệnh.

Những cái tên Phúc, Tùy, Thu hay Cẩm đều chung một điểm đến là xuôi dòng tới Cù Lao nơi có Đức Ngài đang sống với mục tiêu duy nhất là đánh cắp trái tim, thứ có thể trị mọi loại bệnh trên thế gian.

Mỗi một số phận đặt để đều gắn liền với nước, với con sông hay đúng hơn là dòng máu nóng chảy ngược về trái tim tật nguyền, từ đó mở ra một vòng lặp hư ảo của những người đàn bà đi tìm phương thuốc tái sinh một cuộc đời khác.

Biên sử nước đánh dấu sự thăng hạng trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: Ngô Vinh.

Câu chuyện vượt xa Cánh đồng bất tận

Có thể nói với Biên sử nước, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã thăng hạng trong chính sự nghiệp văn chương của mình.

Những điều thân quen với độc giả như cánh đồng, bụi ô rô hay những mối tình câm mộc mạc, chất phác trong loạt truyện ngắn hay tản văn trước đó dường như biến mất.

Biên sử nước sử dụng lại chất liệu của Sông bằng những hành trình xuôi ngược và gặp nhau để tỏa phát thứ bên trong bị phủ lấp. Điểm độc đáo của Biên sử nước chính là đa nhân vật, đa tuyến truyện nhưng có cùng một điểm kết.

Chất hư ảo pha lẫn với thực tại đưa thân phận của mỗi nhân vật trong hành trình đi tìm trái tim Đức Ngài được nhập lại thành một. Tất cả thông qua cái tên "Người đàn bà" rất chung mà không được định danh dù nhiều cái tên riêng được nêu trong mỗi chương sách.

Bằng cách kể độc đáo, ý tứ và cấu trúc truyện lạ lùng, Biên sử nước cô đọng đến mức độc giả cảm nhận được sự dè sẻn và tiết kiệm từng câu trong quyển tiểu thuyết mỏng này của tác giả.

Tính mộng mơ song hành với hiện thực phũ phàng khiến Biên sử nước đẹp lấp lánh như những dòng chảy phơi mình dưới ánh hoàng hôn sắp tắt. Để rồi chờ đợi một ngày mới lên với vòng lặp vô tận của một đời người.

Ngô Vinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bien-su-nuoc-phan-nguoi-duoi-dang-hinh-cua-nuoc-post1147396.html